Năm 2014, vợ của Kevin Gruenberg mang thai, anh trở nên lo lắng, cáu kỉnh và bận tâm đến cái bụng ngày càng to lên của mình. Anh liên tục nghĩ về ngày xưa mẹ mang bầu mình thì bố cũng bị tăng cân như thế. Là một nhà tâm lý học ở Los Angeles (bang California) anh không biết phải tìm kiếm sự giúp đỡ ở đâu.
Gruenberg thấy chán nản, cô đơn. Anh bắt đầu nghiên cứu về "hội chứng couvade", trong đó đàn ông gặp phải các triệu chứng ốm nghén. Ngày nay anh đang điều hành một tổ chức chuyên hỗ trợ cho những người làm cha mang tên Love, Dad. Theo nhà tâm lý học này, các triệu chứng mang thai "chắc chắn là điều đàn ông cảm nhận được về mặt tâm lý và sinh lý".
Thuật ngữ couvade xuất hiện lần đầu tiên trong một cuốn sách của nhà nhân chủng học người Anh, Edward Burnett Tylor vào năm 1865. Trong tài liệu này, triệu chứng mang thai ở nam giới bị coi là "bệnh hoang tưởng". Nhưng theo Arthur Brennan, giảng viên tại Đại học Kingston (Anh), mặc dù ngày nay couvade vẫn chưa được giải thích rõ ràng, nhưng nó đã thường được nhắc đến ở Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan và các quốc gia khác.
Brennan bắt đầu quan tâm đến couvade khi đang theo học chương trình thạc sĩ. Năm 2007, anh xuất bản một nghiên cứu nhỏ về 14 nam giới tại một bệnh viện mình giảng dạy ở London. Những người cha đã gặp các vấn đề dạ dày, thèm ăn và đau mỏi khác nhau. Nhiều người cho biết các triệu chứng của họ xảy ra song song với bạn đời.
Một người kể: "Tôi nôn mửa rất nhiều và không thể giữ lại được chút gì trong bụng". Người khác kể: "Tôi thường xuyên đói bụng và thèm ăn vô hạn với món gà kormas và poppadams. Ngay cả lúc sáng sớm, tôi cũng phải dậy để ăn", anh kể. Các triệu chứng ốm nghén cũng diễn ra theo các thai kỳ của vợ: lên đỉnh trong thai kỳ thứ nhất và ba và thường biến mất sau khi sinh.
"Ở Anh, hội chứng này ít gây chú ý và những người đàn ông có biểu hiện này thường bị phớt lờ, chế giễu hoặc không được chẩn đoán", Brennan nói.
Năm 2019, cầu thủ bóng rổ Bradley Beal đã chia sẻ anh bị thèm ăn, tăng cân, mệt mỏi khi vợ mang thai lần thứ hai. "Vào lúc 3-4 h sáng, tôi ăn kem. Tất cả chỉ vì vợ tôi mang thai và tôi cũng có triệu chứng giống hệt", anh nói.
Trước đó năm 2016, cầu thủ bóng bầu dục Karlos Williams, chơi cho đội Buffalo Bills vào thời điểm đó, cho biết anh đã bị chậm lại do tăng cân nhiều sau khi có con thứ tư và anh xác định màn trình diễn kém cỏi của mình là do "chấn thương khi mang thai".
Rất nhiều giả thuyết ngoài lề đã được đưa ra để giải thích cho couvade. Trường phái phân tâm học giải thích là do ghen tị khi mang thai. Giải thích về mặt tâm lý xã hội là người cha bị thiệt thòi đang kêu gọi sự chú ý. Nhưng từ phía những người đàn ông, các triệu chứng này tiết lộ điều gì đó sâu sắc hơn: Trở thành một người cha sẽ thay đổi cảm xúc, thậm chí là hormone của họ.
Nhìn về chiều dài lịch sử, trước đây đàn ông không được phép có mặt trong phòng sinh. Nhưng ngày nay "các ông bố được phép chứng kiến giây phút con chào đời, tiếp xúc trực tiếp với đứa trẻ để gắn kết", giáo sư tâm lý Darby Saxbe (Đại học Nam California) nói.
Tình phụ tử cũng biến đổi về mặt sinh lý. Nghiên cứu của Saxbe cho thấy việc trở thành bố có liên quan đến sự suy giảm nồng độ testosterone của nam giới và sự sụt giảm này liên quan quan đến việc phải đầu tư để trở thành người cha. Những thay đổi về nội tiết tố này là lý do khiến họ tăng cân, cũng như tâm trí thất thường hơn trước và sau khi con chào đời.
Đồng quan điểm, nghiên cứu của nhà tâm lý học Robin Edelstein (Đại học Michigan) cũng cho thấy những người cha tham gia nhiều vào việc chăm sóc con cái có mức testosterone thấp hơn người ít tham gia. Cô cũng đưa ra giả thuyết rằng thời gian các ông bố tham gia chăm sóc con cái càng nhiều thì mức testosterone của họ càng giảm.
Trước đây xã hội phớt lờ hội chứng couvade. Ngày nay, cùng với rất nhiều nghiên cứu về couvade thì quan điểm xã hội về hội chứng này ở nam giới đã cởi mở hơn. "Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều sự quan tâm đến hội chứng này và tầm quan trọng của việc nam giới đóng vai trò tích cực hơn trong quá trình mang thai và chuẩn bị cho việc mang thai của bạn đời. Giờ đây những người đàn ông ốm nghén thường được xem là 'yêu vợ', 'đồng cảm với vợ", Brennan nói thêm.
Bảo Nhiên (Theo Atlantic)