Dưới đây là những cảm nhận của nhà báo Mỹ Mary Lee Grant, người có thời gian dài sống ở Việt Nam và từng làm việc cho Caller Times.
Ngồi ăn bún chả trong một quán ven đường nhìn ra những con phố nhỏ của Hà Nội, tôi và Thảo, một người bạn Việt Nam cùng chia sẻ về những giấc mơ, kế hoạch cho tương lai. Ngoài đường đang là giờ cao điểm, xe cộ chen chúc nhau và ai cũng muốn nhanh chóng được về nhà khi hoàng hôn đang buông dần xuống thủ đô nghìn năm văn hiến này.
Nhìn ra những cây cầu, chùa chiền cổ kính cùng một số tòa nhà xây dựng từ thời Pháp thuộc, tôi có cảm giác như nơi đây hoàn toàn xa lạ với Oklahoma (Mỹ), quê nhà nơi tôi lớn lên cùng cha mẹ.
Tuy nhiên, tôi đã kết bạn với nhiều giáo sư và sinh viên tại Đại học Mỏ Hà Nội, nơi tôi từng dạy tại đây vào năm 2016. Khi trò chuyện với họ, tôi có cảm giác như nhìn thấy thời trẻ của bố mẹ mình ở quê nhà. Lớp người đi trước đã để lại nhiều giá trị khiến chúng tôi ngưỡng mộ, và giờ đây, khi ở Việt Nam, tôi cũng cảm nhận được những điều tương tự.
Giống như thế hệ cha ông của chúng tôi, người Việt Nam cũng trải qua các cuộc chiến tranh và đối mặt với những khó khăn của hậu chiến. Thế hệ lớn tuổi, gồm những người phụ nữ, từng cầm súng chiến đấu trong chiến tranh, đã đón tiếp tôi rất nồng hậu khi tôi tới thăm những ngôi làng bị tàn phá bởi chất độc da cam. Điều đó khiến tôi rất bất ngờ.
Trong khi người Mỹ ngày càng phụ thuộc vào đồ ăn nhanh hay chế biến sẵn thì điều này hoàn toàn rất hiếm ở Hà Nội. Các nguyên liệu ở đây đều rất tươi ngon, thức ăn được nấu chín ngay tại chỗ. Người Việt Nam không phải khổ sở đối mặt với tình trạng béo phì như ở Mỹ.
Chúng tôi có văn hóa vừa ăn vừa lái xe, người Việt Nam thì không. Họ hiếm khi ăn một mình. Bữa trưa là thời gian để họ xây dựng các mối quan hệ xã hội. Văn hóa ẩm thực lành mạnh, thứ giờ chỉ còn là hoài niệm của người Mỹ, đang rất phổ biến ở Việt Nam.
Nếu bạn muốn tìm kiếm một nơi chứa nhiều giá trị đạo đức truyền thống, hãy đến Việt Nam. Việc sử dụng ma túy ở đây rất hiếm, và không sinh viên nào của tôi sử dụng chúng. Thậm chí họ còn nói rằng, họ luôn cố gắng tránh xa cần sa. Và đây cũng là một trong những nơi có luật sử dụng súng nghiêm ngặt nhất hành tinh, khủng bố thì hầu như không tồn tại còn tội phạm liên quan đến bạo lực rất hiếm.
Dù luật giới nghiêm ở Việt Nam đã được dỡ bỏ, vào tầm 22h đường phố Hà Nội gần như vắng vẻ. Điều này một phần có được là do thói quen của người Việt, khi có nhiều người bắt đầu công việc của ngày mới từ lúc 4h.
Có một điều nổi bật nhất ở Việt Nam so với Mỹ, chính là trẻ em. Tại đây, bạn có thể nhìn thấy chúng ở mọi nơi. Chúng tự đi học, tự chơi ngoài trời với nhau ngay cả khi trời tối. Điều này giống với nước Mỹ của những ngày đã xa.
Hàng xóm ở đây cũng rất tốt bụng. Họ đối xử hào phóng với người nước ngoài. Khi tôi đến Hà Nội một tuần và thẻ của mình bị khóa vì một vài lý do, người lái xe taxi tên Tuấn đã cho tôi mượn tiền. Đến khi ngân hàng mở lại thẻ cho tôi, tôi mới có tiền trả lại cho anh ấy. Anh ấy còn sẵn sàng cho tôi ngủ nhờ tại nhà bố mẹ anh ấy nếu cần.
Cũng giống như thế hệ cha ông của tôi, người Việt luôn cố gắng hết mình để vượt qua khó khăn. Trong khi người Việt Nam nhìn vào người Mỹ chúng tôi, ngưỡng mộ sự giàu có và hệ thống giáo dục của chúng tôi thì chúng tôi cũng ngưỡng mộ các bạn. Người Việt Nam luôn tràn đầy hy vọng, sự kiên cường và rất biết quan tâm đến người khác. Đó là những phẩm chất chúng ta nên học hỏi.
Theo Caller Times