Quan niệm sống trong điều kiện tốt mỗi ngày, hơn là sở hữu một tài sản lớn, gia đình chị Hồng Thúy - tác giả bài viết Vợ chồng tôi được ở nhà cao cấp dù chỉ có căn hộ 500 triệu - đã dám bỏ tiền thuê nhà 3 tầng ở "khu nhà giàu" Phú Mỹ Hưng. Môi trường sống tốt đã giúp cuộc sống của gia đình chị thuận lợi, hạnh phúc. Theo chị, đó chính là sự cân bằng giữa kiếm tiền và tiêu tiền. Dưới đây là chia sẻ của chị.
Gia đình chúng tôi mua căn hộ ở Thủ Đức, giá khoảng 600 triệu nhưng không ở. Do chúng tôi trả một lần, cộng các khuyến mãi nên chúng tôi được giảm giá, chỉ còn hơn 550 triệu một chút. Hiện chúng tôi cho thuê 4,5 triệu/tháng.
Sau đó, chúng tôi đi thuê một căn nhà ở quận 7, liền kề Phú Mỹ Hưng. Nhà rộng 4x12m, một trệt 2 lầu, vợ chồng tôi tự sơn sửa thiết kế lại. Vợ chồng tôi chấp nhận chồng cọc 6 tháng, trả tiền 6 tháng/lần, bù lại chủ nhà giảm giá thuê từ 14 xuống 12 triệu/tháng, hợp đồng 5 năm. Tính ra chúng tôi không phải bù quá nhiều vì trước đây, vợ chồng tôi cũng phải thuê nhà, chỉ là rẻ hơn và ở xa hơn. Chúng tôi cũng đã dự trù sau 5 năm, giá thuê nhà sẽ tăng, nhưng lúc đó, có thể chúng tôi lại có kế hoạch 5 năm khác.
Ngôi nhà là mơ ước vì đáp ứng mọi yêu cầu của chúng tôi:
- Nhà gần bệnh viện tim, nơi ba chồng tôi chữa trị;
- Con tôi được học trường Nam Sài Gòn (trường Việt Nam, học phí vừa phải, môi trường tốt);
- Bản thân tôi di chuyển bằng xe bus Phú Mỹ Hưng lên Đồng Khởi (mất 15 ngàn) hoặc Lotte Mart (miễn phí) Vivo City (miễn phí);
- Cả nhà chiều tối hay cuối tuần tản bộ qua công viên Phú Mỹ Hưng. Nơi đây không khí trong lành, cây xanh thoáng mát yên tĩnh. Ông bà vận động tay chân, con cái đạp xe đạp chơi cầu lông, vợ chồng đi dạo chuyện trò. Hoặc cả nhà nhồi nhét lên một chiếc taxi 7 chỗ chạy thẳng ra hồ Bán Nguyệt chừng 5 phút mất 30 nghìn, tha hồ đi dạo, chụp hình, vui chơi;
- Nơi ở gần chỗ chồng tôi đi làm và gần nhà ngoại (Nhà Bè).
Mọi người đều nói nếu mua nhà sẽ tốt hơn, nhưng chúng tôi lựa chọn phương án sống trong điều kiện tốt mỗi ngày hơn là sở hữu một tài sản lớn. Chúng tôi thấy nếu sống kham khổ chưa chắc trong tương lai mua được nhà mình mong muốn, nhưng tôi chắc rằng, sống ở môi trường thuận lợi thì sức khỏe đảm bảo (dù nghèo), tinh thần thoải mái (miễn đừng phung phí), tiết kiệm thời gian (tránh kẹt xe, bụi bặm). Trời thương, chắc chúng tôi cũng có hy vọng phát triển.
Hiện nay, chúng tôi không nợ ngân hàng, chi phí nặng nhất là tiền nhà, tiền thuốc cho ba chồng thì anh em cùng đóng góp, tiền học cho con không quá nặng. Chúng tôi cần thu nhập ổn định để có nơi ăn chốn ở và dư để tích lũy. Vì vậy, chúng tôi quyết định chồng phải "bám sát trận địa" cho chi phí cố định, vợ linh hoạt để phụ trách những khoản phát sinh.
