Khi khủng hoảng Ukraine tăng nhiệt, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz gần đây bay tới Moskva gặp trực tiếp Tổng thống Nga Vladimir Putin để thảo luận các biện pháp tháo ngòi nổ. Điểm gây chú ý trong các cuộc họp là Putin cùng các lãnh đạo Pháp, Đức ngồi ở hai đầu chiếc bàn màu trắng dài khoảng 6 mét.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết quyết định sử dụng chiếc bàn dài được đưa ra sau khi Macron từ chối để các y bác sĩ Nga xét nghiệm PCR đề phòng Covid-19. Theo một nguồn tin giấu tên từ chính phủ Đức, Scholz cũng hành động tương tự Macron và được một bác sĩ tại đại sứ quán Đức lấy mẫu xét nghiệm sau khi đến Moskva.
Steffen Hebestreit, phát ngôn viên chính phủ Đức, cho hay Thủ tướng Scholz tuân theo quy trình mà Đức áp dụng với các lãnh đạo nước ngoài: Họ có thể xuất trình kết quả xét nghiệp PCR của mình. Nếu nước chủ nhà có bất cứ nghi ngờ nào, họ có thể cho một bác sĩ lên chuyên cơ để giám sát quá trình lấy mẫu và xét nghiệm.
"Nhưng Moskva lại có quan điểm khác, nói rằng xét nghiệm phải do phía Nga thực hiện. Thủ tướng Scholz quyết định ông sẽ không để họ lấy mẫu", Hebestreit nói.
Cả Macron và Scholz đều ủng hộ các biện pháp phòng chống Covid-19, khiến các chuyên gia nhận định họ từ chối để Nga xét nghiệm bởi sợ để lộ ADN. Một nguồn tin trong phái đoàn của Macron cũng tiết lộ họ "đã biết trước hai lãnh đạo sẽ không bắt tay và phải ngồi bàn dài, nhưng không thể chấp nhận để Nga có được ADN của Tổng thống".
ADN, phân tử mang thông tin di truyền, có trong mọi tế bào của cơ thể và có thể được chiết xuất bằng nhiều phương pháp, trong đó có lấy mẫu dịch hầu họng. "Những mẫu này chứa rất nhiều ADN của người. Bạn hoàn toàn có thể lấy ADN từ mẫu đó và thực hiện những điều mình muốn", Kenny Beckman, lãnh đạo Trung tâm Gene thuộc Đại học Minnesota của Mỹ, cho biết.
ADN của mỗi người là độc nhất vô nhị. Nó có thể được sử dụng để xác định nguồn gốc tổ tiên, những người họ hàng thất lạc, tìm ra liệu người mang ADN này có mắc các bệnh di truyền nhất định hay không, hoặc những điểm bất thường về di truyền có liên quan đến bệnh tật hoặc tình trạng y tế hay không.
Howard McLeod, chuyên gia di truyền học tại Hiệp hội Ung thư Lão khoa ở bang Florida, chỉ ra rằng nếu bị lộ, ADN có thể được sử dụng để xác định nguy cơ bệnh tật của các lãnh đạo thế giới. "Bạn còn có thể tìm hiểu và xem xét liệu khai thác được yếu tố nào về gốc gác của các lãnh đạo hay không", ông nói thêm.
Chính phủ Mỹ từng bị cáo buộc tìm cách thu thập ADN của các lãnh đạo nước ngoài. Những bức điện ngoại giao dưới thời cựu tổng thống Barack Obama do WikiLeaks tiết lộ cho thấy các nhà ngoại giao Mỹ tại một số nước châu Phi được chỉ đạo thu thập "dấu vân tay, hình ảnh khuôn mặt, ADN và dữ liệu mống mắt" của những quan chức "chủ chốt và mới nổi", trong đó có các lãnh đạo tôn giáo và doanh nghiệp.
Trong thời kỳ đại dịch, những quan chức tới gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden được yêu cầu xét nghiệm Covid-19. Theo một nguồn tin giấu tên, Nhà Trắng có đội ngũ y tế chuyên trách thực hiện quy trình này, nhưng hầu hết lãnh đạo nước ngoài tự thu xếp xét nghiệm, điều mà Nhà Trắng vẫn chấp nhận.
Khi Biden tiến hành xét nghiệm ở trong và ngoài nước, đội ngũ nhân viên y tế Nhà Trắng đều tự lấy mẫu và xử lý.
Đối với người dân, luật liên bang tại Mỹ cấm các nhà cung cấp dịch vụ y tế và phòng thí nghiệm sử dụng mẫu bệnh phẩm cho bất kỳ mục đích nào khác ngoài xét nghiệm ban đầu. Trong những trường hợp nhất định, người dân có thể cho phép sử dụng kết quả xét nghiệm của họ để nghiên cứu, cũng như trong các dịch vụ y tế khác.
Chuyên gia đạo đức sinh học George Annas, người từng nhiều lần phân tích về tầm quan trọng của quyền riêng tư đối với thông tin di truyền, cho biết quyền riêng tư được đặt lên trên hết, bất kể đó là ai.
"Các lãnh đạo cũng có quyền riêng tư về y tế. Thông tin của họ không nên bị tiết lộ với công chúng khi chưa được đồng ý", chuyên gia cho hay.
Nhưng ngoài các thông tin về bệnh tật hoặc tình trạng y tế, ADN của các lãnh đạo khi bị lộ không giúp đối phương có thêm các phân tích sâu hơn, theo McLeod. Beckman cũng đồng tình, cho rằng nỗi lo ngại thông tin di truyền có thể gây tổn hại về mặt chính trị cho các lãnh đạo là "quá xa vời".
"Bạn định làm gì nếu biết Macron có nguy cơ huyết áp cao hơn một chút? Tôi không dành nhiều thời gian để cố tưởng tượng ra cách vũ khí hóa thông tin di truyền của ai đó", Beckman nói.
Annas cũng khẳng định "ADN không kỳ diệu đến thế". "Nó sẽ cung cấp một số thông tin, nhưng không giúp tìm ra cách làm hại ai đó", chuyên gia này nhấn mạnh.
Ánh Ngọc (Theo AP)