- Một người đàn ông gần 40 như anh mà còn sống với gia đình, phó thác cho ba mẹ sắp đặt mọi việc trong cuộc sống, công việc của mình, tại sao vậy?
- Tôi thì thấy nhận xét đó ngộ quá. Tôi sống với gia đình nhiều lắm. Ba mẹ tôi là người hướng dẫn nghề nghiệp, cuộc sống cho tôi từ nhỏ, nên mỗi khi nhận phim tôi đều hỏi ý kiến cha mẹ. Tôi cũng thấy nên như vậy. Với những người con đã trưởng thành, đừng nghĩ cứ đủ lông đủ cánh là qua mặt cha mẹ, không hay đâu. Phải có nền tảng gia đình mới hạnh phúc. Mẹ tôi nhìn tôi lúc nào cũng là con nít, chăm bẵm từng chút nhỏ. Được sống gần cha mẹ thích lắm, là may mắn lớn của tôi. Nên để nhìn thấy cha mẹ vui, tôi có thể con nít với cha mẹ cả đời.
- Anh bắt đầu đóng phim khi nào?
- Tôi đóng phim năm 12 tuổi. Khi đó tôi theo ba vô phim trường chơi, bác đạo diễn Lê Dân Duy thấy thằng nhỏ này ngộ ngộ, mời vô vai thằng nhỏ bán báo, phim Phượng. Tôi đâu biết gì, cứ vậy chạy vô ôm xấp báo chân chạy miệng rao "báo đơi báo đơi" kèm vào lời "điểm báo" kiểu tôi nghe được từ mấy thằng nhỏ bán báo dạo ngoài đường. Vậy mà diễn đạt! Hôm đó có cả bác đạo diễn Cao Thị, bác mời luôn vào vai chính, thằng Dũng "Lì" trong phim Đàn chim và cơn bão. Kế đó, cô Việt Linh mời tiếp vô vai chính trong phim Nơi bình yên chim hót, đóng với cô Minh Trang. Số tôi hên, thấy không? Mới 12 tuổi đã liên tiếp trúng vai chính rồi.
|
Diễn viên Lý Hùng. Ảnh: Thanh Niên Tuần San. |
- Duyên do nào anh lại vào vai tướng Phạm Công hai đời vợ, hai đứa con khi anh mới 17 tuổi trong phim "Phạm Công - Cúc Hoa"?
- Phạm Công - Cúc Hoa, tôi đóng cặp với Diễm Hương, là bộ phim đầu tiên đưa tôi thoát khỏi vai con nít lên vai người lớn. Và đó là bộ phim gây tiếng vang lớn, bắt đầu cho danh hiệu "ngôi sao điện ảnh" của chúng tôi.
Hồi đó đi thử vai có cả các chú Chánh Tín, Thương Tín, Đơn Dương, Khánh Hoàng, toàn những diễn viên đương thời. Tôi cũng đi thử vai, nhưng cứ nghĩ rằng "kiếm" một vai gì trong đó thôi. Rồi người hãng phim kêu vô nhận vai, tưởng vai gì, té ra vai Phạm Công. Trời! Năm đó tôi 17 tuổi, còn học cấp III, Phạm Công có hai vợ hai con, mà Trinh Trinh đóng vai con khi đó đã 15 tuổi! May mà tôi con nhà võ, "nhổ giò" sớm, nên 17 tuổi mà đã phong độ, to cao vạm vỡ, dáng dấp đi đứng dứt khoát đĩnh đạc, nên lên phim khán giả hâm mộ Phạm Công quá trời!
- Kế tiếp anh vào vai gì?
- Vào vai chính trong phim Người không mang họ của đạo diễn Long Vân và Phan Vũ, tay giang hồ Trương Sỏi, cũng năm 17 tuổi, Trương Sỏi có râu, giang hồ, dữ dằn, có ăn chơi với đàn bà con gái, lúc đó là cô Kim Chi với cô Khánh Hòa thủ diễn. Trong phim tôi với hai cô đóng vai trai gái yêu đương, mới nói: "Anh và em phải chia tay", nhưng đạo diễn vừa hô "cắt" là tôi quay ra chào: "Cô ơi cháu về trước nhé, cháu hết vai rồi".
