Bà Phương là chủ một công ty hàng tiêu dùng, có biệt thự tại quận 8, sống trong căn nhà phố sân vườn tại TP Thủ Đức và sở hữu nhiều bất động sản tại khu Nam Sài Gòn. Đầu năm nay, bà mua căn nhà phố mặt tiền đường Trần Quang Khải, quận 1, TP HCM với giá 30 tỷ đồng, cho thuê 40 triệu đồng một tháng.
Trước đó, bà đã được người thân tư vấn mua loại tài sản khác có biên lợi nhuận cao hơn. Bởi lẽ căn nhà phố có tỷ suất lợi nhuận từ khai thác cho thuê thấp, dưới ngưỡng 2%, kém xa gửi ngân hàng và thua biên lợi nhuận công ty đang điều hành. Thế nhưng, nữ đại gia này tiết lộ, muốn mua và tích trữ bất động sản mặt tiền tại khu trung tâm thành phố "để bằng vai phải lứa với các đối tác làm ăn".
"Vị thế trong giới kinh doanh là thứ không mua được bằng tiền. Sở hữu một căn nhà mặt phố ở quận 1 không khác gì đi siêu xe triệu USD. Đầu tư nhà phố mặt tiền cũng như làm thương hiệu, không thể tính bằng lãi suất ngân hàng", bà Phương phân tích.
Tương tự, ông Tân, chủ một căn nhà phố mặt tiền đường Hai Bà Trưng quận 1, TP HCM đang có hợp đồng thuê 65 triệu đồng một tháng với nhãn hàng thời trang nam cao cấp kể lại, hồi cuối năm 2021 có người hỏi mua căn nhà này với giá hơn 40 tỷ đồng. Được môi giới đánh tiếng dòng tiền thu về nếu bán căn nhà có thể làm được nhiều thứ hiệu quả hơn tiền khai thác cho thuê, ông Tân triệu tập gia đình lấy ý kiến các thành viên. Cuối cùng, anh con trai cả không đồng ý nên ông Tân giữ lại căn nhà.
"Con tôi nói cầm 40 tỷ đồng không thể mua được một căn nhà có vị thế tương đương ngay ngã tư Hai Bà Trưng. Khi làm ăn, vị trí căn nhà này đã mang lại rất nhiều uy tín và thanh thế khi làm việc với các đối tác nên xin bố đừng bán", ông Tân kể. Với ông, đã có nhiều bất động sản, việc giữ lại hay bán đi một căn nhà cũng không quá quan trọng.
Có nhiều năm tiếp xúc với các chủ nhà mặt tiền trên đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi và Đồng Khởi quận 1, TP HCM, ông Võ Hoàng Quân, Giám đốc Công ty Bất động sản Center Land xác nhận nhiều đại gia đang sở hữu nhà phố khu trung tâm đã thuộc nhóm tài chính dồi dào, nắm trong tay không chỉ một mà rất nhiều bất động sản giá trị.
Ông Quân cho hay, các đại gia này quan tâm đến vị thế bản thân khi sở hữu nhà mặt tiền quận 1 nhiều hơn là lo nghĩ dòng tiền khai thác cho thuê có hiệu quả hay không. Đó là lý do những căn nhà phố đường Lê Lợi có thể bỏ trống 8 năm vướng lô cốt thi công ga ngầm tuyến Metro vẫn không đổi chủ hoặc giá trị căn nhà 5-7 triệu USD nhưng cho thuê chỉ đạt hiệu suất 1-2%. Đến khi tuyến đường Lê Lợi trả mặt bằng, các chủ nhà phố mặt tiền có tài chính dư giả tiếp tục neo chiến thuật "thà để mặt bằng trống chứ quyết không cho thuê rẻ".
Giám đốc Center Land phân tích, giữ tài sản và kén chọn khách thuê đẳng cấp, hét giá thuê cao mà không màng đến thời gian mặt bằng bị trống là phản ứng bình thường của nhiều đại gia Việt đang sở hữu nhà phố mặt tiền quận 1. Trên thực tế, nhà phố mặt tiền quận 1 có nguồn cung hữu hạn, chính vì sự khan hiếm này cộng thêm điểm mạnh vị trí trung tâm luôn sầm uất nhộn nhịp giúp các căn nhà mặt tiền này âm thầm tăng giá trị theo thời gian, dẫn đến giá thuê chỉ là một lát cắt rất mỏng trong tổng tài sản.
Nhiều người ở tầng lớp giàu có sở hữu nhà mặt tiền trung tâm quận 1 không phải chỉ vì dòng tiền cho thuê (hiệu quả cho thuê), mà còn vì sở thích, vì mục tiêu nâng tầm vị thế trong xã hội, hay khẳng định đẳng cấp, theo ông Lê Quốc Kiên, chuyên gia tư vấn đầu tư bất động sản cho thuê.
Theo ông Kiên, những người sở hữu nhà mặt tiền trung tâm thường có điều kiện kinh tế rất tốt. Họ có thể được xếp vào hàng đại gia vì tổng giá trị tài sản cũng thuộc nhóm hàng triệu USD. Ngoài căn nhà phố mặt tiền, các đại gia này thường có vài tài sản khác, nên họ sẽ có khuynh hướng giữ nhà phố mặt tiền để nâng tầm vị thế của bản thân và gia đình, rất ít chủ nhà chịu bán.
Vì những mục đích nằm ngoài bài toán hiệu quả cho thuê nên dòng tiền khai thác của nhà mặt tiền thường khá thấp, mức phổ biến chỉ đạt trên dưới 2%. Thậm chí, nhà trong hẻm vị thế kém hơn nhà mặt tiền, còn có hiệu quả dòng tiền cho thuê cao hơn (do giá đất thấp hơn 30-50%), nhưng bù lại, vị thế của chủ sở hữu nhà hẻm không bằng chủ nhà mặt tiền. "Vị thế và đẳng cấp trả lời cho câu hỏi vì sao nhà mặt tiền dù diện tích nhỏ vẫn đắt đỏ hơn nhà to trong hẻm. Vị thế mặt tiền mang lại cho gia chủ vị thế xã hội, tương tự thương hiệu cá nhân, đôi khi có tiền cũng không mua được", ông Kiên giải thích.
Vũ Lê