Anh Vân -
Đến thăm Lý Lan vào một chiều Sài Gòn còn uể oải nhịp xe tiếc cái Tết vui vẻ trôi quá nhanh. Lý Lan đãi khách món mứt quả mộc qua, táo và mận sấy khô do chính tay chị làm từ Mỹ mang về. Mấy loại hoa quả này đều hái từ trong vườn nhà chị. Lý Lan vui vẻ kể câu chuyện trên đường hoa Nguyễn Huệ vào ngày mùng 2 khi mới về nước "Mình đang lui cui chụp hình hoa thì nghe kêu "Bác cẩn thận coi chừng té!". Ngó quanh quất tưởng mấy đứa tuổi teen kêu ai. Hóa ra tụi nó đang nói mình!".
![]() |
Chân dung nhà văn Lý Lan. Ảnh: lylan.mutman.googlepages.com. |
Lý Lan không chỉ nhìn về tuổi đôi mươi với vẻ trân trọng, đề cao mà chị còn luôn tìm cách tiếp cận họ. Khi trò chuyện thì chỉ xưng hô "mình, bồ" chứ không có "bác cháu" gì ở đây cả. Có lẽ vì thế giọng văn dịch của chị trong bộ truyện đình đám Harry Potter thật trong sáng, dễ thương, đủ làm lớp độc giả nhí Việt Nam "thích mê tơi".
Trên chặng đường 30 năm "chơi" với chữ, Lý Lan có hơn 20 đầu sách được xuất bản; và đạt hai giải thưởng văn chương: Tập truyện thiếu nhi Ngôi nhà trong cỏ (NXB Kim Đồng, Hà Nội, 1984) được giải thưởng văn học thiếu nhi của hội Nhà Văn Việt Nam. Và gần đây nhất, tập thơ Là mình (NXB Văn Nghệ, TP HCM, 2005) được giải thưởng thơ Hội nhà văn TP HCM.
Nhắc đến Là mình, Lý Lan tủm tỉm cười về cái sự bất ngờ trong văn chương. Năm ngoái, cũng vào dịp Tết, chị về Việt Nam "quậy" một chuyến. Tự tập hợp các bài thơ mình viết ra hàng bao năm (mà chỉ "dấm dúi" trên blog để đọc chơi) in thành một tập thơ hẳn hoi. 500 cuốn thơ ra đời được loan báo sẽ tặng miễn phí độc giả, cước phí gửi thơ do tác giả chịu. Lý Lan "quậy" chỉ với ý nghĩ: Để độc giả đừng quên mình, để gửi "tiếng thơ" của mình đến mọi người như một món quà tinh thần nhỏ bé.
Vậy mà "đùng một cái", năm 2006, Hội nhà văn TP HCM thành lập giải thưởng độc lập lần đầu tiên, Là mình được Hội đồng ban giám khảo chọn trao giải thưởng thơ thành phố, trị giá giải thưởng là 10 triệu đồng. Lúc ở bên kia nửa vòng trái đất, Lý Lan được người nhà báo tin mà vẫn còn bán tín bán nghi, vì "nghĩ mình chỉ là dân ngoại đạo với thơ". Chừng lên báo mạng đọc, chị mới tin đó là sự thật.
Bây giờ, mọi người có thể gọi Lý Lan với nhiều danh xưng: nhà thơ, dịch giả, nhà văn; còn thời gian trước đây chị từng là nhà giáo với 17 năm đứng trên bục giảng; rồi trở lại là một người học, một sinh viên của ngành cao học Anh văn tại ĐH Wake Forest (Mỹ). Và là gì đi nữa, công việc của chị đều liên quan đến "chữ", một mối quan hệ quấn quýt như tình nhân.
Khi hỏi chị: "Điều gì khác nhau giữa một người đàn bà viết văn của Sài Gòn và một người đàn bà Việt viết văn ở thành phố Bellingham của Mỹ?", chị nói khác nhiều lắm chứ. Không chỉ là chuyện dời đổi vị trí, từ căn hộ chung cư lúc nào cũng vọng lên âm thanh hối hả của con đường Nguyễn Tri Phương, quận 5 đến ngôi nhà có khu vườn yên tĩnh nằm gần con vịnh Bellingham; mà còn là chuyện một người viết xa rời nguồn ngôn ngữ đã tắm tưới cho tâm hồn anh ta.
Chị tâm sự, nhiều lúc ở bên ấy, có ý tưởng viết một bài thơ, một truyện ngắn mà cứ lừng khừng, dở dang, nghĩ mãi vẫn chưa thể nào viết trọn vẹn. Rồi để đấy, có dịp về Việt Nam như "cá về với nước", được nghe lại tiếng Việt xôn xao xung quanh. Thế là tự nhiên viết liền một mạch.
Thành phố Bellingham nơi Lý Lan ở rất yên tĩnh, người Việt rất ít và ai cũng đều bận rộn để mưu sinh. Có khi gần cả năm, chẳng có dịp nào hàn huyên bằng tiếng Việt với ai. Và Lý Lan đến với văn chương mạng cũng là một trong những cách để cân bằng cảm giác chống chếnh giữa hai ngôn ngữ.
Mỗi ngày Lý Lan vào mạng viết blog, viết web cho mình. Đọc báo điện tử ở Việt Nam nói về phong trào lập web của các nhà văn đang nở rộ chị thấy rất vui. Chỉ với trang googlepages.com, một trang cung cấp web miễn phí, Lý Lan đã có hẳn cho mình một góc trên xa lộ thông tin.
Không nhận mình là một trong những tín đồ của văn chương mạng thời @, nhưng chị khẳng định, người viết, nhất là những cây viết trẻ nên tiếp cận tích cực với Internet vì đó là cánh cổng rộng mở, một phương thức hữu hiệu khuyến khích người viết độc lập suy nghĩ, có tiếng nói riêng, đồng thời tự quảng bá được văn mình đến với mọi người.
"... Tứ thập bất hoặc. Ngũ thập tri thiên mệnh". Lý Lan nói mọi công việc với chị bây giờ cứ để tự nó chậm rãi, tuần tự mà đến. Dự định cùng nhà thơ Bruce Weigl dịch thơ Việt sang tiếng Anh của chị đang tạm gác lại, vì nhà thơ Bruce Weigl phải giải phẫu não. Hiện tại, chị chăm chút cho Ở Bellingham, cuốn tùy bút sắp ra mắt. Cuốn sách này là sự kết hợp giữa những trang nhật ký của chị về năm tháng sống trên đất Mỹ, cùng những tư liệu do chính chị góp nhặt từ cộng đồng nhỏ bé của người Việt ở đây.
Và bà J.K. Rowling đã viết xong quyển sách Harry Potter cuối cùng. Chị nói, nếu NXB Trẻ không "ép uổng" dịch với tốc độ căng thẳng, chỉ trong vòng 40 ngày như hồi dịch Harry Potter 6, chị sẽ tiếp tục với hành trình phiêu lưu của nhóm bạn phù thủy nổi tiếng.
Công việc chữ nghĩa với Lý Lan là như thế: Ngẫu nhiên + hồn nhiên. Nhưng độc giả có quyền hy vọng ở người đàn bà làm thơ, viết văn này những bất ngờ phía trước.