- Nhỏ tuổi như vậy, anh lấy trải nghiệm ở đâu để đảm nhiệm những vai có đời sống cá nhân và xã hội vượt xa lứa tuổi của anh như vậy?
- Trời ơi! Bản năng thôi chứ kinh nghiệm gì. Hồi đó còn chưa có râu nữa, Phạm Công hay Trương Sỏi gì cũng mang râu giả hết. May lúc đó có ba tôi kế bên, chỉ dạy từng động tác, phân tích từng phân đoạn, có thầy kèm sát nên yên tâm mà diễn.
- Kỷ lục của anh là mấy phim một năm?
- Năm kỷ lục phải trên 10 phim, nhờ tôi đảm nhiệm được nhiều loại vai, từ hành động, võ thuật, dã sử cho đến tâm lý xã hội. Đóng nhiều như vậy, nhưng số kịch bản bị ba tôi từ chối còn nhiều hơn. Ba tôi kỹ lắm, kịch bản ông chọn lọc, chỉ nhận lời những phim được làm kỹ, không bao giờ cho tôi tham gia những phim làm dối, ẩu. Nên chưa có phim nào khán giả chê Lý Hùng đóng dở hết. Đó là thời cực thịnh của phim ảnh Việt Nam mà.
- Thời cực thịnh này cũng đi cùng thời cực thịnh của anh. Mức cát-xê kỷ lục 30 triệu đồng như báo chí thời đó đưa tin anh đạt được từ phim nào?
- Sau đó một loạt phim đến với tôi, Nước mắt học trò, Sau những giấc mơ hồng, Lệnh truy nã, Lửa cháy thành Đại La... Tôi nhớ đâu như mức cát-xê đó có được từ phim Sau những giấc mơ hồng, rồi sau đó, các hãng phim cứ theo barem đó mà trả.
- Tiền nhiều như vậy, anh dùng vào việc gì?
- Ký hợp đồng với hãng là tôi nhưng người cầm tiền là má tôi. Tôi có biết tiêu xài gì đâu. Hồi đó đã là "ngôi sao điện ảnh", "triệu phú" rồi mà đi chơi vẫn xin má một, hai trăm ngàn, bà còn la xài phí quá. Nhưng tôi thấy vui. Làm gì cho cha mẹ vui là tôi hài lòng.
- Như vậy chỉ bằng đóng phim, cũng có thể suy ra anh rất giàu. Thực tế ra sao?
- Tôi không biết nữa. Mẹ tôi cầm hết mà, rồi sau đó chi tiêu lại cho các con và gia đình. Hồi 18 tuổi, mẹ tôi mua cho chiếc xe hơi để đi đóng phim. Trong phim Lệnh truy nã, tôi lái xe hơi của mình lạng lách đủ trò, thích thú lắm.
- Tình cảm giữa anh và các bạn diễn hồi đó như thế nào?
- Tụi tôi chơi thân thiết với nhau, đặc biệt là Diễm Hương, Việt Trinh, Mộng Vân, Y Phụng. Chơi hợp tính, vui lắm. Trong số đó, tôi chỉ yêu có Y Phụng, nhưng đã chia tay cách đây 3 năm rồi, giờ cô ấy đã có gia đình.
- Hồi đó vì sao anh và Diễm Hương không có chuyện "phim giả tình thật" khi 2 người đóng cặp với nhau rất ăn ý như vậy?
