"Mô mỡ có vai trò như ổ chứa virus. nCoV nằm trong mô mỡ rất lâu, kết hợp phản ứng viêm sẽ làm kéo dài thời gian mắc bệnh", bác sĩ Huỳnh Quang Đại (Phó Chủ nhiệm Bộ môn Hồi sức Cấp cứu Chống độc, Đại học Y Dược TP HCM), nói tại một hội nghị khoa học, ngày 24/12.
Theo bác sĩ Đại, thực tế điều trị thời gian qua tại TP HCM ghi nhận nhiều bệnh nhân diễn tiến nặng và tử vong khi mắc Covid-19 là người rất trẻ tuổi nhưng có thể trạng thừa cân, béo phì, với chỉ số khối cơ thể (BMI) cỡ 35-36. Các nghiên cứu trên thế giới cũng ghi nhận virus nằm trong mỡ có thể là nguyên nhân gây ra nhiều vấn đề "hậu Covid-19".
Một số yếu tố nguy cơ cao bệnh Covid-19 diễn tiến nặng hoặc nguy kịch gồm bệnh nền (đái tháo đường, bệnh phổi mạn, bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp, suy thận, ung thư, suy giảm miễn dịch), tuổi trên 65, BMI từ 35 trở lên, phụ nữ có thai.... Những người này cần được theo dõi sát nhằm phát hiện tình trạng bệnh xấu đi và can thiệp kịp thời.
"Hai yếu tố nguy cơ cần chú ý là bệnh nhân béo phì và người chưa tiêm ngừa vaccine Covid-19 đủ", bác sĩ Đại nói. Một nghiên cứu tại Mỹ cho thấy nhóm tiêm ngừa không đủ hoặc không tiêm có nguy cơ mắc bệnh gần 6 lần, tử vong 14 lần, nhập viện gấp 9 lần so với nhóm tiêm ngừa đủ.
Bác sĩ Lã Thị Thanh Ngân (Trưởng Khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hoàn Mỹ Thủ Đức) cho biết trong nghiên cứu trên 30 bệnh nhân Covid-19 tử vong tại bệnh viện từ ngày 1/8 đến 30/9, 50% các trường hợp là thừa cân, béo phì.
Vấn đề đặt ra là bệnh nhân béo phì khi xác định mắc Covid-19 cần điều trị thế nào, có nên uống sớm kháng viêm, kháng đông, thuốc kháng virus để giảm nguy cơ trở nặng?
Theo bác sĩ Đại, các nghiên cứu gần đây thấy dùng corticoid (kháng viêm) sớm không giúp giảm tiến triển nặng mà còn làm kéo dài thời gian bị bệnh. "Theo sinh bệnh học, khi bệnh nhân bắt đầu có triệu chứng, virus còn tiếp tục nhân lên, nếu uống kháng viêm quá sớm càng tạo cơ hội virus phát triển nhiều hơn, kéo dài triệu chứng hơn", bác sĩ Đại phân tích. Do đó, các hướng dẫn điều trị hiện nay khuyến cáo không nên uống kháng viêm quá sớm ở nhóm bệnh nhân nhẹ.
Với thuốc kháng đông, các nghiên cứu cũng xác định người thuộc nhóm nguy cơ cao, nếu uống kháng đông sớm, khi tình trạng còn nhẹ thì tỷ lệ diễn tiến bệnh nặng không khác biệt so với nhóm không uống, đều ở khoảng 20%.
Như vậy, bệnh nhân béo phì mắc Covid-19 ở mức độ nhẹ không cần dùng kháng viêm và kháng đông sớm. Riêng thuốc kháng virus molnupiravir, nhiều nghiên cứu đã chứng minh được lợi ích trong việc giảm nhập viện hoặc tử vong, âm tính sớm hơn, cải thiện triệu chứng lâm sàng nhanh hơn ở bệnh nhân Covid-19 nhẹ và đây có thể là một vũ khí quan trọng trong cuộc chiến chống lại nCoV. Tuy nhiên, vai trò của molnupiravir với bệnh nhân mức độ trung bình, nặng vẫn còn nhiều nghi vấn và cần nhiều nghiên cứu hơn.
"Với nhóm bệnh nhân béo phì ở mức độ nhẹ, chỉ nên dùng molnupiravir, thuốc hạ sốt giảm đau và quan trọng là uống đủ nước, nghỉ ngơi phù hợp, không cần dùng kháng viêm, kháng đông sớm", bác sĩ Đại chia sẻ. Riêng vitamin C, các nghiên cứu ghi nhận việc uống hay không uống thì thời gian hết triệu chứng cũng không có nhiều khác biệt.
Hiện một số loại thuốc mới điều trị Covid-19 vừa được Mỹ cấp phép, theo bác sĩ Đại. Ví dụ, thuốc kháng virus Pfizer’s Paxlovid vừa được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt để điều trị tại nhà. Thuốc chỉ định điều trị Covid-19 nhẹ và trung bình cho người từ 12 tuổi trở lên, đặc biệt là người dễ chuyển nặng do yếu tố tuổi tác hoặc bệnh nền như béo phì, tiểu đường. Thuốc giúp bảo vệ 85-89% bệnh tiến triển nặng và 100% tử vong. Paxlovid không sử dụng để phòng ngừa nhiễm trước hoặc sau khi đã mắc Covid-19, không bắt đầu điều trị cho những bệnh nhân nặng, nguy kịch nhập viện.
Ngoài ra, thuốc Evusheld chứa hai kháng thể đơn dòng của hãng dược AstraZeneca, cũng vừa được FDA chấp thuận. Thuốc này có thể tiêm bắp như vaccine, chỉ định phòng ngừa trước nhiễm ở người lớn và trẻ em từ 12 tuổi trở lên, cân nặng từ 40 kg; bệnh nhân suy giảm miễn dịch không tạo đáp ứng miễn dịch đủ với vaccine; bệnh nhân tiền sử dị ứng nặng với vaccine và không thể tiêm vaccine và cần phương pháp bảo vệ khác. Trong thử nghiệm trên 5.000 người tình nguyện, Evusheld giảm 77% nguy cơ nhiễm.
Những loại thuốc mới này hiện chưa có ở Việt Nam.
Lê Phương