Giám đốc Tình báo Quốc phòng Ukraine Krylo Budanov cuối tháng trước tuyên bố nước này sẽ giành lại bán đảo Crimea bằng cách "đem vũ khí tới đó" kết hợp với biện pháp ngoại giao, bởi "không có vũ lực thì sẽ không làm được gì".
Đây không phải là lần đầu tiên giới chức Ukraine đặt ra mục tiêu giành lại Crimea từ tay Nga. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hồi tháng 6/2022 tuyên bố sẽ "giải phóng Crimea" và coi đây là điều kiện để đàm phán hòa bình với Nga.
Những tuyên bố cứng rắn được Kiev đưa ra bất chấp Mỹ và các đồng minh dường như không ủng hộ kế hoạch giúp Ukraine giành lại bán đảo bằng vũ lực. Hồi tháng 11/2022, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley cho rằng khả năng Ukraine đẩy lực lượng Nga khỏi Crimea là "không cao".
Sự tự tin của Ukraine được cho là có cơ sở, bởi quân đội nước này gần đây phát động chiến dịch phản công quy mô lớn, giành lại hơn một nửa lãnh thổ ở miền nam và miền đông, làm đảo lộn mục tiêu trong chiến dịch quân sự của Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 9 tuyên bố sáp nhập bốn tỉnh gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia vào lãnh thổ, dù không kiểm soát hoàn toàn các tỉnh này.
Crimea là bán đảo mà Moskva tuyên bố sáp nhập năm 2014, bất chấp phản đối của Ukraine và các nước phương Tây. Moskva tới nay vẫn kiểm soát hoàn toàn bán đảo, biến Crimea thành căn cứ quân sự quan trọng làm bàn đạp cho cuộc chiến ở Ukraine.
"Chừng nào bán đảo Crimea vẫn nằm trong tay Điện Kremlin, Ukraine khó có thể thoát khỏi cuộc chiến với Nga", Andriy Zagorodnyuk, chủ tịch Trung tâm Chiến lược Quốc phòng ở Kiev và từng là Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine giai đoạn 2019-2020, nói.
Zagorodnyuk thừa nhận các quan chức, chuyên gia phương Tây có một số lý do khi khuyên Ukraine không nên chiến đấu đến cùng để giành lại bán đảo, thậm chí một số đề xuất Kiev nên "hy sinh" Crimea để đổi lấy hòa bình.
Nga đã kiểm soát Crimea suốt 8 năm qua và củng cố năng lực quân sự hùng hậu ở bán đảo. Crimea cũng có ít nhất 700.000 dân Nga chuyển đến sau năm 2014, trong tổng số khoảng 2,4 triệu dân, gây khó khăn cho việc tái hòa nhập cộng đồng nếu Ukraine giành lại bán đảo. Đồng thời, các lãnh đạo phương Tây cũng khó loại trừ khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân nếu Crimea bị tấn công.
Tuy nhiên, ông Zagorodnyuk tuyên bố Ukraine cũng có nhiều động lực để giành lại bán đảo bằng bất cứ biện pháp nào.
Theo ông, trước khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014, Ukraine đã quản lý bán đảo trong 60 năm, giúp khu vực này vượt qua suy thoái kinh tế, trở thành địa phương phát triển ổn định, nhờ nguồn cung cấp nước và năng lượng của Ukraine, cũng như sự bùng nổ du lịch sau năm 1991.
"Ông Putin có thể đúng khi nói rằng hàng triệu người Nga có mối quan hệ với bán đảo, nhưng hàng triệu người Ukraine cũng vậy. Họ đã đến thăm nơi này hoặc sống ở đây", Zagorodnyuk nói.
Chuyên gia này cho rằng ngoài yếu tố lịch sử, Ukraine cần giành lại Crimea vì mục đích phòng thủ. Sau khi sáp nhập Crimea, Nga đã biến bán đảo thành căn cứ quân sự lớn, nơi cung cấp nhân lực, vật lực cho chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Nhờ có bàn đạp quan trọng này, mũi tiến công của Nga đã thành công hơn ở miền nam so với miền bắc trong giai đoạn đầu chiến sự Ukraine. Nga gần đây tiếp tục sử dụng Hạm đội Biển Đen đóng ở Crimea và các căn cứ không quân trên bán đảo để tiến hành những cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa vào Ukraine.
"Thực tế này cho thấy ngay cả khi chiến sự ngừng lại, Ukraine vẫn không thể yên tâm xây dựng kinh tế nếu Crimea vẫn do Nga kiểm soát. Đây là lý do quan trọng Kiev kiên quyết muốn chiến đấu để giành lại bán đảo", Zagorodnyuk cho hay.
Crimea còn là cứ điểm quan trọng để Nga mở rộng ảnh hưởng ở Biển Đen và Biển Azov, hai vùng biển có thể tác động lớn tới an ninh của Ukraine cũng như châu Âu và Trung Đông.
