Nâng cao kiến thức và tư duy
MBA hay Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh được xem là tấm vé thông hành dẫn tới các vị trí quản lý trong doanh nghiệp. Nhiều CEO của các tập đoàn hàng đầu thế giới như Tim Cook của Apple, Susan Wojcicki của YouTube, hay Jack Ma của Alibaba đều sở hữu bằng MBA bên cạnh các bằng cấp chuyên môn.
Chương trình MBA cung cấp kiến thức và kỹ năng về quản trị, áp dụng linh hoạt cho nhiều ngành nghề. Đặc biệt, đây là sự bổ sung cho những người đã có kinh nghiệm chuyên môn và một số năm làm việc nhất định, mong muốn hoàn thiện kỹ năng quản trị để hướng tới những vị trí cao hơn.
Chị Trần Thị Thuỳ Dương - Giám đốc tài chính Boyd Vietnam là một trong số đó. Sở hữu bằng Kế toán - Kiểm toán của trường Đại học Kinh tế Quốc dân, chứng chỉ ACCA (kế toán viên công chứng Anh quốc) cùng bề dày kinh nghiệm, chị Dương vẫn lựa chọn học MBA tại Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) vì muốn trau dồi thêm về quản trị nhân sự cũng như hiểu biết về thị trường để nắm bắt cơ hội mới.
MBA cũng là chương trình có tính thực tế cao, cho phép người học rèn luyện tư duy và kỹ năng thông qua các ví dụ thực tiễn. Bên cạnh đó, nhiều khoá MBA đề cao tính cá nhân hoá, dùng chính trải nghiệm công việc của người học làm tư liệu cho các bài tập, buổi thảo luận. Học viên vì thế có thể tìm ra câu trả lời cho các vấn đề tại doanh nghiệp mình đang làm việc, đồng thời được khơi nguồn cho những ý tưởng mới.
Với Thuỳ Dương, sau khoá học, chị đã tìm ra lời giải cho bài toán quản lý nhân sự nan giải trước đó. "Tôi đã biết áp dụng các chỉ số đánh giá năng lực, phân bổ nguồn lực, cũng như giao tiếp với nhân viên hiệu quả hơn. Hơn nữa, kiến thức về quản trị rủi ro hỗ trợ tôi nhiều trong quản lý dự án, nâng cao hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp", chị nói.
Môi trường kết nối hiệu quả
Bên cạnh kiến thức, kỹ năng, MBA còn giúp người học xây dựng mạng lưới kết nối. Đây cũng là một trong những lợi ích mà anh Đặng Lê Huy - học viên MBA khoá một tại BUV và hiện là Building Manager tại HongKong Land có được sau khoá học. "Các mối quan hệ của tôi đã mở rộng nhiều từ những bạn cùng lớp, các giảng viên kinh nghiệm và từ các chương trình mà BUV tổ chức cho học viên trong quá trình học", anh Huy nói.
Đặc biệt, các khoá MBA trong nước với mạng lưới người học hầu hết là những quản lý doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam tạo ra ưu thế xây dựng mối quan hệ đối tác tiềm năng ngay tại thị trường trong nước.
Việc chú trọng xây dựng các mối quan hệ còn mang tới cơ hội học hỏi và mở mang tầm nhìn - một tố chất cần thiết cho những người thành công. Theo đại diện BUV, chỉ khi có tầm nhìn, người lãnh đạo mới có thể dẫn dắt bản thân và tổ chức đi con đường đúng, đứng vững trước khó khăn và gặt hái những thành công lớn hơn.
Cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp
Xu thế lấy bằng cấp, chứng chỉ có giá trị quốc tế ngay tại Việt Nam được dự đoán sẽ phát triển ngay cả khi không còn dịch bệnh. Thực tế này đến từ nhu cầu tuyển dụng nhân sự nội địa chất lượng cao, am hiểu thị trường, với kiến thức và kỹ năng toàn cầu. Đây là lực lượng mà thị trường đang thiếu, với chỉ 11,6% trong tổng số 53,15 triệu lao động tại Việt Nam hiện là lao động trình độ cao, theo báo cáo nhân sự Việt Nam 2020 của Manpower. Vì vậy, việc lấy bằng MBA quốc tế song song với tích luỹ kinh nghiệm làm việc tại Việt Nam sẽ mang lại lợi thế cho những ứng viên muốn thăng tiến nhanh trong sự nghiệp.
Các khoá MBA trong nước thường có lịch học linh động, người học không cần gián đoạn công việc để tham gia. Một lợi thế khác của MBA trong nước là chi phí hợp lý. Với mô hình khoá MBA quốc tế, người học chỉ phải bỏ ra khoản học phí thấp hơn và không phát sinh thêm sinh hoạt phí như khi học tại nước ngoài, nhưng vẫn lấy được tấm bằng có giá trị tương đương. Trong trường hợp của anh Huy, chị Dương, chi phí đã tiết kiệm được khi học tại BUV thay vì đi du học Anh quốc lên tới 70%.
Thế Đan (Ảnh: BUV)