Gần hai tuần sau khi thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh bị ám sát tại Tehran, Israel, Mỹ và Trung Đông đang thấp thỏm chờ đợi phản ứng quân sự từ Iran, trong khi Tehran dường như vẫn cân nhắc về mức độ và cách thức thực hiện đòn tấn công của mình.
Haniyeh thiệt mạng hôm 31/7 trong vụ nổ tại một nhà khách ở Tehran khi ông tới tham dự lễ nhậm chức của Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian. Israel không xác nhận cũng không phủ nhận liên quan tới vụ ám sát, nhưng các nguồn tin giấu tên cho hay Tel Aviv đã nói với giới chức Mỹ rằng họ chịu trách nhiệm cho sự việc.
Về mặt công khai, giới chức Iran vẫn tiếp tục cảnh báo về đòn trả đũa mạnh mẽ để "trừng phạt" Israel. Nhưng trong những cuộc họp riêng với lãnh đạo các lực lượng dân quân trong "Trục Kháng chiến", giới chức Iran vẫn kêu gọi họ thận trọng, tìm cách cân bằng, hạn chế mọi động thái phô trương sức mạnh nhằm tránh khiến xung đột toàn diện bùng phát trong khu vực, theo các nguồn tin am hiểu vấn đề.
Nhưng để đạt được trạng thái cân bằng đó không phải điều dễ dàng và đây dường như cũng là nguyên nhân chính khiến Iran trì hoãn đòn đáp trả. Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby ngày 12/8 cho hay Mỹ và Israel đều dự báo đòn tấn công sẽ diễn ra trong tuần này, gần ba tuần sau vụ ám sát Haniyeh.
Iran hồi tháng 4 phóng hơn 300 máy bay không người lái (UAV) và tên lửa để trả đũa việc Israel tập kích tòa lãnh sự nước này ở Syria. Đây là cuộc tấn công trực tiếp đầu tiên của Iran nhằm vào lãnh thổ Israel sau nhiều năm và nó đã xóa bỏ ranh giới mong manh vốn kìm hãm cuộc chiến ngầm giữa hai quốc gia từ lâu.
Hai bên lúc đó tránh được nguy cơ xung đột lan rộng khi Israel và liên minh do Mỹ hậu thuẫn đánh chặn được hầu hết tên lửa và UAV Iran. Hiện tại, nền chính trị Iran chưa ổn định khi Tổng thống vừa nhậm chức và họ cũng không biết chắc liệu mức độ kiềm chế cũng như cách Israel phản ứng sẽ như thế nào.
"Iran và các đồng minh của họ đang hành động thận trọng", một nguồn tin Lebanon có quan hệ gần gũi với lực lượng Hezbollah cho hay.
Một thành viên quốc hội Iraq có quan hệ mật thiết với lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn tại nước này cũng đưa ra thông điệp tương tự. "Chúng tôi đã được Iran thông báo rằng đó sẽ là một phản ứng hạn chế vì họ không muốn mở rộng xung đột", ông nói.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaan tuyên bố "cần phải trừng phạt Israel", lặp lại bình luận của các quan chức cấp cao khác, nhưng đồng thời lưu ý "Tehran không muốn leo thang xung đột khu vực".
Trong các cuộc họp gần đây, Iran đã bày tỏ lo ngại về nguy cơ họ sập "bẫy xung đột" nếu tung đòn tập kích quy mô lớn vào Israel. Tel Aviv có thể lấy lý do xung đột toàn diện làm cái cớ để tấn công chương trình hạt nhân nước này, và về cơ bản vô hiệu hóa năng lực răn đe hạt nhân của Tehran. Israel cũng đã nhiều lần công khai tuyên bố sẽ tập kích cơ sở hạt nhân Iran nếu xung đột nổ ra.
