Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam tháng 5 đông nhất, ước đạt gần 357.200 lượt. Hàn Quốc đứng thứ hai với hơn 351.000 lượt. Các thị trường còn lại trong top 10 là những tên quen thuộc như Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Đài Loan.
Sau hơn hai năm Việt Nam mở cửa đón khách quốc tế và hơn một năm Trung Quốc mở lại biên giới vì dịch bệnh, quốc gia này giành lại ngôi vương là thị trường gửi khách quốc tế lớn nhất đến Việt Nam. Trước đó, vị trí này thuộc về khách Hàn Quốc. Tháng 4, lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam đạt hơn 357.900 lượt, nhỉnh hơn tháng 5 gần 700 lượt nhưng vẫn đứng thứ hai sau Hàn Quốc với gần 370.000 lượt.
CEO Aza Travel Nguyễn Tiến Đạt cho biết một trong những lý do khiến lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam cao nhất tháng 5 là nỗ lực "ngoại giao du lịch" giữa hai nước. Cục Du lịch Quốc gia đã có nhiều chiến dịch để kích cầu du lịch như quảng bá, xúc tiến để tăng lượng khách Trung nói riêng và quốc tế nói chung ghé thăm. Ngoài ra, tháng 5 cũng là tháng đầu hè, nhu cầu tắm biển, nghỉ mát của người dân Trung Quốc tăng. Tour du lịch biển đảo là một trong những sản phẩm hút khách của Việt Nam với thị trường khách này.
Trung Quốc không có nhiều biển đẹp, nước ấm phù hợp để tắm như Việt Nam. Ngoài bay tới đảo Hải Nam, khách Trung Quốc chủ yếu tìm đến các khu vực nhiều biển đẹp tại Đông Nam Á như Thái Lan, Việt Nam để nghỉ dưỡng vào mùa hè.
Bên cạnh đó, theo nhận định của các chuyên gia du lịch tại Việt Nam, khách Trung Quốc năm nay bị ảnh hưởng bởi kinh tế suy thoái. Do đó ngoài du lịch nội địa, sau dịch khách Trung thường ưu tiên chọn các điểm đến quốc tế an ninh, an toàn cao và gần để tiết kiệm chi phí. Việt Nam đáp ứng đầy đủ các yêu cầu này. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là thị trường du lịch truyền thống của khách Trung trước dịch.
Theo bảng xếp hạng mới nhất của Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố cuối tháng 5, Việt Nam xếp hạng cao ở 3 tiêu chí là an ninh an toàn (xếp hạng 23/119), giá cả cạnh tranh (hạng 16) và tài nguyên thiên nhiên (hạng 26).
Ngoài ra, CEO Lux Group Phạm Hà cho rằng lượng khách Trung đến Việt Nam đứng top 1 trong tháng 5 "có thể do trùng với kỳ nghỉ lễ Quốc tế lao động 1/5 ở Trung Quốc", thời gian người dân đi du lịch nhiều hơn. Theo China Daily, nghỉ lễ 1/5 là kỳ nghỉ lớn thứ 3 tại Trung Quốc sau Tết Nguyên đán và quốc khánh. Khách từ các quốc gia còn lại không có kỳ nghỉ lễ nào dài tương tự nên không đột biến. Ngoài ra, tháng 5 không phải mùa cao điểm khách quốc tế tại Việt Nam (mùa cao điểm từ tháng 10 đến tháng 4), nên lượng khách các quốc gia khác đều giảm.
Ông Hà cũng nhận định lượng khách từ một thị trường đến Việt Nam "đẹp" nhất là chiếm 20-30%. Đón quá nhiều khách từ một thị trường khiến Việt Nam mất vị thế "điểm đến quốc tế" mà trở thành "điểm đến của một vài nước".
"Đông cũng tốt nhưng chi tiêu nhiều quan trọng hơn", ông Hà nói.
CEO Nguyễn Tiến Đạt cũng đồng tình với việc ngành du lịch Việt nên tập trung khai thác thị trường khách Trung Quốc nhà giàu, đến từ các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải và đến bằng đường hàng không. Nếu khách đến Việt Nam đông nhưng chỉ đến trong ngày hoặc ăn một bữa cơm 100.000-200.000 đồng rồi về thì "tính kinh tế không cao".
"Chúng ta cần hướng tới tệp khách Trung Quốc chi tiêu vài nghìn tệ (1.000 tệ tương đương 3,5 triệu đồng) cho một chuyến đi", ông Đạt nói.
Để thu hút tệp khách nhà giàu này, các chuyên gia tại Việt Nam cho biết ngành cần định vị lại thương hiệu là điểm đến sang trọng thay vì giá rẻ. Ngoài việc tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng, các sản phẩm giải trí giúp khách ở lâu chi nhiều, Việt Nam cần chú trọng đến cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu cao của khách Trung nhà giàu.
Ashley Dudarenok, người sáng lập công ty tư vấn kỹ thuật số Trung Quốc ChoZan nói trên SCMP, các điểm du lịch quốc tế cần nâng cấp trải nghiệm để phù hợp với sự phát triển của các dịch vụ du lịch ở Trung Quốc. Bởi, "khách Trung Quốc không dễ chiều", cô nói.
Phương Anh