Thông tin được thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó phòng Tham mưu, Công an TP HCM nói tại buổi họp báo cung cấp thông tin về phòng chống Covid-19 trên địa bàn chiều 8/9. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh thành phố ghi nhận 265.846 ca nhiễm trong đợt dịch thứ tư và trải qua ngày thứ 17 siết chặt giãn cách.
Theo ông Hà, sau khi báo chí phản ánh tình trạng người dân "bom hàng" với lực lượng đi chợ hộ, gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch, Công an thành phố rà soát các công ty vận chuyển hàng đều nhận thông tin chưa phát hiện tình trạng "bom hàng".
Tiếp tục xác minh tại các quận huyện, công an phát hiện có tình trạng đơn hàng không giao nhận được tại TP Thủ Đức và các quận 4, 6, Bình Thạnh, Bình Tân, Tân Phú. Công an TP HCM đã chỉ đạo Công an quận huyện làm việc với 200 trường hợp đặt mua hộ nhưng không nhận hàng và làm việc với những người quản lý app, đường link, người "đi chợ hộ".
Qua đó, công an ghi nhận một số nguyên nhân dẫn đến việc "không nhận hàng" như: một số người không rành công nghệ, đặt trùng đơn nhưng không biết cách hủy nên đơn hàng vẫn thực hiện; dữ liệu khi đặt hàng chưa chính xác nên bộ phận giao hàng không tìm được địa chỉ giao (có trường hợp địa chỉ đặt hàng ở Bình Dương).
Cũng có trường hợp người đặt chờ quá lâu nên chọn kênh phân phối khác để mua. Một số người sau khi đặt mua phải đi cách ly y tế nên khi hàng giao không ai nhận. Có trường hợp bên cung cấp không giao đúng hàng đã đặt, không đủ số lượng, hoặc giao nhầm đơn nên người dân từ chối nhận.
Ông Hà cho biết, theo chỉ đạo của Bộ Công an và TP HCM, Công an thành phố tiếp tục, chỉ đạo công an các địa phương, phòng nghiệp vụ tiếp tục điều tra làm rõ các trường hợp liên quan. "Cơ quan chức năng sẽ tập trung xác minh các trường hợp nghi vấn quấy rối, gây khó khăn cho lực lượng hỗ trợ, giao hàng sẽ điều tra và xử lý nghiêm", ông Hà nói.
TP HCM đã trải qua hơn 3 tháng siết chặt giãn cách. Thời gian này, các dịch vụ, kinh doanh mặt hàng không thiết yếu phải đóng cửa. Hơn 2 tháng qua, các cửa hàng, dịch vụ bán đồ ăn uống mang đi dừng hoạt động. Từ 23/8 đến nay, người dân được yêu cầu "ai ở đâu yên đó", chính quyền cung cấp lương thực, thực phẩm đến tận nhà.
Hữu Công