Từ lâu các nhà khoa học đã suy đoán người Ai Cập cổ đại sử dụng kim loại từ thiên thạch để chế tạo những đồ vật bằng sắt. Phân tích lưỡi dao găm trong mộ vua Tutankhamun (trị vì từ năm 1332 đến 1323 trước Công nguyên) cung cấp bằng chứng giúp củng cố giả thuyết trên. Kết quả phân tích cũng chỉ ra người Ai Cập biết rõ khối sắt có nguồn gốc ngoài vũ trụ.
Theo Ancient Origins, các nhà nghiên cứu cho rằng người Ai Cập cổ đại không phát triển kỹ thuật chế tác đồ sắt cho đến năm 500 trước Công nguyên. Họ không tìm thấy bằng chứng khảo cổ quan trọng nào về nghề rèn ở thung lũng sông Nile. Thậm chí, những sản phẩm chứa nhiều sắt bị vứt bỏ ở vùng châu thổ cũng nhằm sản xuất đồng. Khi Tutankhamun băng hà vào thế kỷ 14 trước Công nguyên, sắt là vật liệu còn hiếm hơn vàng.
Nguồn sắt tự nhiên phổ biến nhất trên Trái Đất là quặng sắt, những khối đá chứa sắt liên kết hóa học với các nguyên tố khác. Quặng sắt được xử lý bằng cách đun nóng chảy cùng với các vật liệu khác để thu được loại sắt chất lượng thấp. Loại sắt này sau đó được rèn bằng búa nhằm loại bỏ tạp chất. Toàn bộ quá trình đòi hỏi trình độ hiểu biết cao cùng nhiều sức lực và công cụ.
Nhưng sắt không chỉ tồn tại trong quặng. Các nhà khoa học tìm thấy bằng chứng về nhiều xã hội tiền sử trên khắp thế giới không biết khai thác quặng sắt hay có trình độ nấu chảy kim loại, nhưng họ vẫn sử dụng sắt tìm thấy trong thiên thạch. Loại sắt này vẫn cần qua chế tác để trở thành công cụ hữu ích, thường là những đồ vật cơ bản mỏng và dẹt và như lưỡi dao.
Lưỡi dao găm bằng sắt thường được sử dụng trong những nghi thức như lễ Mở miệng. Đây là nghi thức tiến hành ở lối vào lăng mộ nhằm biến xác ướp thành một thực thể có khả năng hồi sinh. Lưỡi dao sắt có vai trò quan trọng trong nghi lễ này bởi nó gắn liền với thiên thạch. Theo quan niệm của người Ai Cập, thiên thạch rơi là một hiện tượng hàm chứa đầy sức mạnh tự nhiên và sử dụng lưỡi dao găm bằng sắt lấy từ thiên thạch có thể gia tăng hiệu quả của nghi thức.
Xem thêm: Chuyên gia hoài nghi về phòng bí mật ẩn trong mộ vua Tut
Phương Hoa