Nhìn bề ngoài, cuộc nổi loạn của Wagner ở Nga sẽ tạo thuận lợi cho Ukraine và các đồng minh phương Tây, trong đó có Mỹ, bởi nó diễn ra vào thời điểm Kiev đang thúc đẩy chiến dịch phản công được kỳ vọng từ lâu. Tuy nhiên, Mỹ đã phản ứng rất thận trọng với sự kiện này.
Trong và sau khi cuộc nổi loạn diễn ra, các quan chức Mỹ đều nói rằng Washington không có bất cứ vai trò gì trong biến cố, khẳng định đây là vấn đề nội bộ của Nga và từ chối bình luận liệu nó có ảnh hưởng tới chiến sự Ukraine hay không. Tổng thống Joe Biden cũng thể hiện thái độ thận trọng tương tự.
Ông Biden ngày 26/6 nói với phóng viên rằng Mỹ và NATO không liên quan tới cuộc nổi loạn ở Nga. Tổng thống Mỹ cho hay ông đã trao đổi trực tuyến với các đồng minh cuối tuần qua và họ đều nhất trí rằng họ không được phép có những phát biểu, hành động có thể khiến Nga "có cớ để đổ lỗi cho phương Tây".
Tổng thống Biden và quan chức chính quyền Mỹ cũng từ chối đưa ra đánh giá về cuộc nổi loạn của Wagner có thể tác động thế nào tới chiến sự Ukraine cũng như ông trùm Yevgeny Prigozhin hay với chính nước Nga.
"Vẫn còn quá sớm để kết luận những việc này sẽ đi đến đâu", Tổng thống Biden nói.
Tổng thống Vladimir Putin trong bình luận công khai đầu tiên về sự việc cuối tuần qua nói rằng "các kẻ thù của Nga" hy vọng cuộc nổi loạn có thể chia rẽ và làm suy yếu nước Nga, song họ đã nhầm. Ông xác định "kẻ thù" này là "những phần tử tân phát xít ở Kiev, những bên bảo trợ phương Tây và nhiều kẻ phản quốc khác".
Ngoại trưởng Sergay Lavrov tuyên bố Nga đang điều tra liệu cơ quan tình báo phương Tây có liên quan tới cuộc nổi loạn của Prigozhin hay không.
Trong ngày 24/6, khi các tay súng Wagner hướng về Moskva, các nhà ngoại giao Mỹ đã liên lạc với những người đồng cấp Nga để nhấn mạnh Washington xem đây là vấn đề nội bộ của Moskva, theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller.
Michael McFaul, cựu đại sứ Mỹ tại Nga, nói Tổng thống Putin từng nhiều lần cáo buộc Mỹ bí mật can dự vào nhiều sự kiện biến động trên thế giới, trong đó có các phong trào biểu tình ở các nước cộng hòa từng thuộc Liên Xô. Giờ đây, Mỹ và NATO "không muốn bị đổ lỗi cho nỗ lực gây bất ổn nào đó" ở Nga, ông McFaul nói.
Căng thẳng giữa trùm Wagner Yevgeny Prigozhin và các lãnh đạo Bộ Quốc phòng Nga đã không ngừng leo thang trong suốt xung đột Ukraine và châm ngòi cho cuộc nổi loạn ngày 24/6. Ông Prigozhin đã điều hàng nghìn tay súng từ chiến trường Ukraine vào tỉnh Rostov, kiểm soát trụ sở Quân khu miền Nam ở thành phố Rostov-on-Don. Một mũi khác của Wagner tiến quân về thủ đô Moskva, trong khi Prigozhin đòi phế truất Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoigu, điều mà Điện Kremlin bác bỏ.
Nhóm cố vấn an ninh quốc gia Mỹ đã liên tục cập nhật tình hình cho ông Biden khi lực lượng Wagner hành quân về Moskva. Tổng thống Biden nói ông đã chỉ đạo họ "chuẩn bị cho loạt kịch bản" khi cuộc nổi loạn diễn ra.
Ông Biden không nói chi tiết về các kịch bản này, song người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng John Kirby đề cập tới mối quan ngại về những lời cảnh báo từ phía Nga. Ông Putin và cấp dưới đã nhiều lần đề cập tới vũ khí hạt nhân kể từ khi phát động chiến dịch Ukraine 16 tháng trước, nhằm ngăn các nước NATO tăng cường hỗ trợ Kiev.
Tổng thống Mỹ cuối tuần qua nói chuyện với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky, khẳng định quyết tâm ủng hộ Kiev. "Bất kể điều gì xảy ra ở Nga, Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ Ukraine bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ", ông Biden tuyên bố.
Lầu Năm Góc ngày 27/6 công bố gói viện trợ mới trị giá 500 triệu USD dành cho Ukraine, trong đó có thiết giáp và đạn cho pháo phản lực HIMARS.
Các quan chức Mỹ đầu tuần này đã thể hiện sự cẩn trọng tối đa để không bị coi là ủng hộ ông Putin hay trùm Wagner trong các bình luận công khai. "Chúng tôi tin rằng nhân dân Nga mới là những người tự quyết định ai là lãnh đạo của họ", ông Kirby nói.
Washington Post ngày 24/6 đưa tin tình báo Mỹ từ hai tuần trước đã thu được những thông tin cho thấy trùm Wagner lên kế hoạch hành động vũ trang ở Nga. Tình báo Mỹ lúc ấy chưa nắm rõ bản chất và thời gian chính xác trong kế hoạch hành động chống lại quân đội Nga của trùm Wagner, nhưng họ có đủ cơ sở để báo cáo với các lãnh đạo Mỹ rằng "điều gì đó sắp xảy ra", một quan chức giấu tên cho hay.
Tuy nhiên, chính quyền ông Biden lần này đã chọn không lên tiếng về những thông tin đó, trái ngược với những cảnh báo về kế hoạch đưa quân vào Ukraine của Nga hồi đầu năm ngoái. Mỹ chọn đứng ngoài cuộc, như ông Biden nói ngày 26/6.
"Chúng tôi phải đảm bảo rằng không để Nga có lý do đổ lỗi cho phương Tây hay NATO. Chúng tôi đã nói rõ rằng không liên quan và không làm gì với cuộc nổi loạn đó", ông nói.
Thanh Tâm (Theo AP)