Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc, Viện trưởng Viện Điện - Điện tử - Tin học TP HCM cho rằng tất cả nhà máy điện làm việc chung trong cùng một hệ thống phải luôn luôn “đồng bộ” với nhau, không thể tách rời. Vì thế, khi một sự cố xảy ra, nếu không xử lý kịp thời có thể ảnh hưởng tới toàn bộ nhà máy trong hệ thống.
Ngay tại thời điểm xe cẩu chở cây vướng dây cao áp, tất cả nhà máy điện, các trạm biến thế nằm trong hệ thống, dù xa hay gần nơi xảy ra sự cố, chưa bị hỏng hóc và về nguyên tắc vẫn có thể hoạt động bình thường. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, hệ thống tự động sẽ tự ngắt các nhà máy điện có nguy cơ bị hủy hoại ra khỏi hệ thống chung.
"Hệ thống điều khiển này là hoàn toàn tự động, con người không thể và không kịp can thiệp. Thông thường trong vòng khoảng 0,2 giây sau khi xảy ra sự cố, tất cả nhà máy điện sẽ tự động tách ra khỏi hệ thống, người ta thường gọi đó là tình trạng tan rã hệ thống điện", ông Phúc giải thích.
Chiếc xe cầu trồng cây gây nên vụ mất điện toàn miền Nam chiều 22/5. Ảnh: Nguyệt Triều. |
Theo ông Phúc, nếu không có hệ thống ngắt tự động này, hậu quả là khôn lường, tất cả các máy phát hỏng hết. Hệ thống điện hoạt động theo nguyên tắc năng lượng phát ra của tất cả các máy phát điện phải luôn luôn bằng năng lượng tiêu thụ, hay nói cách khác tổng lượng điện phát ra phải bằng với tổng lượng tiêu thụ.
"Tại thời điểm xảy ra sự cố chập đường dây điện 500 kV, các Nhà máy điện của miền Nam vẫn phát hoạt động bình thường, công suất phát ra khoảng trên dưới 10.000 MW. Trong khi đó, hệ thống tiêu thụ đột ngột ngưng tiếp nhận năng lượng, công suất tiêu thụ đột ngột giảm xuống, gần như bằng 0. Nếu không lập tức tách các nhà máy phát điện ra khỏi hệ thống, và lập tức ngưng chạy các nhà máy phát điện, thì năng lượng điện khổng lồ phát ra sẽ chạy đi đâu? Khi đó các máy phát điện sẽ quay lồng lên dữ dội, sẽ bị cháy, và tất cả các nhà máy phát điện có thể bị tự phá hủy hoàn toàn, tất cả các nhà máy điện nằm trong Hệ thống điện ở Miền Nam này sẽ cùng chung số phận” - ông Phúc nói.
Ông Phúc cho rằng sự cố xe cẩu chiều 22/5 rất hy hữu, ít khi xảy ra. Phải có lực tác động mạnh mới có thể dồn 2 sợi dây điện cách nhau khoảng 10 mét chập vào nhau. Những trường hợp như thả diều, ném đá thì không thể gây chập đường dây điện cao áp được.
"Còn nếu người ta cố ý gây ra thì chịu thua. Chính phủ cũng đã có quy định rất cụ thể về khoảng cách để bảo đảm an toàn hành lang lưới điện", ông nói.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc, sự cố điện tương tự, gây cúp điện trên diện rộng từng xảy ra ở nhiều nước. Vào năm 1963, một sự cố đã làm rã hệ thống điện, gây cúp điện hoàn toàn một phần ba nước Mỹ, và phải mất đến 13 giờ mới được khôi phục. Một sự cố khác vào thập niên 70 đã khiến 80% diện tích nước Pháp mất điện hoàn toàn. Liên Xô trước đây cũng khiến một tỉnh (diện tích lớn hơn cả nước Pháp) mất điện hoàn toàn. Tại TP HCM đã gặp sự cố tương tự nhưng phạm vi ảnh hưởng chỉ trong thành phố và vài tỉnh xung quanh.
Ông Huỳnh Minh Hải, Giám đốc Công ty Điện lực tỉnh Sóc Trăng cho biết hơn 20 năm trong ngành, ông chưa từng gặp sự cố gây mất điện toàn miền Nam như chiều 22/5.
Đây là đường dây tải điện từ Bình Dương, hòa vào trạm biến thế Tân Định, cung cấp điện lực cho toàn bộ khu vực miền Nam, trong đó có TP HCM. Ảnh: Nguyệt Triều. |
Theo ông Hải, đường dây đang truyền tải điện giống như một con người hay cả tập thể đang gồng hết sức để làm việc. Sự cố đột ngột ở một khâu nào đó làm cho cả nhóm bị “mất trớn” dẫn đến té ngã. Do đó, các rơle ở những điểm kết nối với lưới điện quốc gia phải tự ngắt để bảo vệ nhà máy, giống như thiết bị chống giật gây cúp cầu dao tổng được gắn trong nhà nhằm hạn chế thiệt hại khi có sự cố.
“Trong ngành điện thì việc rơle tự động bật ra để bảo vệ thiết bị là bình thường. Thà mất điện cục bộ chứ không thể để hư hỏng đường dây hay nhà máy”, ông Hải giải thích.
Cũng theo lãnh đạo Công ty Điện lực Sóc Trăng, nếu các rơle không tự động bật thì cốt máy của nhà máy điện chắc chắn sẽ bị gãy hoặc nổ do “vượt tốc” khi xảy ra sự cố trên đường dây 500 kV Bắc - Nam. Muốn khởi động lại nhà máy một cách đồng bộ để hòa trở lại điện lưới quốc gia phải mất ít nhất 30 phút và tiêu tốn nhiên liệu nhưng chi phí vẫn thấp hơn so với nhà máy bị hỏng và mất thời gian sửa chữa có thể kéo dài đến một tháng.
Theo quy định về an toàn điện thì đối với đường điện cao thế, tất cả vật và người phải cách xa 8 m (tính từ trụ chính), còn độ cao an toàn cho đường dây cao thế là 19 m so với mặt đất, những nơi dây cao thế đi qua trong vòng bán kính 3 m không được có vật cản.
"Nhưng hôm 22/5 do cần cẩu làm cây đụng vào nên mới gây nên tai nạn về điện này", ông nói.
Nhóm phóng viên