Tuần trước, 17 báo lớn của Mỹ đồng loạt xuất bản các câu chuyện trích ra từ hàng nghìn trang tài liệu nội bộ của Facebook mà cựu quản lý Frances Haugen cung cấp. Niềm tin suy giảm và tương lai bất định được giới phân tích đánh giá là khủng hoảng khốc liệt nhất trong lịch sử của mạng xã hội lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, điều này vẫn chưa đủ để người dùng rời bỏ được Facebook.
"Một trong những dấu hiệu của nghiện mạng xã hội là duy trì những hành động mà chính bản thân không đồng tình. Nhiều người chỉ trích, nói Facebook không tôn trọng các giá trị được họ đề cao nhưng vẫn sử dụng mạng xã hội này hàng ngày. Đó chính là những người nghiện Facebook", Anna Lembke, giáo sư tâm lý và khoa học hành vi ở Đại học Stanford, nhận xét.
Facebook vẫn nằm trong những nền tảng trực tuyến được người trưởng thành tại Mỹ sử dụng nhiều nhất. Theo khảo sát hồi tháng 4 của Trung tâm Nghiên cứu Pew, 69% những người được hỏi cho biết đang dùng Facebook.
Giới chuyên gia cho rằng nền tảng này đã chạm đúng nhu cầu giao tiếp xã hội và các động lực sinh học, khiến người dùng không thể dứt khỏi ngay cả khi liên tục bày tỏ mong muốn ngừng sử dụng nó.
"Ảnh hưởng lớn đến cách người dùng cảm nhận về bản thân chính là yếu tố dẫn tới thành công của Facebook. Cảm xúc luôn chiến thắng, ngay cả khi lý trí nhận ra đây không phải điều tốt cho bản thân", John Duffy, nhà tâm lý học ở Chicago, nêu quan điểm.
Tâm lý muốn kết nối
Những khuôn mặt xinh đẹp, ánh sáng lung linh, kết nối cảm xúc chớp nhoáng là những thứ khiến người dùng khó rời Facebook - nền tảng được thiết kế hướng tới những yếu tố thu hút con người trong quá trình tiến hóa.
"Chúng ta có nhu cầu kết nối với người khác từ khi ra đời. Bộ não sẽ sản sinh ra dopamine khi người dùng đọc các bài viết kích thích cảm xúc vui thích, tức giận hoặc đau buồn cùng những người khác", Lembke nói.
Dopamine vừa là hormone vừa là chất dẫn truyền thần kinh, đóng vai trò quan trọng trong não và cơ thể. Nhiều người gọi dopamine là "hormone hạnh phúc" bởi chúng có tác dụng tốt đối với tinh thần và thể chất. Nhưng đây cũng không phải điều tốt nếu diễn ra quá thường xuyên.
Con người từng mất nhiều công sức và phải tìm những cách giao tiếp phức tạp để mở rộng quan hệ, trong khi mạng xã hội khiến tiềm năng tương tác gần như không giới hạn và chỉ mất một click chuột.
"Bộ não không được thiết kế để tiếp nhận lượng dopamine khổng lồ trong thời gian ngắn như vậy, buộc nó phải cắt giảm lượng hormone được tạo ra, đến mức người dùng rơi vào trạng thái thiếu thốn và phải liên tục trở lại nguồn sản sinh dopamine để thỏa mãn. Con người khi đó rơi vào trạng thái thiếu dopamine mạn tính, tương tự tình trạng trầm cảm", giáo sư Lembke giải thích.
Nhu cầu kiểm tra mạng xã hội liên tục
Không chỉ tác động đến cảm xúc sinh học, các mạng xã hội như Facebook còn cung cấp nhiều động lực để người dùng gắn bó.
"Đôi khi nó đơn giản là nhu cầu muốn là một phần trong những gì đang diễn ra. Nỗi sợ bỏ lỡ ở tuổi 13 vẫn có thể tồn tại khi bạn bước sang tuổi 50", Duffy cho hay, bổ sung rằng con người có xu hướng muốn định nghĩa bản thân và tìm vị trí của mình trong trật tự xã hội.
"Tôi có hấp dẫn không, mọi người có thích tôi không, tôi có được mời đến bữa tiệc không? Đó là những điều quan trọng với nhiều người cách đây 20 năm. Giờ đây, nó trở thành 'tôi đã đăng gì sáng nay, liệu tôi sẽ được bao nhiêu like'", ông nói.
Những hoạt động diễn ra liên tục trên mạng xã hội khiến chúng trở thành vòng luẩn quẩn mà người dùng không thể tách ra, buộc họ liên tục truy cập. "Ngay cả khi số like quá ít và việc liên tục truy cập chỉ gây ra thất vọng, các nền tảng này vẫn mang đến lời hứa hẹn rằng mọi chuyện sẽ khá hơn vào hôm sau", Duffy nêu.
Làm thế nào để tách ra?
Facebook có sức hấp dẫn lớn, nhưng vẫn có những cách để người dùng rời bỏ.
Lembke và Duffy cho biết, bước đầu tiên là cai nghiện, dứt hoàn toàn khỏi mạng xã hội trong một tháng, thay vì giảm dần cường độ sử dụng. Đây là thời gian tối thiểu để cơ thể tự điều chỉnh mức độ dopamine, nhưng nhiều người không thể chờ lâu như vậy để thấy kết quả.
"Tôi luôn cảnh báo mọi người rằng họ sẽ thấy rất tồi tệ trong hai tuần đầu, vì đây là giai đoạn cơ thể thiếu hụt dopamine. Đến tuần 3-4, nhiều người nhận ra họ ít nghĩ về Facebook hơn và bắt đầu tận hưởng các hoạt động khác", Lembke nói.
Sau một tháng, chìa khóa là kiểm soát cường độ sử dụng thông qua xây dựng các không gian phi công nghệ, đặt thời hạn truy cập, tắt thông báo và tránh xa những ứng dụng khiến người dùng mất kiểm soát, dù đó là Facebook, Instagram hay Tiktok.
"Nếu bị cám dỗ đăng nhập ngay sau khi hết thời hạn sử dụng, người dùng có thể làm gì đó để kết nối với bản thân như ra ngoài đi bộ hoặc ngâm mặt vào nước lạnh", Lembke nói.
Điệp Anh (theo CNN)