- Không đâu. Tới giờ tôi đi hát, có những cụ già nắm tay hỏi: "Con ơi, vợ con khỏe không?". Tôi ngạc nhiên hỏi lại: "Bác hỏi ai?", họ nói: "Vợ con đó, Diễm Hương Cúc Hoa chớ ai". Tôi đính chính thì bà cãi: "Không, vợ chồng con xứng đôi lắm. Người ta ai cũng nói tụi bây vợ chồng. Đừng có giấu. Mấy đứa con lớn chưa?". Là do hồi đó tết năm nào cũng chụp hình lịch "hai vợ chồng" Lý Hùng, Diễm Hương. Năm đầu bế một đứa con, năm sau bế 2 đứa con, thì cổ động cho kế hoạch hóa gia đình mà. Người dân quê mình tin lắm. Thiệt khổ!
- Giờ anh cứ định sống độc thân làm nguồn vui cho cha mẹ mãi như thế này sao?
- Tôi không có ý định thế, nhưng duyên chưa tới. Mà tôi thấy sống vầy thoải mái lắm. Tối hát về khuya, ăn tô cháo cá má nấu chờ sẵn, coi một cuốn phim, rồi đi ngủ. Sáng má kêu dậy, không đi phim thì chơi thể thao, mình rảnh theo má đi làm từ thiện, ba má rảnh theo mình đi về nông thôn cổ vũ cho mình hát phục vụ bà con. Tôi quanh quẩn trong gia đình này mấy chục năm nay, chưa một ngày thay đổi hoàn cảnh sống, quen với việc luôn có ba má, anh chị em ở bên rồi, phải thay đổi tôi không thấy vui.
- Hàng chục năm qua, đi hát ở vùng sâu vùng xa, ý nghĩa lớn nhất anh nhận được là gì?
- Là thấy mình có ích, mình có thể làm người khác có được niềm vui chốc lát trong cuộc sống buồn và cơ cực của họ. Bà con ở vùng sâu vùng xa họ thèm khát nghệ thuật, thèm khát gặp gỡ giao lưu với người nổi tiếng. Tôi về đó gặp những con người thân thiết và tình cảm, chứ tiền bạc không đáng kể.
Có hôm từ chỗ ở đi vào nơi diễn phải 100 cây số. Vào đó thấy trời mưa, có 100 con người lom thom ngồi đợi mình. Bầu sô muốn hủy, trả lại tiền vé, nhưng tôi nói cứ mở màn đi, tiền bạc bao nhiêu cũng được, cả 100 con người đã lặn lội từ đâu tới đây, ngồi chờ mình dưới mưa. Nhờ vậy mà bầu sô mới dám mở màn, chớ vé có 10.000 đồng, trăm vé có 1 triệu bạc, làm sao đủ "sở hụi", Thương lắm. Tôi hát dưới mưa mà không thấy lạnh, thấy hạnh phúc, nhưng hạnh phúc hơn là thấy bà con ngồi hát theo mình.
Có khi tôi đi vào cùng đồng bào thiểu số, nói tiếng Kinh không rành. Tôi lo trong bụng: "Trời ơi đây ai biết Lý Hùng mà coi?". Nhưng không ngờ mới 17-18h, bà con kéo cả làng ra, nói với nhau lơ lớ "Lý Hùng kìa, Lý Hùng kìa". Tôi ngạc nhiên và hạnh phúc quá, hỏi anh làm ở phòng thông tin văn hóa huyện thì anh nói: "Những phim anh đóng tụi tôi đem đi chiếu lưu động cho bà con coi. Và những phim đó khắc sâu vào tim não bà con rồi, bà con nhớ kỹ lắm". Tôi thấy hạnh phúc, rất hài lòng với công việc này dù khổ cực, ít tiền, tình cảm và sự chung thủy đó, ở thành phố không thể nào tìm được.
![]() |
Lý Hùng và bạn diễn Thanh Trúc trong phim "Mưa thủy tinh". Ảnh: Thanh Niên Tuần San. |
- Anh cho biết về vai Hoàng Dũng anh thủ diễn trong phim "Mưa thủy tinh" đang quay?
