Một bà mẹ sống tại tầng 11 chung cư Grenfell ở thủ đô London, Anh đang được ca ngợi như người hùng sau khi cứu cả nhà thoát chết nhờ xả nước trong nhà tắm để làm mát trong lúc chờ cứu hộ, theo Telegraph.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng gia đình này đã gặp may khi được lính cứu hỏa giải cứu kịp thời, bởi việc xả nước ngập nhà chỉ là giải pháp tình thế, khó có thể cứu được mạng của họ nếu bị mắc kẹt lâu trong đám cháy.
Theo chuyên gia về hỏa hoạn Ben Urwin, phần lớn nạn nhân thiệt mạng trong các vụ cháy thường do hít phải khói độc dẫn tới ngạt thở, hoặc tổn thương phổi do hít phải luồng khí siêu nóng phát ra từ ngọn lửa. Những người chết do bị lửa thiêu chỉ chiếm khoảng 10-15%.
Do đó, việc xả nước ra căn hộ chỉ có thể giúp người mắc kẹt cảm thấy bớt nóng trong thời gian ngắn, không hề có tác dụng ngăn chặn khói và khí độc tràn vào nhà.
Khi xảy ra cháy, nhiệt độ trong tòa chung cư có thể lên đến 1.000 độ C, khiến toàn bộ đường ống dẫn nước bị phá hủy. Không có thêm nước để làm mát, lượng nước lưu lại trong căn hộ sẽ nhanh chóng nóng lên, có thể gây bỏng nặng nề cho những người mắc kẹt.
Ngoài ra, khi trốn vào trong nhà tắm, nạn nhân có thể còn tử vong nhanh hơn, do khu vực này thường có thiết kế kín, không thoát khí độc hiệu quả.
Để sống sót qua hỏa hoạn, các chuyên gia cho rằng ưu tiên hàng đầu là tìm nguồn dưỡng khí bằng cách nằm sát mặt đất hết mức có thể và hít thở qua khăn thấm nước để lọc bớt khí độc. Thay vì trốn vào phòng kín, nạn nhân nên ra ban công, nơi có nguồn không khí bên ngoài có thể giúp học cầm cự được lâu hơn.
Nếu không có ban công, họ phải tìm căn phòng có cửa sổ, đặc biệt là cửa sổ hướng ra đường. Người mắc kẹt phải rất thận trọng với việc mở cửa sổ, bởi tay nắm cửa có thể rất nóng và hành động này có thể dẫn đến chênh lệch áp suất khiến khí độc tràn vào phòng.
Bởi vậy, nếu không chắc chắn bên ngoài có khí độc hoặc khói hay không, nạn nhân không nên phá cửa sổ bằng kính. Họ cần đóng chặt cửa, chặn các khe hở bằng vải thấm nước để ngăn khói, sau đó gây sự chú ý bằng cách gọi điện thoại hoặc treo tấm vải bên ngoài cửa sổ để ra hiệu.
Urwin cũng lưu ý rằng phương án này chỉ hữu hiệu với những người sống từ tầng 7 trở xuống, do thang cứu hỏa không thể vươn cao hơn mức đó. Với các gia đình sống từ tầng 8 trở lên, giải pháp tốt nhất là tìm tới thang thoát hiểm, nhất là loại thang kim loại nằm bên ngoài tòa nhà.
Trong trường hợp không thể tự xuống thang hoặc cầu thang bộ bị ngập khói, họ chỉ còn cách bám trụ lại trong nhà để chờ lực lượng cứu hộ, nhưng cần ưu tiên tìm nguồn dưỡng khí hơn là xả nước để làm mát, Urwin nhấn mạnh.
Tử Quỳnh