Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 1/8 cho hay nước này đang trong tình trạng cảnh giác cao độ, sẵn sàng cho mọi kịch bản cả phòng thủ và tấn công. "Hành động hung hăng chống lại chúng tôi đều sẽ phải trả cái giá rất đắt. Ai tấn công chúng tôi, chúng tôi sẽ tấn công đáp trả", ông tuyên bố.
Thông điệp này cho thấy Israel đang chờ đợi đòn tấn công từ Iran cùng các đồng minh, sau vụ không kích hạ sát một chỉ huy cấp cao Hezbollah ở thủ đô Beirut, Lebanon và vụ ám sát thủ lĩnh chính trị Hamas Ismail Haniyeh tại Tehran.
Israel mới nhận trách nhiệm về vụ không kích vào Beirut, nhưng chưa bình luận về cuộc tấn công ở Tehran. Thủ tướng Netanyahu dường như tin rằng cuộc tấn công sẽ gửi thông điệp răn đe đến các đối thủ của Israel, đồng thời đoàn kết người dân đất nước sau nhiều tháng hỗn loạn chính trị.
Nhưng theo giới chuyên gia, đây là canh bạc với độ rủi ro cực cao, có nguy cơ thổi bùng chiến tranh tổng lực ở Trung Đông, kịch bản vốn đã gây lo ngại trên khắp toàn cầu kể từ sau khi chiến sự Israel - Hamas nổ ra hồi tháng 10 năm ngoái.
Vụ sát hại thủ lĩnh Hamas Haniyeh diễn ra ngay sau khi ông tham dự lễ tuyên thệ nhậm chức của tân Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian, đưa mức độ nguy hiểm lên một tầm cao mới, khi Tehran coi cuộc tấn công không khác gì hành động làm bẽ mặt nước này.
Trung Đông, vốn đã bao trùm bởi lo âu suốt nhiều tháng, đang hồi hộp chờ đợi phản ứng từ Hezbollah, Iran, và "Trục Kháng chiến" do Iran hậu thuẫn nhằm vào Israel.
Nhiều người cho rằng Israel và Hezbollah đều đã chuẩn bị cho một cuộc xung đột toàn diện kể từ năm 2006, khi họ bị cuốn vào giao tranh kéo dài 34 ngày. Lúc bấy giờ, Hezbollah đã khiến quân đội Israel hứng chịu nhiều tổn thất khi tiến vào lãnh thổ Lebanon. Giới chức Israel lần này tuyên bố rõ ràng rằng họ sẽ hành động mạnh mẽ và sâu rộng hơn, không chỉ nhắm vào các thành trì của Hezbollah.
Theo bình luận viên Andrew England của Financial Times, kịch bản chiến tranh tổng lực nổ ra sẽ là thảm họa đối với Lebanon, quốc gia đang sa lầy trong tình trạng bất ổn về kinh tế, chính trị và có nguy cơ sụp đổ hoàn toàn nếu bị Israel tấn công. Nhưng hậu quả đối với Israel cũng sẽ rất lớn. Hezbollah được coi là nhóm vũ trang hùng hậu bậc nhất Trung Đông, sở hữu nhiều vũ khí hiện đại và sẽ là lực lượng đáng gờm hơn nhiều so với Hamas ở Gaza.
Giới chức Iran cũng như Hezbollah đều tuyên bố rằng họ sẽ hỗ trợ nhau bằng mọi cách nếu chiến tranh toàn diện nổ ra với Israel. Khi đó, Iran có thể tấn công trực tiếp hoặc huy động các lực lượng trong Trục Kháng chiến, từ Houthi ở Yemen đến dân quân Shiite ở Iraq và Syria, nhắm mục tiêu vào Israel.
Những lực lượng này có thể tạo ra một "vành đai lửa" bao quanh Israel. Các cuộc tấn công hiệp đồng dồn dập bằng tên lửa, rocket và máy bay không người lái (UAV) từ các đối thủ có nguy cơ áp đảo hệ thống phòng không của Israel. Tuần trước, UAV của Houthi đã tập kích Tel Aviv, khiến một người thiệt mạng.
