Theo Live Science, lần cuối cùng Shridar Chillal cắt móng tay là năm 1952. Ông nuôi móng bàn tay trái hàng chục năm, kết quả là chúng xoăn lại và dài tổng cộng đến 9 m. Kỷ lục này khiến các nhà khoa học đặt câu hỏi tại sao con người có móng tay, và chúng có thể mọc dài đến đâu.
Tại sao con người có móng tay
John Hawks, một nhà nhân chủng học ở đại học Wisconsin-Madison, Mỹ, cho biết do là động vật linh trưởng nên con người có móng tay. Không giống như đa số các loài động vật có vú - có móng vuốt để đào bới và leo trèo, con người và các loài linh trưởng khác có vân tay giúp cầm nắm đồ vật.
Tuy nhiên, giới khoa học vẫn cho rằng móng tay còn nhiều bí ẩn, Hawks nói. Họ không chắc đây là phần sót lại khi tiến hóa, móng vuốt mất đi trở thành móng tay, hay là đây là cách thích nghi hiệu quả để giúp ngón tay linh hoạt hơn.
Theo một nghiên cứu năm 2011 của đại học Florida, Mỹ, động vật linh trưởng có móng tay ít nhất từ 55,8 triệu năm trước, theo một mẫu hóa thạch móng tay được tìm thấy của loài linh trưởng Teilhardina brandti. Chúng sử dụng những cái móng tay dài để cầm nắm những cành cây nhỏ khi di chuyển quanh khu rừng.
Móng tay mọc thế nào
Những tế bào mới hình thành ở gốc móng đẩy tế bào cũ về phía đầu móng, đó là cách móng tay mọc, giống như chúng ta bóp kem đánh răng từ ống. Khi những tế bào mới này mọc lộ ra ngoài, chúng tự dàn phẳng và giãn ra.
Gốc móng nằm ở dưới da, do đó, chúng ta không thể quan sát 90% quá trình tăng trưởng của chúng bằng mắt thường. Cụ thể, móng mọc từ gian bào (nơi sản sinh tế bào móng mới), tế bào móng mới tiến về phía trước, đến phần quầng móng hình bán nguyệt, màu trắng, có thể quan sát rõ quầng móng ở ngón tay cái. Khi tế bào đến điểm cuối cùng của quầng móng, nhân của chúng biến mất và cứng lại thành protein keratin - thành phần cấu tạo nên móng tay.
Móng có thể dài ra đến đâu
Móng tay có thể mọc được khá lâu, trong hàng chục năm. Mặc dù bất tiện trong sinh hoạt và khó lấy vợ, nhưng Chillal đã nuôi móng đến 62 năm không cắt. Móng dài nhất của Chillal là móng cái, dài gần 2 m và xoăn tít, cuộn chặt lại. Sự tăng trưởng của từng móng có thể khác nhau, nên độ dài ngắn cũng khác nhau, mặc dù chúng đều nằm trên một bàn tay.
Tiến sĩ William Bean đã nghiên cứu sự dài ra của móng trên bàn tay trái của ông trong 35 năm. Ông công bố nhiều nghiên cứu về độ dài móng, trong đó nghiên cứu gần nhất xuất bản năm 1980 trên tạp chí JAMA Internal Medicine.
Bean nhận thấy móng giữa mọc nhanh nhất, trong khi móng cái và móng út mọc chậm nhất. Bean đo chiều dài móng cái, từ đó tính toán tỷ lệ dài ra của những móng khác. Khi già đi, Bean nhận thấy móng tay mọc chậm hơn. Khi bắt đầu nghiên cứu, ông 32 tuổi, ngón cái mọc khoảng 0,123 mm mỗi ngày. Tuy nhiên, khi ông 67 tuổi, móng cái chỉ dài ra 0,095 mm mỗi ngày.
Hồng Hạnh