Năm 2021-2022, Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và Dược liệu (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam) thực hiện mô hình trồng thử nghiệm di thực sâm Ngọc Linh. 8.000 cây sâm một năm tuổi từ núi Ngọc Linh, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My được đưa đến trồng ở 6 huyện miền núi nhằm xem địa bàn nào thích ứng tốt sẽ nhân rộng, góp phần giảm nghèo cho người dân.
Khu vực trồng sâm là dưới rừng nguyên sinh, độ cao 1.320-1.500 m, quy trình trồng, chăm sóc giống ở núi Ngọc Linh. Kết quả, cây phát triển được hai năm rồi chậm lớn hoặc chết. Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và Dược liệu đề xuất kết thúc thử nghiệm, chỉ nghiên cứu trồng ở độ cao từ 1.500 m trở lên và sử dụng cây giống hai năm tuổi để tăng khả năng thích nghi với môi trường mới.

Sâm Ngọc Linh trồng ở núi Ngọc Lum Heo, xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn phát triển hai năm đầu nhưng sau đó chậm phát triển. Ảnh: Đắc Thành
Lý giải nguyên nhân thử nghiệm thất bại, tiến sĩ Lê Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nông học, Trường Đại học Nông lâm Huế, nói sâm Ngọc Linh là cây bản địa, tính di truyền bảo thủ. Cây tồn tại là kết quả của quá trình tiến hóa tự nhiên chứ không có sự can thiệp của con người. Sâm sống ở vùng đất nào thì thích ứng với những điều kiện môi trường, khí hậu, thổ nhưỡng của vùng đất đó. Quá trình di thực đưa đến vùng đất khác đột ngột, cây không thể thích ứng.
Theo ông Dũng, sâm Ngọc Linh trồng ở Quảng Nam và Kon Tum đã rất khác về điều kiện tự nhiên. Sâm Kon Tum nằm phía tây núi Ngọc Linh, chịu ảnh hưởng của nắng buổi chiều. Sâm Quảng Nam nằm phía đông ngọn núi, đón nắng buổi sáng. "Đưa sâm từ Kon Tum sang Quảng Nam trồng còn khó, nói gì đưa đến vùng khác. Cùng trên ngọn núi, cây trồng vẫn sống nhưng chất lượng củ sâm khác nhau", ông nói.
Tiến sĩ Dũng dẫn chứng nếu dễ trồng thì Kun Tum đã phát triển sâm Ngọc Linh ở Măng Đen. Tỉnh này từng đem sâm Ngọc Linh trồng thử nghiệm ở Măng Đen nhưng thất bại, dù hai nơi tương đồng về thời tiết, khí hậu, độ cao, độ che phủ rừng. "Cây sâm Ngọc Linh hình thành tự nhiên thì nên tuân theo bản năng của nó, trồng ở Ngọc Linh, không nên tham vọng lớn", ông nêu quan điểm.

Đất mùn tại các điểm trồng thử nghiệm không tốt bằng ở núi Ngọc Linh. Ảnh: Đắc Thành
Ông Lê Muộn, nguyên Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam, cho biết sâm Ngọc Linh là cây đặc hữu hẹp, chỉ tồn tại, phát triển trong phạm vi phân bố hẹp ở núi Ngọc Linh mà không ghi nhận ở nơi nào khác. Loài dược liệu này có đặc điểm nghiêm ngặt về sinh thái nên di thực đến vùng đất khác rất khó.
Hiện sâm Ngọc Linh được trồng ở vùng khí hậu với nhiệt độ trung bình năm 14-18 độ C, độ ẩm 85-90%, lượng mưa 2.800-3.400 mm và có lượng mưa khá trong mùa khô tháng 3-7. Nơi trồng cao trên 1.500 m, thuận lợi ở độ cao từ 1.800 m trở lên, độ che phủ rừng 70-95%. Đất có đủ ẩm, giàu dinh dưỡng, lượng mùn hữu cơ cao, giữ cấu trúc rừng nguyên sinh.
6 điểm trồng thử nghiệm đều có độ cao, độ ẩm, nhiệt độ, khí hậu và thổ nhưỡng không tương đồng với núi Ngọc Linh. "Một yếu tố quan trọng là khâu chăm sóc, nếu không kỹ lưỡng thì sâm không phát triển được", ông Muộn nói, lấy ví dụ trồng sâm Ngọc Linh ở xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước bị chết là "tất yếu" vì khu vực này núi thấp, nhiệt độ cao, không giống như núi Ngọc Linh.
Nguyên Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam ủng hộ tiếp tục thử nghiệm để mở rộng vùng trồng sâm Ngọc Linh. Tuy nhiên, nên cẩn trọng, làm trên diện hẹp, không được ồ ạt. Trước khi di thực phải khảo sát, đánh giá kỹ về độ cao, khí hậu, độ ẩm, đất mùn...
"Di thực sâm Ngọc Linh cần doanh nghiệp, hộ dân có điều kiện đầu tư, cơ quan khoa học theo dõi các chỉ tiêu đánh giá. Giao cho các cơ quan hành chính sự nghiệp làm mà không kỹ thì cũng dễ thất bại", ông Muộn góp ý.
Đề cập đến giải pháp nhân rộng sâm Ngọc Linh, tiến sĩ Dũng cho rằng cần quá trình thuần hóa dài hơi, di thực từ từ, tịnh tiến một năm vài trăm mét, ban đầu từ xã Trà Linh, sau đó chuyển sang các vùng lân cận. Với cách làm này, qua vài chục năm mới có thể di thực sâm Ngọc Linh từ Trà Linh, huyện Nam Trà My về huyện Bắc Trà My.

Sâm Ngọc Linh được người dân Trà Linh, huyện Nam Trà My trồng trên núi Ngọc Linh phát triển tốt. Ảnh: Đắc Thành
Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu cho biết trồng thử nghiệm sâm Ngọc Linh ở 6 huyện miền núi là cuộc đánh giá để thu hút những người nghiên cứu làm tiếp. Tỉnh đang kêu gọi các nhà khoa học, nông dân giỏi, doanh nghiệp di thực sâm Ngọc Linh, "giống như sâm Hàn Quốc trồng ở đồng bằng".
Sâm Ngọc Linh được trồng trên núi cùng tên, thuộc tỉnh Quảng Nam và Kon Tum. Phần thân rễ cây chứa 52 hợp chất saponin, trong đó 26 hợp chất saponin không có trong các loại sâm khác.
Tại Quảng Nam, huyện Nam Trà My đã quy hoạch vùng trồng sâm Ngọc Linh với diện tích trên 15.000 ha; bảo tồn được khoảng 100 ha, tương đương với khoảng 2 triệu cây. Huyện có hơn 1.500 dân trồng hơn 1.650 ha và 18 doanh nghiệp đăng ký trồng sâm dưới tán rừng với diện tích hơn 341 ha.