Theo báo cáo của International Schools Database, Hà Nội và TP HCM nằm trong top 20 thành phố có chi phí học trường quốc tế một năm đắt đỏ nhất thế giới. Học phí trường quốc tế tại Hà Nội và TP HCM lần lượt đứng thứ 14 và 19 danh sách cao nhất thế giới. Trong đó, học phí trung bình mỗi năm của các trường quốc tế tại Hà Nội là 19.505 USD, mức cao nhất đạt 28.820 USD. Con số trung bình tại TP HCM là 16.078 USD và cao nhất là 25.344 USD.
Dưới đây là một số lý do phụ huynh chọn trường quốc tế:
Chất lượng giáo viên và lớp học
Để vận hành trường quốc tế, các đơn vị giáo dục phải tuyển dụng giáo viên người bản xứ với tiêu chuẩn trình độ và kinh nghiệm cao. Riêng trong khía cạnh ngoại ngữ, thầy cô của các đơn vị này thường có các loại chứng chỉ giảng dạy tiếng Anh quốc tế như TKT, TEFL, CELTA, DELTA, TESOL hay TESL.
Trong môi trường giáo dục theo tiêu chuẩn quốc tế, ngoài giáo viên dạy học thuật, các trường còn có nhiều chuyên gia tâm lý, hỗ trợ đặc biệt khác. Ví dụ, Trường Quốc tế Saigon Pearl (ISSP) có ban Hỗ trợ học sinh và ban An toàn học đường. Tại đây, học sinh được tư vấn về cảm xúc xã hội, sức khỏe tinh thần và nhiều vấn đề khác trong cuộc sống. Vì vậy, học phí phần lớn được dùng để chi trả cho thầy cô để đảm bảo chất lượng giáo dục.
Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh sẵn sàng trả chi phí cao hơn để con học trong trường quốc tế hay một số trường tư thục bởi sĩ số lớp. Thông thường, một lớp học của các đơn vị này chỉ có khoảng dưới 20 học sinh. Ví dụ, tại ISPH, tỷ lệ này duy trì ở mức mỗi giáo viên nhận 11 học sinh để đảm bảo lợi ích cho cả thầy và trò.
Chị Phạm Hạnh (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, chị cho con học trường mầm non quốc tế để con được tiếp xúc với tiếng Anh tự nhiên hơn khi giao tiếp với thầy cô người nước ngoài. "Hơn nữa, khi lớp học chỉ có 12 học sinh như lớp của con tôi, thầy cô có thể quan tâm đến bé hơn, quan sát được tâm lý của bé tốt hơn", chị nói thêm.
Chương trình đào tạo tính hợp
Chất lượng chương trình đào tạo cũng là một trong những yếu tố khiến chi phí học tập tại đây cao hơn. Trong giai đoạn phổ thông, đặc biệt là trẻ mầm non, năng lực ngôn ngữ phát triển mạnh mẽ. Do đó, các trường quốc tế thường lựa chọn dạy tích hợp song song chương trình giáo dục phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các chương trình quốc tế như Cambridge, AP, Tú tài quốc tế (IB)...
Theo chuyên gia tư vấn giáo dục Bùi Khánh Nguyên, việc phát triển song ngữ sớm cho trẻ có nhiều lợi ích về mặt tư duy. Trong môi trường học tập quốc tế, tiếng Anh được sử dụng làm công cụ sinh hoạt, học tập và giao tiếp giữa các thành viên đa quốc tịch, gồm: học sinh, giáo viên, nhân viên và phụ huynh.
Thế nhưng, điều này không có nghĩa là trẻ sẽ quên mất tiếng mẹ đẻ và văn hóa truyền thống. Trong giáo dục, việc học thêm ngôn ngữ hoặc nền văn hóa thứ hai mang tính chất bổ sung, thay vì triệt tiêu, phủ nhận những chất liệu đã học trước đó. "Các trường càng có độ đa dạng cao về quốc tịch, ngôn ngữ, văn hóa... càng giúp học sinh sớm hình thành khả năng giao tiếp liên văn hóa, một đặc trưng của công dân toàn cầu", nam diễn giả nhấn mạnh.
Nếu tiếp cận ngôn ngữ thứ hai đúng cách, học sinh có thể tăng khả năng nhận thức và cải thiện kỹ năng giải quyết vấn đề, phát huy các thế mạnh thường có ở người biết song ngữ. Bên cạnh đó, ông Nguyên nhận định các trường quốc tế tại Việt Nam áp dụng khá tốt mô hình song ngữ (50% tiếng mẹ đẻ, 50% ngoại ngữ) hoặc dạy ngoại ngữ thông thường với thời lượng tiếp xúc ngoại ngữ dưới 20%.
Theo đó, học sinh tại các trường quốc tế có lợi thế về ngoại ngữ, năng lực và bằng cấp được chứng nhận trên nhiều quốc gia phát triển, từ đó, dễ dàng chuyển tiếp đến các trường khác trên thế giới.
Hoạt động ngoại khóa
Học phí của các trường quốc tế thường bao gồm thêm nhiều hoạt động ngoại khóa. Bên cạnh kiến thức học thuật, học sinh trường quốc tế thường được tham gia nhiều hoạt động nghệ thuật, thể chất, khám phá thế giới hay thậm chí là trải nghiệm ở nước ngoài.
Trong đó, các trường như Trường Quốc tế Việt Úc (VAS), Trường quốc tế Saigon Pearl (ISSP)..., học sinh được tham gia nhiều hoạt động vận động để gắn kết các thành viên trong gia đình, chung tay bảo vệ rừng phòng hộ... Trong thời gian hè, VAS cũng tổ chức dã ngoại hè ở nhiều quốc gia như Mỹ, Australia, Nhật Bản... để các em trải nghiệm môi trường sống, trau dồi kỹ năng mềm và ngoại ngữ, từ đó, sẵn sàng hội nhập quốc tế.
Ngoài ba yếu tố trên, cơ sở vật chất là một trong những tiêu chí hàng đầu được phụ huynh quan tâm khi quyết định chọn trường quốc tế cho con. Để đảm bảo công tác giảng dạy chương trình học thuật, thể chất và kỹ năng, các đơn vị thường đầu tư thiết bị hiện đại, không gian học thoáng mát, rộng rãi.
Ví dụ, Trường quốc tế Úc (AIS) có khu nội trú chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu về cơ sở vật chất, an ninh và có sự chăm sóc từ các thầy cô quản sinh. Phòng ở tại đây cũng được bày trí theo mô hình khách sạn; hay Trường Quốc tế Á Châu xây dựng riêng STEM Lab để học sinh phát triển kiến thức khoa học. Ngoài các phòng học đạt chuẩn quốc tế, đầu tư công nghệ, Trường Quốc tế Saigon Pearl (ISSP) có nhiều phòng chức năng về các hoạt động nghệ thuật thị giác, âm nhạc, kịch nói, khiêu vũ... giúp học sinh vui chơi giải trí, phát triển các kỹ năng mềm thiết yếu và phát triển năng khiếu một cách toàn diện.
Nhật Lệ
Độc giả quan tâm đến hệ thống trường quốc tế, xem thêm tại đây