Nguy cơ Iran 'sập bẫy' nếu tấn công Israel
Aliasghar Shafieian, cố vấn truyền thông cho Tổng thống Pezeshkian, cho rằng hành động trả đũa của Tehran sẽ không giống đòn tấn công kéo dài hàng giờ giống như hồi tháng 4. Theo ông, vụ sát hại Haniyeh "là một nhiệm vụ dựa trên hoạt động tình báo" và "phản ứng từ Iran sẽ có bản chất và mức độ tương tự".
Theo Sanam Vakil, nhà phân tích về Trung Đông tại Chatham House, tổ chức nghiên cứu có trụ sở ở London, Anh, nội các của tân Tổng thống Iran, trong đó có vị trí ngoại trưởng, vẫn chưa được hoàn thiện, điều này có thể làm chậm các cuộc thảo luận nội bộ về phương án đáp trả Israel.
Vakil cho biết Tổng thống Pezeshkian, người được coi là một nhà cải cách, có thể đang muốn cố gắng cân bằng nhu cầu thể hiện sức mạnh với lợi ích lớn hơn của chính phủ ông trong việc giảm bớt tác động từ các lệnh trừng phạt kinh tế và ngăn Iran tiếp tục bị cô lập trên trường quốc tế.
Một cuộc xung đột khu vực sẽ khiến Iran lâm vào tình thế bị cô lập hơn nữa và làm trầm trọng thêm khủng hoảng kinh tế tại nước này. 10 tháng qua, giá trị của đồng nội tệ Iran đã nhiều lần chạm mức thấp kỷ lục.
"Họ phải cân nhắc phản ứng cẩn thận để không đóng sập cánh cửa đàm phán với phương Tây giúp nới lỏng lệnh trừng phạt", Vakil nhận định.
Theo Ali Vaez, giám đốc dự án Iran tại tổ chức nghiên cứu độc lập Crisis Group, phản ứng quân sự mang tính biểu tượng khó có thể ngăn Israel tiến hành những cuộc tấn công tiếp theo. Vì thế, Iran chỉ còn lại lựa chọn về một hành động thực chất, nhưng điều này cũng tiềm ẩn nguy cơ gây ra phản ứng lớn hơn từ phía Tel Aviv và Tehran sẽ khó lòng kiểm soát đà leo thang có thể xảy ra sau đó.
"Israel đã chiếu tướng Iran trong tình huống này vì họ không còn lựa chọn nào tốt nữa", Vaez nói.
Abbas Ibrahim, cựu giám đốc tình báo Lebanon, đánh giá những động thái cứng rắn của Israel gần đây cho thấy Tel Aviv "không muốn dừng xung đột" và "họ đang muốn kéo Mỹ vào cuộc khủng hoảng".
Mỹ đến nay vẫn giữ im lặng về cách họ sẽ phản ứng với đòn tấn công của Iran vào Israel. Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cho biết hồi cuối tuần rằng ông đã ra lệnh điều tàu ngầm mang tên lửa dẫn đường USS Georgia đến Trung Đông và yêu cầu nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln đẩy nhanh hành trình tới khu vực.
Hôm 12/8, sau khi Tổng thống Joe Biden thảo luận với các lãnh đạo châu Âu về tình hình Trung Đông, Nhà Trắng đã ra tuyên bố chung kêu gọi Iran "dừng các mối đe dọa tấn công quân sự nhằm vào Israel".
Shafieian, cố vấn truyền thông cho Tổng thống Iran, nhấn mạnh Tehran sẽ phản ứng khi đã dành thời gian để "suy ngẫm và tĩnh tâm". Ông thừa nhận vụ sát hại Haniyeh là một "thách thức lớn" với Tổng thống Pezeshkian nhưng cho biết chính phủ hoàn toàn có khả năng "quản lý tình hình".
"Có lẽ 40 năm trước, một số hành động của Iran xuất phát từ cảm xúc và cơn phấn khích", ông nói. "Bây giờ chúng tôi sẽ phản ứng chín chắn hơn".
Vũ Hoàng (Theo WSJ, Washington Post, Reuters, AFP)