Tại Trung Quốc, từ 2007 bắt đầu có những chương trình do chính quyền các địa phương tự thực hiện nhằm khuyến khích người dân đi xe đạp, tại những thành phố như Bắc Kinh, Hàng Châu và Vũ Hán. Nhưng người sử dụng sớm nhận ra việc lấy xe tại các bãi đậu rất bất tiện, nên dịch vụ này không thể phát triển.
Năm 2014, một hãng được thành lập có tên Ofo - một dự án của Đại học Bắc Kinh, và một năm sau, Mobike ra đời. Cả hai đều cùng mô hình kinh doanh cho thuê xe đạp. Những chiếc xe đạp nhỏ màu đỏ của Mobike sớm xuất hiện trên khắp các góc phố ở Thượng Hải, có thể định vị GPS, với khoản đặt cọc 45 USD thông qua cổng thanh toán trên điện thoại di động. Dòng xe đạp màu vàng của Ofo cũng nhanh chóng lan rộng, trước khi nhiều mẫu xe của khoảng 60 startup khác cùng tham gia.

Một nghĩa địa xe đạp ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Ảnh: Barcroft
Đến năm 2017, ở Trung Quốc đã không thiếu những "cánh đồng xe đạp" bỏ đi với đủ màu sắc, một kiểu nghĩa địa xe đạp mà không nơi nào có. Đến nay, quốc gia đông dân nhất thế giới vẫn đang phải giải quyết lượng rác thải đặc biệt là hàng nghìn chiếc xe đạp bỏ đi.
Chia sẻ xe đạp đại diện cho một giải pháp thay thế với chi phí hiệu quả thay cho việc di chuyển bằng ôtô, giúp giảm tắc nghẽn. Ofo, một trong những hãng cho thuê xe nổi tiếng nhất Trung Quốc, từng muốn giới thiệu một giải pháp vận chuyển nhờ công nghệ, có thể phục vụ nhu cầu của những người muốn đi lại trên quãng đường ngắn. Kế hoạch thu hút các nhà đầu tư đang tìm kiếm những giải pháp vận chuyển xanh cho Trung Quốc. Ofo, hay Mobike, hay Bluegogo đã nhận được những khoản đầu tư không nhỏ.
Nhưng trong khi các hãng này khởi đầu với bảng cân đối kế toán đầy khả quan, thì vẫn chưa có khung pháp lý nào mà ở đó, loại xe đạp này có thể trở thành một phần của hệ thống giao thông công cộng hiện hành ở Trung Quốc. Cuộc đổ bộ
đột ngột của hàng triệu xe đạp gây "ngập lụt" các trung tâm đô thị. Việc thiếu các quy định cũng cho phép các hãng cho thuê xe ăn theo nở rộ như nấm mà không gặp trở ngại nào. Hàng chục hãng giống nhau cùng hoạt động trên cả nước, dẫn tới cung vượt quá cầu.
Ngành công nghiệp tăng trưởng đột ngột có nghĩa những thành phố lớn, gồm Thượng Hải và Hàng Châu, phải tạo ra những quy định riêng nhằm ngăn chặn những hành động xấu: xe đạp bị phá hoại, bị lấy trộm hoặc đơn giản là bị bỏ lại không đúng chỗ. Khi đó, hơn 3.000 xe đạp được báo cáo tìm thấy dưới những con sông ở miền nam Trung Quốc sau hoạt động làm sạch. Hiện vẫn có một lượng xe nằm dưới lòng sông.

Nghĩa địa xe đạp ở Vũ Hán, năm 2018. Ảnh: SCMP/Wu Guoyong
Các khu nghĩa địa tràn ngập xe đạp trở thành vấn đề lớn về tái chế, đặc biệt là các ổ khóa kỹ thuật số rất phức tạp, với một số mẫu xe có cả bảng hấp thu năng lượng mặt trời cỡ nhỏ. Kể cả những chiếc lốp rắn cũng rất khó tách khỏi bộ khung.
Một nhóm các nhà nghiên cứu Trung Quốc ước tính lượng khí nhà kính của một chiếc xe đạp cho thuê là 34,56 kg CO2 trong suốt vòng đời, có nghĩa một xe đạp phải được sử dụng gần hai năm để hiệu quả sử dụng bù lại lượng khí thải phát ra. Nói cách khác, xe càng được sử dụng lâu, thì cơ hội giảm khí thải càng nhiều.
Một trong những doanh nghiệp thành công nhất Citi Bike ở New York, Mỹ, thành lập năm 2013. Đến hết 2015, những người sử dụng xe đạp đã thực hiện hơn 10 triệu lượt đi - tỷ lệ hàng năm cao nhất đối với mọi chương trình tương tự. Một ví dụ khác là ở Đài Loan, nơi nhiều địa phương hợp tác với nhà sản xuất xe đạp lớn nhất thế giới là Giant để đưa ra chương trình xe đạp công cộng YouBike từ 2009 và hiện vẫn còn hoạt động.

Hệ thống YouBike ở Đài Bắc, Đài Loan, tháng 10/2017. Ảnh: Đức Huy
Vậy điều gì giúp một hệ thống xe đạp công cộng hoạt động tốt, trong khi chỗ khác lại thất bại? Và làm cách nào tránh được nghĩa địa xe đạp tại các khu đô thị khác? Nhiều yếu tố khác nhau đóng vai trò quan trọng trong việc thành công hay thất bại của một chương trình xe đạp công cộng.
Đầu tiên là địa lý của thành phố. Những ngọn đồi sẽ không thu hút rộng rãi các chương trình tương tự. Sử dụng xe đạp điện là một giải pháp cho những nơi này. Trong một nghiên cứu năm 2016, xem xét kỹ địa hình cùng nhiệt độ và thời tiết có thể giúp lựa chọn đúng đắn, giúp dẫn tới thành công.
Một yếu tố quyết định khác của sự thành công là cách những chương trình này gia nhập vào hệ thống giao thông hiện hành. Độ dài của những làn đường cho xe đạp bắt đầu từ các bãi đậu có tác động lớn tới việc sử dụng. Nói cách khác, cơ sở hạ tầng càng tốt, xe đạp càng được sử dụng nhiều hơn. Hà Lan và Đức là những ví dụ điển hình.
Sự hợp tác chặt chẽ giữa các nhà điều hành và chính quyền địa phương cũng quan trọng, đặc biệt tại một thị trường như Trung Quốc. Xe đạp được chọn là một giải pháp thay thế cho các phương tiện giao thông công cộng khác trong thời kỳ dịch bệnh.
Tương lai của xe đạp công cộng vẫn được cho là khả quan. Tuy nhiên, tạo ra một hệ thống chất lượng cùng nền tảng phù hợp sẽ giúp việc sử dụng hiệu quả và lâu dài.
Mỹ Anh (theo BBC)