Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung hôm 24/9 cho biết bất chấp các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt mà nước này đưa ra, biến chủng Delta "vẫn không tuân theo dự đoán của chúng ta".
"Nó vẫn lây lan trong cộng đồng và làm gia tăng số ca nhiễm hàng ngày nhanh hơn so với dự đoán, trước khi các kế hoạch gia cố của chúng ta được thực hiện đầy đủ và trước cả khi hệ thống hỗ trợ của chúng ta hoàn thiện", Bộ trưởng Ong nói tại cuộc họp trực tuyến của nhóm liên bộ ứng phó Covid-19 của chính phủ Singapore, đồng thời thông báo về việc bổ sung một số biện pháp hạn chế mới.
Tuy nhiên, ông thêm rằng đó là bản chất của virus và để tránh gây quá tải cho hệ thống y tế, Singapore đang "rà phanh" nhằm làm chậm tốc độ tăng ca nhiễm, đồng thời tăng số lượng giường bệnh cũng như áp dụng hàng loạt biện pháp khác.
"Đây là điều mọi quốc gia phải đối mặt, là con đường không thể tránh khỏi nếu chúng ta muốn sống chung với Covid-19 và lấy lại cuộc sống bình thường. Vì thế, chúng ta cần vượt qua con sóng này một cách tốt nhất, an toàn nhất có thể", Bộ trưởng Ong nhấn mạnh.
Nhằm ứng phó đợt lây nhiễm mới được thúc đẩy bởi biến chủng Delta, Singapore đã siết các biện pháp hạn chế, một tháng sau khi đề ra chiến lược "sống chung với Covid-19" và hướng tới mở cửa trở lại.
Theo quyết định có hiệu lực từ ngày 27/9 tới 24/10, giới chức Singapore cho phép tối đa hai người cùng dùng bữa tại nhà hàng, với điều kiện họ đã có "thẻ xanh Covid", trong khi quy mô các cuộc tụ họp xã hội cũng sẽ bị thu hẹp.
Chế độ làm việc từ xa sẽ trở thành mặc định đối với doanh nghiệp. Các doanh nghiệp và người lao động không thể làm việc từ xa được khuyến cáo tự xét nghiệm hàng tuần.
Vậy điều gì khiến biến chủng Delta khác biệt và vì sao nó có thể làm tăng số ca nhiễm nhanh đến thế. Giáo sư Leo Yee Sin, giám đốc điều hành Viện Quốc gia về Bệnh truyền nhiễm Singapore (NCID), dẫn một nghiên cứu gần đây của NCID, cho thấy Delta dễ lây truyền nhất so với các biến chủng Alpha (B.1.1.7) và Beta (B.1.315).
So với chủng gốc, ba biến chủng này đều có giá trị Ct (ngưỡng chu kỳ) thấp hơn, cho thấy lượng vật liệu virus cao hơn trong các xét nghiệm PCR. Khi tiến hành xét nghiệm PCR, vật liệu di truyền từ virus được khuếch đại thông qua một loạt chu kỳ để cuối cùng có đủ vật liệu virus nhằm cho ra kết quả xét nghiệm.
Giá trị Ct thấp có nghĩa là kỹ thuật viên chỉ cần ít chu kỳ để tạo đủ vật liệu virus phục vụ việc xét nghiệm, cho thấy mẫu xét nghiệm có lượng vật liệu virus lớn. Trong ba biến chủng được nghiên cứu, Delta có giá trị Ct thấp nhất.
"Nghiên cứu cũng chứng minh rằng các ca nhiễm Delta có xu hướng bị viêm phổi nhiều hơn và số bệnh nhân cần thở oxy/điều trị tích cực (ICU) cũng nhiều hơn, dẫn tới tỷ lệ tử vong cao hơn", giáo sư Leo cho hay.
NCID đã đánh giá 1.109 bệnh nhân Covid-19 dương tính chưa tiêm vaccine nhập viện của họ từ tháng 2 đến tháng 12/2020, sau đó so sánh dữ liệu với 1.113 bệnh nhân dương tính nhập viện từ 28/4 đến 26/8.
Trong 1.113 bệnh nhân nhập viện của NCID năm 2021, 750 người (67,4%) nhiễm các biến chủng, trong đó đại đa số (99,6%) nhiễm Delta.
Tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 trên 50 tuổi chưa tiêm chủng đầy đủ phải thở oxy năm nay cao hơn gấp đôi so với năm 2020. Điều này cho thấy biến chủng Delta khiến nhiều bệnh nhân chưa tiêm vaccine đầy đủ cần thở oxy hơn so với chủng gốc.
Chỉ 1,7% số bệnh nhân đã tiêm vaccine đầy đủ trong nhóm trên 50 tuổi của năm 2021 phải phụ thuộc vào máy thở hay cần chăm sóc đặc biệt, so với 12,1% ở nhóm chưa tiêm chủng hay tiêm chủng một phần.
"Các phát hiện cho thấy tác dụng có lợi của vaccine. Thêm vào đó, tiêm một mũi vẫn có thể cung cấp lớp bảo vệ trước khi hoàn thành đủ phác đồ hai mũi", giáo sư Leo nói. "Tuy nhiên, cần lưu ý rằng mọi người vẫn nên hoàn thành phác đồ để có hiệu quả bảo vệ tốt nhất".
"Nhìn chung, người tiêm vaccine đầy đủ có triệu chứng bệnh nhẹ hơn và hầu hết phục hồi hoàn toàn mà không có bất kỳ di chứng nào, trừ khi họ mắc các bệnh lý nền", bà cho biết thêm.
Các nghiên cứu từ NCID cũng cho thấy dù biến chủng Delta có khả năng né khả năng miễn dịch của vật chủ và gây bệnh ở một số người đã tiêm chủng, hệ thống miễn dịch vẫn giữ đủ sức mạnh để hạn chế virus nhân lên. Điều này giúp ngăn tình trạng nhiễm trùng nặng trong tuần thứ hai của bệnh.
Tải lượng virus ở những người đã tiêm chủng giảm nhanh hơn so với người chưa tiêm chủng. Điều này đồng nghĩa khả năng lây bệnh ở người đã tiêm chủng thấp hơn.
Tính đến ngày 25/9, 82% dân số Singapore đã tiêm đầy đủ phác đồ vaccine Covid-19.
Trong lúc chiến dịch tiêm chủng tiếp tục được tiến hành, NCID đang phối hợp với Bộ Y tế Singapore, Bộ Nội vụ và Bộ Nhân lực để theo dõi phản ứng miễn dịch lâu dài ở các nhóm nguy cơ chính.
Nhóm này gồm người cao tuổi dễ bị tổn thương tại các cơ sở chăm sóc, nhân viên tuyến đầu và lao động nhập cư. NCID đã ghi nhận dữ liệu của khoảng 1.800 người và nghiên cứu dự kiến kéo dài hai năm.
Nghiên cứu sẽ cho phép NCID đánh giá việc tiêm mũi vaccine bổ sung ảnh hưởng tới mức độ miễn dịch trước Covid-19 như thế nào. Nó cũng sẽ giúp xác định các yếu tố nguy cơ lây nhiễm và mức độ hiệu quả của vaccine trong việc bảo vệ những nhóm nguy cơ cao một khi Covid-19 trở thành bệnh dịch thông thường như cúm.
Các nghiên cứu đến nay cho thấy kháng thể ở những người lớn tuổi đã tiêm vaccine đang giảm dần, nhưng điều này không có nghĩa vaccine không hữu ích. Các bằng chứng chỉ ra rằng những người trên 50 tuổi được tiêm chủng về cơ bản ít nguy cơ bị nặng hơn so với người chưa tiêm chủng. Singapore đã tiến hành tiêm mũi tăng cường cho người trên 50 tuổi.
Theo giáo sư Leo, có nhiều yếu tố kết hợp tạo ra tính chất khó đoán của nCoV. Chúng có khả năng đột biến để thu được những lợi thế mới giúp đảm bảo khả năng sống sót. Biến chủng Delta là ví dụ điển hình về đột biến tạo ra khả năng lây truyền cao, giúp virus lây lan dễ dàng.
"Đợt lây lan Covid-19 đang diễn ra nhắc nhở chúng ta không nên tự mãn, không được đánh giá thấp virus, cần tiếp tục thu thập thêm dữ liệu để hiểu rõ hơn về virus, đồng thời thận trọng và linh hoạt hơn trong cách phản ứng", bà lưu ý.
Vũ Hoàng (Theo Channel News Asia)