- Đây là vai doanh nhân Việt kiều đầu tiên của tôi. Đó là chàng trai hào hoa, lịch lãm độ tuổi 30, được ba đầu tư vốn cho về làm ăn tại Việt Nam. Với quan điểm rất phóng khoáng về tình yêu, tình đến tình đi bao nhiêu đều tốt cả, cuối cùng, anh ta đã gặp được tình yêu đích thực của mình ở đây và cũng xây dựng được sự nghiệp của mình ở đây, dù gian nan, vất vả. Kịch bản này của chị Nguyễn Thị Minh Ngọc hay lắm, nhân vật rất dày dặn, tôi đọc vô thích liền mà càng đọc kỹ càng thích.
- Hiếm gặp một diễn viên, ca sĩ nào có đời sống cá nhân đơn giản, nhẹ nhàng với một tâm thế thư thới, an lạc, không chút quay quắt như anh. Anh nghĩ sao?
- Tại vì tính tôi không ưa bon chen, lòng không nuôi đố kỵ, tỵ hiềm. Quan niệm trong nghệ thuật ai có chỗ của người nấy, ai có tên tuổi của người nấy. Chữ "thời" của mình do mình dựng nên và cũng do mình tự lật đi, ngoài mình ra không ai "truất phế" được mình hết. Diễn viên là người của quần chúng. Diễn viên được quần chúng cả nước yêu mến là hạnh phúc nhất trên đời rồi, còn muốn gì hơn nữa?
Cùng với Diễm Hương, Việt Trinh, Thu Hà, Lê Công Tuấn Anh, Lý Hùng là ngôi sao điện ảnh, cái tên bán vé của thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Sự nghiệp của anh đến lúc anh còn là cậu học sinh chưa học xong phổ thông trung học, và nở rộ khi bước vào tuổi thanh niên. Trong một thời gian độ 10 năm, số vai diễn của anh đã lên đến khoảng 80 phim, hầu hết là vai chính. Sự nghiệp của anh cũng dừng khi thời hoàng kim của điện ảnh Việt Nam thoái trào. Suốt 7 năm không đóng phim, năm 2006, anh trở lại với điện ảnh trong phim Đôla trắng. Và năm nay là vai nam chính trong bộ phim truyền hình 30 tập Mưa thủy tinh của đạo diễn Lê Bảo Trung, vai Hoàng Dũng, một doanh nhân Việt kiều về lập nghiệp tại Việt Nam. Vào thời mỗi ngày giở báo chí ra là thấy tên anh, Lý Hùng đã nổi tiếng là đứa con ngoan, gia đình NSƯT Lý Huỳnh đã nổi tiếng là gia đình dạy con khuôn phép, nền nếp, cho dù hầu hết "dân số" trong nhà đều tham gia làm nghệ thuật. Lý Hùng bây giờ vẫn vậy. Người được anh thần tượng nể phục, kính yêu nhất là ba mẹ mình. Trong câu chuyện, mỗi khi nhắc đến những chi tiết phim ảnh mà anh không nhớ chắc, anh lại đứng lên: "Để anh vô hỏi ông già. Cái này ông già biết kỹ", và bao giờ quay ra, anh cũng hoan hỉ "ôm" theo câu trả lời chính xác. Khi hỏi mượn một số tấm ảnh tư liệu nằm trong album gia đình nhiều hàng vài chục cuốn, anh bảo: "Để anh vô thưa ông già. Bộ sưu tập hình này ba anh bỏ công làm kỹ lắm, mất ổng rầy chết". Rồi anh giải thích bức ảnh treo trên tường chụp Hội từ thiện Thiện Nhân có anh là thành viên: "Má anh đứng kế anh đó. Anh học được ở bà lòng từ tâm độ lượng. Tham gia Hội Thiện Nhân là do má kêu anh vô". Anh lật giở một bức ảnh gia đình gồm ba má anh và 6 người con cùng 1 đứa cháu, anh nói cặn kẽ tên từng người một, là anh hay chị, em của anh, giọng rất vui và cười hạnh phúc. |
(Theo Thanh Niên Tuần San)