Vào những năm 70 của thế kỷ 20, tại trung tâm thành phố Đà Lạt bắt đầu hình thành một chợ rau tự phát về đêm. Những hộ có nhà vườn vào mùa thu hoạch thường phải gánh rau củ nhiều cây số đến chợ bán. Những năm sau đó, dịch vụ xe ngựa nhận chở rau ra chợ khá thịnh hành. Khu chợ rau này bắt đầu họp từ khoảng 23h và kéo dài tới sáng sớm.
Dân số Đà Lạt vào thời điểm đó rất thưa thớt. Khu chợ tuy nằm ở trung tâm thành phố nhưng ban đêm gần như không có hệ thống chiếu sáng. Người mua, kẻ bán dùng đèn dầu để xem xét hàng hóa và trả giá. Sương mù về đêm ở Đà Lạt những năm đó dày đặc, khắp chợ chỉ leo lét ánh sáng đèn dầu của các tiểu thương. Dòng người di chuyển dưới ánh sáng mờ ảo đó tạo nên một khung cảnh rất huyền bí, liêu trai trong không khí se lạnh nơi phố núi. Cảnh tượng này khiến người dân Đà Lạt ví như cõi âm. Từ đó, tên gọi chợ Âm Phủ ra đời.
Chợ Âm Phủ hiện nay không còn không khí liêu trai như xưa mà vô cùng tấp nập, sáng sủa. Do vị trí nằm ở trung tâm, theo thời gian khu chợ ngày càng phát triển và trở thành một trong những địa điểm được nhiều du khách ghé thăm nhất khi đến Đà Lạt.
Ẩm thực đường phố thu hút du khách với những món ăn vặt như bánh tráng nướng, súp cua, dâu lắc muối ớt, sữa chua phomai... Khách đến chợ còn có thể mua quần áo, quà lưu niệm, hoặc vẽ tranh chân dung. Vào hai ngày cuối tuần du khách có thể trải nghiệm phố đi bộ tại đây.
Hiện tại thì chợ cũng được họp sớm hơn, bắt đầu vào 18h đến 19h hàng ngày. Dần dần, khách du lịch quen gọi khu chợ này là chợ đêm Đà Lạt nhiều hơn thay vì chợ Âm Phủ. Tuy nhiên, có dịp nghe đến tên chợ Âm Phủ, nhiều du khách vẫn cảm thấy hiếu kỳ và muốn được thử tận hưởng bầu không khí đặc biệt ở đây vào ban đêm.
Trung Nghĩa