Số liệu từ Cục Du lịch Quốc gia công bố hôm 29/7 cho thấy lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 7 ước đạt 1,15 triệu lượt, giảm gần 10% so với 1,24 triệu lượt của tháng 6.
7 tháng đầu năm, Việt Nam đón gần 10 triệu lượt khách quốc tế. Trong đó, tháng 3 đón nhiều khách nhất với 1,59 triệu lượt, tháng 7 đón ít nhất.
Ông Phạm Hà, CEO Lux Group, cho biết hai tháng hè 6-7 thường là mùa thấp điểm du lịch inbound (khách quốc tế đến) nhất trong năm. Do đó năm nay, lượng khách đến ít trong tháng 7 là điều bình thường. "Du lịch luôn có tính thời vụ", ông Hà nói. So sánh với 2019, năm hoàng kim của du lịch Việt, tháng 6-7 cũng ghi nhận lượng khách quốc tế đến thấp nhất năm với 1,18 triệu và 1,31 triệu.
Tháng 7 thường là tháng cao điểm du lịch nội địa, đặc biệt 2 tuần cuối tháng 7, thời điểm học sinh - sinh viên được nghỉ hè và các gia đình đưa con đi nghỉ mát đông. Khách quốc tế và các hãng du lịch sẽ "né" thời điểm này để tránh đông đúc, chi phí đắt đỏ.
Trần Huỳnh Nguyên, giảng viên thỉnh giảng kiêm hướng dẫn viên tại TP HCM với hơn 20 năm kinh nghiệm, phủ nhận giá vé máy bay tại Việt Nam năm nay tăng là nguyên nhân làm giảm lượng khách quốc tế. Theo ông, giá vé máy bay chỉ ảnh hưởng đến bay nội địa, khách có rất nhiều lựa chọn ở đường bay quốc tế.
Tuy vậy, theo ông Hà, nhiều thị trường trong tháng 7 vẫn tăng như Tây Ban Nha, Hà Lan. Lượng khách đến từ hai quốc gia này đặt tour bên công ty ông Hà nhiều đến mức kín lịch và thiếu hướng dẫn viên.
Số liệu từ Cục Du lịch quốc gia cũng cho thấy nhiều thị trường châu Âu tiếp tục tăng trưởng lượt khách trong tháng 7 như Italy tăng 61% (so với tháng 6), Hà Lan tăng 50%, Tây Ban Nha tăng 38%, Pháp tăng 33%. Các quốc gia khác như Đan Mạch, Bỉ, Na Uy, Đức, Anh tăng 21-27%. Nga có lượng khách tăng cao nhất trong khối châu Âu với 75%.
Hầu hết các thị trường ở châu Âu tiếp tục tăng trưởng mạnh do hiệu quả từ chính sách thị thực, xuất nhập cảnh thông thoáng áp dụng từ tháng 8/2023 cùng nhiều hoạt động xúc tiến du lịch, theo Cục Du lịch.
Khách từ các nước Đông Nam Á đến Việt Nam cũng đạt tăng trưởng tốt trong tháng 7 như Indonesia tăng 107%, Philippines tăng 58%.
Tình hình sụt giảm khách quốc tế tháng 7 và ba tháng hè không chỉ ở Việt Nam, các quốc gia trong khu vực cũng chứng kiến sự sụt giảm du khách dịp này. Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch Hàn Quốc (KTO) tại Việt Nam, tháng 7 Hàn Quốc ước đón 1,34 triệu lượt khách quốc tế, cao hơn Việt Nam khoảng 16%. Tuy nhiên, tháng 7 cũng là tháng thứ 3 liên tiếp lượng khách quốc tế đến Hàn giảm. Tháng 6, Hàn Quốc đón 1,36 triệu lượt khách còn tháng 5 là 1,46 triệu lượt.
Trường hợp đặc biệt khách tăng trong các tháng hè năm nay tại khu vực châu Á là Nhật Bản với tháng 6 đạt kỷ lục, hơn 3,1 triệu lượt khách. Nguyên nhân là du khách tận dụng đồng yen giảm nên tranh thủ đổ xô ghé thăm.
"Khách quốc tế thường không có xu hướng đến Việt Nam du lịch hè, họ thích đến vào cuối năm để tránh rét", ông Nguyên nhận xét.
CEO Lux Group Phạm Hà nhận định mùa du lịch cao điểm khách quốc tế tại Việt Nam sẽ bắt đầu từ cuối tháng 9, đầu tháng 10 và kéo dài đến tháng 4. Tuy nhiên, ông Hà cho rằng đã đến lúc Việt Nam cần dừng "đếm khách tính thành tích". Thay vào đó, ngành nên đưa ra các chiến lược thu hút khách ở dài, chi tiêu nhiều.
"Nên tính lượng khách và chi tiêu của họ tăng hay giảm, như thế sẽ khách quan và chính xác hơn", ông Hà nói.
Phương Anh