Kiểm soát hai vùng biển là mục tiêu mà ông Putin theo đuổi nhiều năm, khi nó án ngữ tuyến đường vận chuyển các loại hàng hóa trọng yếu trên lục địa Á - Âu. Kiểm soát Crimea, Nga có thể áp đặt ảnh hưởng với nhiều cảng và tuyến hàng hải, chuyên vận chuyển nhiều mặt hàng quan trọng như than đá, quặng sắt hay ngũ cốc từ Ukraine.
"Nếu không có Crimea, Nga sẽ không thể phong tỏa tuyến vận chuyển hàng hóa ở Biển Đen và Biển Azov, vì phần lớn các tuyến hàng hải này nằm ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Nga. Nhưng nhờ kiểm soát bán đảo, Nga đã thống trị các vùng biển và các cảng trong khu vực", Zagorodnyuk nói.
Việc nắm Crimea cũng cho phép Nga kiểm soát nhiều hơn nguồn cung năng lượng của thế giới. Biển Đen là nơi có nhiều tài nguyên, trong đó có các mỏ khí đốt tự nhiên lớn mà Ukraine từng dự định khai thác. Tập đoàn Exxon Mobil của Mỹ từng ký bản ghi nhớ với Kiev để khai thác các mỏ khí đốt tự nhiên trên vùng biển này. Tuy nhiên, khi Nga sáp nhập bán đảo năm 2014, tập đoàn Mỹ đã từ bỏ dự án.
"Chừng nào Crimea và các khu vực khác ở Biển Đen còn nằm trong tay Nga, những dự án như vậy sẽ không quay lại", Zagorodnyuk nhận định.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra hiện tại là Ukraine nên giành lại Crimea bằng cách nào?
Giới quan sát cho rằng con đường lý tưởng nhất là thông qua đàm phán ngoại giao. Tuy nhiên, họ thừa nhận ông Putin khó có thể chấp nhận từ bỏ bán đảo theo các thỏa thuận song phương hoặc đa phương. Do đó, họ cho rằng Ukraine có thể phải cân nhắc lựa chọn quân sự với Nga.
Dù lựa chọn quân sự không dễ dàng, Ukraine được cho là có khả năng làm như vậy. Vào tháng 12/2022, một quan chức chính quyền Tổng thống Joe Biden nói với quốc hội Mỹ rằng Kiev có thể giải phóng bán đảo, theo NBC News. Ben Hodges, cựu chỉ huy quân đội Mỹ ở châu Âu, nói Ukraine có cơ hội giải phóng Crimea vào cuối mùa hè năm nay.
Theo Hodges, sau hơn 10 tháng giao tranh, Nga đã hứng chịu nhiều tổn thất và nhiều đơn vị phòng thủ Crimea cũng đã được điều động tham chiến ở Donbass. Các căn cứ hải quân, không quân và tuyến tiếp tế đến Crimea đã bị hư hại sau các cuộc tập kích gần đây. Vì Crimea kết nối với lục địa Nga bằng một cây cầu chiến lược, bán đảo rất dễ tổn thương trước các cuộc tấn công.
Ukraine cũng phải tính tới năng lực của Hạm đội Biển Đen đồn trú tại quân cảng Sevastopol ở Crimea. Dù soái hạm Moskva đã bị chìm, đây vẫn là hạm đội mà Ukraine không có lực lượng đối đầu tương đương, Hodges nhận định. Phần lớn lực lượng hải quân Ukraine đã bị vô hiệu hóa từ giai đoạn đầu xung đột.
Nhưng các nhà phân tích cho rằng Ukraine có thể được phương Tây viện trợ và tự sản xuất thêm tàu không người lái cũng như tên lửa diệt hạm để đối phó với Hạm đội Biển Đen.
Zagorodnyuk cho rằng sự ủng hộ của phương Tây đóng vai trò rất quan trọng trong bất cứ phương án nào của Ukraine đối với bán đảo Crimea.
"Nếu phương Tây tỏ ra thiếu quyết đoán và do dự trong ủng hộ mục tiêu của Ukraine ở Crimea, Nga sẽ cố gắng tận dụng để chia rẽ mặt trận thống nhất của họ", ông cảnh báo.
Trong khi đó, Nga tuyên bố sẽ không bao giờ từ bỏ Crimea và cảnh báo việc Ukraine tấn công bán đảo sẽ bị coi là tấn công vào lãnh thổ Nga, buộc Moskva phải sử dụng các "biện pháp quyết liệt nhất".
Ngay trong chính phủ Ukraine cũng có những ý kiến khác nhau về vấn đề Crimea. Yuriy Sak, cố vấn của Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, hồi tháng 10 cho rằng Crimea "cần được đàm phán bằng con đường ngoại giao", dù ông không rõ con đường đó sẽ được tiến hành như thế nào.
"Với cán cân sức mạnh hiện nay cũng như tầm quan trọng chiến lược của Crimea đối với Nga, nhiều khả năng Ukraine sẽ không giành lại được bán đảo trong tương lai gần", Thomas Latschan, bình luận viên chính trị kỳ cựu của báo Đức DW, nhận định.
Thanh Tâm (Theo Foreign Affairs)