Về phần tôi, trước đây làm hành chính kiêm nghề biên phiên dịch. Từ khi qua nhà mới, tôi nhận thấy khu nhà tôi ở có các công ty nhỏ thuê nhà xung quanh, nhu cầu ăn uống cho dân văn phòng vừa phải. Tôi bèn bàn với chồng, tôi ở nhà làm ăn uống và làm biên dịch, có điều kiện chăm ông bà, lo cho con. Tôi bán những món đơn giản như bánh mì, mì xào bò, xúc xích, trứng (sáng), cơm văn phòng (trưa và chủ yếu giao tận nơi). Dần dần dân văn phòng ghé qua mua rất nhiều, rồi họ hỏi có sinh tố, cà phê không? Thế là tôi thẳng tiến thêm mảng nước giải khát. Thật ra, các bà mẹ bỉm sữa đã một tay lo cho gia đình mấy đứa con thì thấy tôi cũng bình thường thôi. Tôi chủ yếu bán mang đi, chỉ để vài bàn nhỏ ngoài sân.
Sáng sớm, chợ bỏ mối tận nơi. Mỗi ngày, tôi dậy sớm, lo cho chồng đi làm, con đi học, bán thức ăn sáng đến 8h. 9h tôi bắt đầu lên thực đơn, ghi lên bảng ngoài sân và gọi điện cho các khách quen, giúp tôi định hình số lượng. Tôi biết lượng sức mình, ngày đông nhất tôi cũng nấu không quá 50 phần, bao gồm cả gia đình ăn, chất lượng tầm cao và giá cả tầm trung, gia đình ăn thế nào thì bán thế ấy, lấy công làm lời, chủ yếu giao đến công ty xung quanh và một số nhà lân cận. Hôm nào ế thì huy động hai bên nội ngoại, đồng nghiệp chồng ủng hộ. Việc bếp núc giao hàng có chị gái tôi và anh rể phụ giúp, doanh thu ngày nào chia nhau ngày ấy, sau khi trừ hết chi phí. Buổi chiều, tôi chỉ bán nước giải khát lai rai, tập trung dịch tài liệu, ai đặt bánh thì làm bánh. Con tan học xong sẽ đưa ông nội đi dạo. Tôi ở nhà sửa soạn tươm tất đón chồng về. Chồng về thay tôi lo cơm tối và dạy con học. Trong khi con rửa chén thì hai vợ chồng tranh thủ đi dạo để nói chuyện, tâm sự này kia. Tôi thấy cũng không cực lắm. Thứ bảy, chủ nhật thì cả nhà dành thời gian nghỉ ngơi, chẳng buôn bán gì, chỉ bán thuốc.
Sở dĩ tôi bán thuốc vì em rể của chồng là dược sĩ đã bày cho tôi việc đó. Tôi cũng được chồng ủng hộ, chồng bảo thuê người giúp việc để tôi đi học thêm trung cấp dược. Việc buôn bán cũng khả quan, tôi chỉ dám bán các loại thuốc thường được các gia đình hay sử dụng, không nặng vốn lắm.
Khi tôi chia sẻ những điều này thì tôi lại có kế hoạch mới. Tôi không thể ba đầu sáu tay, đúng như các bạn nói. Tôi để chị gái và anh rể trực tiếp bán hàng ăn, tôi chỉ nấu và nêm nếm, (dĩ nhiên tôi vẫn có đủ lợi nhuận, anh chị lại có thêm thu nhập). Tôi tập trung vào nhà thuốc, vì trong tương lai, vừa bán thuốc vừa dịch thuật sẽ nhàn hơn cho tôi.
Tôi không có mộng làm giàu, chỉ cố để đồng tiền xoay vòng đẻ ra đồng rưỡi tiền, lo đủ ba bữa ăn cho gia đình, trả đủ tiền học cho con, điện nước và các chi phí khác. Tôi muốn làm hậu phương vững chắc, tay hòm chìa khóa cho chồng lo tiền đồ sự nghiệp, tiền nhà và cả tiền mua nhà mới (nếu được).
Cách quản lý tài chính của gia đình chị Hồng Thúy
Hồng Thúy
Chia sẻ kinh nghiệm mua nhà đất, quản lý tài chính của bạn tại đây hoặc về giadinh@vnexpress.net.