Vương Hải Linh -
Cưới nhau đã gần bốn mươi năm mà cả hai trò chuyện mãi không hết, chuyện trời chuyện biển, rôm rôm rả rả, tràn đầy dư vị. Thực chẳng giống Phong và Bình chút nào, mới cưới nhau chưa đến mười năm mà đã chẳng còn mấy chuyện có thể nói với nhau.
- Diễn viên này tên là gì bà nhỉ? - Bố Phong xem ti vi hỏi vợ.
- Nhìn cũng quen quen, tên là gì ý nhỉ? - mẹ Phong thì chau mày suy nghĩ mà chẳng thể nhớ ra.
- Cậu ta có học qua lớp diễn viên chưa ấy nhỉ? Diễn chả nhập vai gì cả, chẳng hề nhập vai. Căn bản là không biết diễn xuất! Bà xem, diễn đau khổ thì chau mày, diễn vui thì nhe răng cười, chỉ có mỗi hai hành động đó, diễn đi diễn lại, hây ya, không thể xem nổi nữa, thật không kiên nhẫn xem được nữa!
- Trông cậu ta cũng được, khá đẹp trai đấy chứ!
- Đúng đúng, đẹp trai, có lẽ… ‘cũng lọt mắt’… hừm.
- Theo tôi thì, ‘lọt vào mắt’ là tốt rồi. Diễn viên mà, cũng là để mọi người xem. Ngoại hình thì để mọi người ngắm đẹp, diễn hay thì để mọi người xem diễn xuất.
- Thế không thể vừa đẹp vừa diễn hay được à?
- Ít lắm. Diễn viên như vậy ít lắm. Có thể nói là như lá mùa thu vậy. Cùng làm nghề này chúng ta cũng hiểu mà. Diễn viên mà, thông thường là trông thì xinh nhưng diễn thì không hẳn hay; mà trông có thể không xinh nhưng diễn lại rất tốt.
Lúc ấy, Phong bê đĩa hoa quả vào, nhìn bố một cái rồi cùng góp chuyện:
- Sao lại thế hả mẹ?
- Sao hả? - Hai tay mẹ vỗ vào nhau một cái rồi nói tiếp - Rõ ràng thế còn gì, nếu con trông không xinh, diễn cũng không tốt, lấy gì mà đứng trong nghề này chứ, hay nói theo cách thịnh hành bây giờ thì là lấy cái gì mà đòi lọt vào mắt người ta chứ? … Phong à, mẹ nói cho con biết, năm đó còn trong nhà hát kịch, mẹ con là một nữ diễn viên có ngoại hình bình thường nhất đấy.
- Nói khoác! - Bố Phong khẽ nhìn mẹ một cái.
- Còn bố con hả - mẹ Phong không thèm nhìn chồng vẫn thản nhiên nói với con - lại là một nam diễn viên đẹp trai nhất trong đoàn đấy!
Đến lúc này, Phong không nhịn nổi nữa cười phá lên. Mẹ cũng bật cười theo, vừa cười vừa đứng dậy rủ chồng: "Ông à, chúng ta đi bộ nào." Rồi sau đó như có dụng ý rủ Phong đi cùng "Con đi cùng bố mẹ, cầm theo đồ của con nữa. Bố mẹ tiễn con một đoạn." Gương mặt Phong chợt chùng lại. Nét mặt mẹ cũng chùng lại theo. Sự im lặng bỗng bao trùm khắp gian phòng. Một lát sau, mẹ lại nói:
- Phong, mẹ hỏi con một câu, con còn muốn sống với chồng nữa không? Nếu muốn sống tiếp thì đừng đỏng đảnh quá, đừng cứ đòi người khác phải làm theo những gì mình muốn. Hai người sống với nhau, cùng nhau ăn, cùng nhau ngủ, ngẩng đầu không gặp cúi xuống là gặp nhau, mỗi người đều có thói quen riêng của mình, có sở thích riêng, quan điểm riêng và lý tưởng riêng, nếu cả hai không chịu nhún nhường, gặp chuyện gì cũng chỉ nghĩ cho mình, sống vậy sao tìm được niềm vui. Mà nếu con không vui, liệu chồng con có vui không, mà chồng con không vui thì con càng không vui. Nếu thế thì các con làm sao còn sống được với nhau đây… Phong à, con thì cái gì cũng tốt, chỉ có điều hơi thiếu khoan dung với người khác!
Phong nghe vậy bỗng kích động:
- Con thiếu khoan dung à? - Phong khua bàn tay bị thương lên nói - Tay con băng đến thế này con có nói gì không? Không hề. Nếu là người khác, dù là bất kỳ ai, thử xem, chẳng làm loạn lên ấy chứ. Mẹ còn muốn con khoan dung thế nào nữa!... Mẹ, con biết mẹ vì con, nhưng con thấy đôi khi mẹ nói mà không có trách nhiệm, cũng chẳng có nguyên tắc…
- Vợ chồng với nhau thì có nguyên tắc gì lớn chứ.
- Mỗi cặp vợ chồng cũng không giống nhau! Mẹ tưởng đôi nào cũng giống bố và mẹ chắc, từ bé đã cùng ở trong đoàn kịch, cùng nghề, cùng sở thích, cùng chung tiếng nói…
- Theo như con thì cứ cùng nghề là thành vợ chồng à? Ở đoàn kịch của bố mẹ, con không hiểu rõ thì thôi, nói tới trường con nhé, những người cùng ngành nghề lấy nhau con chắc không có ai ly hôn chứ?… Con nói đi!… Thế sao mà không loạn cả lên chứ?
Còn tiếp...
(Trích tiểu thuyết "Ly hôn kiểu Trung Quốc" của tác giả Vương Hải Linh, do NXB Công an Nhân dân ấn hành)