Mỹ, quốc gia đã cam kết "bảo vệ vững chắc" cho Israel, cũng sẽ đối mặt nguy cơ bị kéo sâu hơn vào xung đột khi lực lượng của họ ở Iraq và Syria có khả năng trở thành mục tiêu tấn công của các nhóm dân quân thân Iran.
Các tuyến vận tải hàng hải quốc tế, vốn đang căng mình chống đỡ trước những cuộc tấn công của Houthi ở Biển Đỏ, có thể phải đối mặt nhiều mối đe dọa hơn, theo giới phân tích. Các quốc gia Arab đang bày tỏ lo ngại về những tác động lan tỏa tiềm tàng của cuộc xung đột đối với kinh tế khu vực và toàn cầu.
Các quốc gia mới chỉ bắt đầu lấy lại đà tăng trưởng sau gần 4 năm kinh tế hứng chịu hàng loạt cú sốc, từ đại dịch Covid-19 đến chiến sự Ukraine - Nga. Lạm phát đã giảm bớt, giá dầu bắt đầu ổn định trở lại và nguy cơ suy thoái đã được hạn chế đáng kể.
Nhưng trước kịch bản xung đột bùng phát ở Trung Đông, một số tổ chức tài chính quốc tế hàng đầu và các nhà đầu tư tư nhân cảnh báo đà phục hồi mong manh này hoàn toàn có thể chuyển biến theo chiều hướng xấu.
Các nhà sản xuất dầu mỏ Trung Đông không còn thống trị thị trường như những năm 1970, khi các quốc gia Arab cắt giảm mạnh sản lượng và áp đặt lệnh cấm vận đối với Mỹ và một số quốc gia khác nhằm phản ứng trước việc liên minh do Ai Cập và Syria dẫn đầu tấn công Israel. Mỹ hiện là nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới.
Dù vậy, Jason Bordoff, giám đốc Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu tại Đại học Columbia, Mỹ, đánh giá tình hình hiện nay ở Trung Đông vẫn "cực kỳ bất ổn, không chắc chắn và đáng sợ".
Tất cả các bên, từ Mỹ, châu Âu đến các quốc gia Vùng Vịnh, đều cho rằng không có bất kỳ bên nào được hưởng lợi nếu xung đột lan rộng vượt khỏi tầm kiểm soát.
Điều khiến các nhà kinh tế lo lắng hơn cả vào lúc này là giá dầu. Tình trạng sụt giảm đáng kể và kéo dài trong nguồn cung dầu thế giới, bất kể vì lý do gì, có thể làm chậm đà tăng trưởng cũng như làm gia tăng lạm phát toàn cầu.
"Hậu quả kinh tế toàn cầu từ kịch bản này là đặc biệt nghiêm trọng", Gregory Daco, nhà kinh tế trưởng tại công ty tư vấn quản lý EY-Parthenon, cho hay, cảnh báo về nguy cơ diễn ra một cuộc suy thoái kinh tế nhẹ khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại hai nghìn tỷ USD vì những bất ổn ở Trung Đông.
Theo bình luận viên Andrew của Financial Times, những nỗ lực do Washington dẫn đầu nhằm chấm dứt giao tranh ở Gaza đã thất bại, khi Mỹ không thể gây sức ép buộc đồng minh Israel đạt thỏa thuận ngừng bắn.
Triển vọng đàm phán giờ đây trở nên mong manh hơn bao giờ hết sau cái chết của Haniyeh, gương mặt chủ chốt đại diện cho Hamas đối thoại với các nhà hòa giải. Thay vì ngồi vào bàn đàm phán, các bên liên quan đều đang phải tích cực chuẩn bị cho những đòn "ăn miếng trả miếng" bằng biện pháp quân sự, điều có thể dễ dàng đẩy khu vực vào vòng xoáy bạo lực không thể kiểm soát.
"Đây là cơn ác mộng mà các cường quốc Trung Đông đã cảnh báo trong suốt thời gian diễn ra cuộc xung đột ở Gaza", Andrew nói. "Thay vì đàm phán một giải pháp hòa bình, Mỹ và khu vực hiện phải vật lộn với việc xử lý một cuộc khủng hoảng đang ngày càng trở nên phức tạp và chết chóc hơn".
Vũ Hoàng (Theo Financial Times, AFP, Reuters)