Cự đà rơi la liệt khỏi ngọn cây ở bang Florida, Mỹ. Video: National Geographic.
Trong khi phần lớn vùng phía bắc của Mỹ phải đương đầu với bão tuyết, những con cự đà rơi như mưa ở Florida. Các cư dân ở Florida chia sẻ nhiều ảnh chụp cự đà nằm ngửa bụng trong sân vườn và bên đường. Đó là do tác động của thời tiết lạnh bất thường đổ bộ bờ Đông nước Mỹ. Cự đà xanh, một loài xâm hại quen sống ở những vùng khí hậu nhiệt đới ấm áp, đang chịu ảnh hưởng, theo National Geographic.
Không phải tất cả cự đà ở Florida rơi trên nền đất đều chết. Trên thực tế, nhiều con bị đông cứng trong trạng thái tạm ngừng hoạt động và một số sẽ hồi sinh khi cơ thể ấm lên. Khi nhiệt độ giảm xuống dưới 4 - 10 độ C, máu của chúng bắt đầu chảy chậm lại và chúng rơi vào trạng thái hôn mê giống như một giấc ngủ sâu. Điều này khiến cự đà trở nên nguy hiểm đối với những người chạm vào chúng bởi chúng có thể tự vệ khi cử động được.
Lý do cự đà khó đương đầu với thời tiết lạnh là do cơ thể bò sát của chúng không kịp thích nghi. Florida là ngôi nhà của rất nhiều động vật xâm hại từ khỉ tới trăn, và cự đà cũng nằm trong số những loài bắt đầu ảnh hưởng đến hệ sinh thái. Môi trường sống tự nhiên của chúng trải rộng từ nam Mexico đến rừng mưa Brazil, nơi chúng dành phần lớn thời gian trú trên vòm cây. Mãi tới những năm 1960, loài thằn lằn lớn có thể dài tới hai mét này, mới du nhập vào Florida. Từ sau đó, số lượng của chúng tăng đột biến.
Một phần lý do cự đà phát triển tốt ở Florida là nhờ thời tiết ẩm ướt nhiều nắng thường thấy trong bang. Nhưng khi không khí lạnh ập đến, cự đà rơi xuống đất. "Ngay khi nhiệt độ giảm, tốc độ trao đổi chất của chúng giảm theo", Coleman Sheehy, nhà nghiên cứu bò sát ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên thuộc Đại học Florida, cho biết. Sheehy giải hích do cự đà thuộc nhóm động vật máu lạnh, nhiệt độ cơ thể của chúng phụ thuộc vào nhiệt độ ngoài trời, máu trong cơ thể chúng giảm nhiệt nhiều trong thời tiết lạnh.
Nếu tiếp xúc với thời tiết lạnh trong thời gian đủ lâu, khoảng một đến hai ngày tùy theo kích thước và độ tuổi của cự đà, chúng thực sự sẽ chết. "Chúng thích nghi với việc sống sót trong thời tiết nóng. Chúng thích nghi rất kém với nhiệt độ lạnh", Sheehy nói.
Các động vật xâm hại khác ở Florida như tắc kè, trăn Miến Điện, thằn lằn brown anole và ếch cây Cuba cũng gặp khó khăn trong việc chống chọi với giá lạnh. Tuy nhiên, những loài bò sát bản xứ sống sót tốt hơn. Bò sát và động vật lưỡng cư ở những vùng có thời tiết lạnh thích nghi cả về mặt cấu tạo cơ thể và hành vi.
Một ví dụ điển hình là ếch gỗ sống ở Alaska. Trong suốt những tháng lạnh nhất trong năm. chất lỏng quanh tế bào của chúng tạo thành tinh thể băng, đóng băng 60% cơ thể. Một nghiên cứu vào năm 2014 phát hiện lượng glucose của chúng tăng cao và tim ngừng đập trong thời gian đó, nhưng khi mùa xuân đến, chúng giã đông và hoạt động bình thường.
Các loài bò sát bản xứ ở Florida có nhiều hành vi thích nghi với thời tiết lạnh. "Khi nhiệt độ hạ thấp, chúng biết trốn dưới đất", Sheehy cho biết. Trong khi thời tiết lạnh có thể khiến cự đà và những loài xâm hại khác chết hàng loạt, số lượng của chúng nhiều khả năng không bị ảnh hưởng về lâu dài. Một số loài thậm chí có thể học cách thích nghi.
Sau khi Florida trải qua thời tiết đặc biệt lạnh vào năm 2010, số lượng trăn Miến Điện dường như suy giảm, nhưng một nghiên cứu năm 2012 của Cục Cá và Động vật hoang dã Mỹ cho thấy chúng nhanh chóng phục hồi. Sheehy dự đoán điều tương tự cũng xảy ra với cự đà. "Quần thể cự đà có thể thích nghi theo thời gian. Chúng có thể chịu lạnh tốt hơn và mở rộng môi trường sống. Chúng ta vẫn cần chờ xem", Sheehy nói.
Phương Hoa