Kể từ khi con người lần đầu tiên bước chân vào vũ trụ năm 1961, hơn 500 phi hành gia đã rời trái đất và bắt đầu cuộc hành trình khám phá không gian. Trong số đó, có 57 nữ phi hành gia, chiếm khoảng 10%. Ngày nay, khi công nghệ phát triển vượt bậc, nam giới và phụ nữ đạt được sự bình đẳng hoàn toàn trong các hoạt động khám phá vũ trụ.
Tuy nhiên, các nữ phi hành gia đối phó với một vấn đề đặc biệt, đó là kinh nguyệt. Để tránh những bất tiện khác nhau khi đến kỳ, tất cả nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bay vào vũ trụ.
Vào những năm 1960, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia (NASA) đã tuyển chọn và huấn luyện một nhóm nữ phi hành gia để thực hiện các sứ mệnh không gian có người lái. Họ đều là những người ưu tú, thể hiện khả năng phi thường trong nhiều bài kiểm tra và đào tạo khác nhau. Trong số đó, 13 nữ phi hành gia bước vào giai đoạn đào tạo sau này của "Dự án Sao Thủy". Họ có cơ hội lớn trở thành những nữ phi hành gia đầu tiên bước chân vào vũ trụ.
Dù vậy, điều này không thành sự thật. Lý do khiến NASA cuối cùng từ bỏ việc để phụ nữ tham gia chuyến bay có người lái đầu tiên vào không gian là chu kỳ kinh nguyệt và các vấn đề sinh lý liên quan đến môi trường phi trọng lực có thể gây ra rủi ro về an toàn cho sứ mệnh.
Trong môi trường trái đất, tuần hoàn máu của con người phụ thuộc vào trọng lực. Ở trạng thái không lực hút, hệ thống tim mạch trở nên chậm chạp. Chảy máu nhiều trong thời kỳ kinh nguyệt, kết hợp với lưu thông máu kém có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe.
Các nữ phi hành gia từng phản đối, cho rằng không nên lấy vấn đề sinh lý để làm cái cớ hạn chế nữ giới lên vũ trụ. Họ đồng ý thực hiện một số biện pháp can thiệp để đạt được hiệu quả làm việc tương tự các đồng nghiệp nam.
Trên thực tế, ngay từ những năm 1960, các phi hành gia Liên Xô và Mỹ bắt đầu thực hiện một số biện pháp có mục tiêu để đối phó với kỳ kinh nguyệt. Ví dụ, nhiều người canh thời gian để tránh bay vào vũ trụ trong kỳ kinh nguyệt hoặc sử dụng thuốc tránh thai.
Lý do là thuốc tránh thai có thể ức chế sự phát triển nang trứng và rụng trứng, từ đó ổn định nồng độ hormone, ngăn ngừa tăng sản nội mạc tử cung. Qua đó, họ đạt được mục đích trì hoãn hoặc ức chế kinh nguyệt.
Dù vậy, chỉ dùng thuốc thôi là chưa đủ. Một mặt, sử dụng thuốc lâu dài có thể gây mất cân bằng nội tiết tố và tăng nguy cơ mắc các bệnh phụ nữ. Các loại thuốc có sự khác biệt về hiệu quả, một số không thể ức chế hoặc điều hòa hoàn toàn kinh nguyệt. Vì vậy, các cơ quan vũ trụ ở nhiều quốc gia đang thực hiện những đổi mới công nghệ giúp các nữ phi hành gia sống sót qua giai đoạn đặc biệt một cách an toàn, thuận tiện và thoải mái.
Một trong những phương pháp được chú ý là kích thích từ trường để điều hòa kinh nguyệt. Trong đó, thiết bị chuyên dụng sẽ gửi các xung điện đến bộ phận quan trọng của não để kích thích hệ thần kinh trung ương điều khiển chu kỳ.
Công nghệ mới có ưu điểm rõ rệt so với việc chỉ dùng thuốc. Nó dễ kiểm soát và tránh được các tác dụng phụ lâu dài. Tuy nhiên, các nhà khoa học cần xác định độ an toàn của phuơng pháp trên quy mô lớn, trả lời câu hỏi liệu môi trường không gian có thể gây nhiễm điện từ cho thiết bị hay không.
Các thiết bị tránh thai cấy ghép cũng được xem xét. Nó giải phóng hormone liều thấp liên tục, loại bỏ nhu cầu sử dụng thuốc hàng ngày. Tuy nhiên, quá trình cấy ghép cần có bác sĩ chuyên môn, phải thực hiện trong môi trường vô trùng, điều này khó khăn trong điều kiện không gian. Cấy ghép cũng để lại rủi ro như nhiễm trùng và đào thải.
Ngoài ra, công nghệ tử cung nhân tạo nuôi phôi trong môi trường không gian cũng nhận được nhiều sự chú ý. Điều này có thể bảo vệ khả năng sinh sản của các nữ phi hành gia. Tuy nhiên, do bị hạn chế bởi điều kiện kỹ thuật hiện tại, phương pháp này đứng trước những vấn đề đạo đức.
Không khó để nhận ra, dù các công nghệ mới mang lại hy vọng, song chúng cũng tiểm ẩn rủi ro. Ức chế bằng thuốc tránh thai vẫn là phương án tương đối khả thi trong điều kiện hiện tại.
Một số nữ phi hành gia cấp cao cho rằng rối loạn chu kỳ kinh nguyệt là một trong những vấn đề khó thích ứng nhất. Theo các số liệu thống kế, hầu hết họ gặp bất thường về chu kỳ trong khoảng thời gian ngoài vũ trụ. Đôi khi, kinh nguyệt đến sớm hoặc muộn khoảng vài tuần, lượng máu tiết ra quá ít hoặc quá nhiều.
Điều này trực tiếp dẫn đến thay đổi tâm trạng, tăng cảm giác lo lắng và mệt mỏi. Nếu không được điều trị kịp thời, nó có thể gây ra những rủi ro về sức khỏe như thiếu máu, nhiễm trùng.
Để giải quyết vấn đề này, các nhà khoa học từ nhiều quốc gia đã cố gắng cải tiến thiết kế bên trong tàu vũ trụ. Họ bổ sung phòng tắm chuyên dụng và trang bị thiết bị vệ sinh đa chức năng. Vật liệu cách âm được lắp đặt trong cabin ngủ giúp nữ phi hành gia có thêm không gian riêng tư để chăm sóc bản thân. Những biện pháp này có thể giúp họ giải quyết các vấn đề sinh lý khác nhau một cách thoải mái.
Ngoài ra, việc cung cấp thực đơn giàu dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất theo giai đoạn khác nhau trong chu kỳ kinh nguyệt của các nữ phi hành gia cũng rất quan trọng. Điều này có thể giúp ổn định nồng độ hormone và giảm các triệu chứng khác nhau.
Các nữ phi hành gia cũng được khám sức khỏe định kỳ, theo dõi sự thay đổi các chỉ số sinh lý quan trọng, sử dụng thuốc hoặc các biện pháp can thiệp y tế kịp thời.
Thục Linh (Theo Sohu)