Gần hai tuần sau vụ thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh bị ám sát ở Tehran, các lực lượng Iran chưa tiến hành đòn tấn công đáp trả nhắm vào Israel như những gì họ tuyên bố. Tình báo Mỹ và Israel tuần trước nhận định Iran đã thay đổi kế hoạch và không tiến hành đòn tập kích quy mô lớn vào Israel dưới sức ép ngoại giao của cộng đồng quốc tế.
Tuy nhiên, tình hình thay đổi khi truyền thông Israel ngày 11/8 dẫn các nguồn tin từ tình báo nước này cho hay Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) dường như đã thắng thế trong cuộc tranh cãi nội bộ với Tổng thống theo đường lối ôn hòa Masoud Pezeshkian và Iran đã quyết định tập kích trực tiếp vào Israel để trả thù cho ông Haniyeh.
Chiến dịch này có thể diễn ra trong vài ngày tới, thậm chí trước cuộc đàm phán về thỏa thuận ngừng bắn mới cho Dải Gaza vào ngày 15/8 do Mỹ, Ai Cập và Qatar làm trung gian, theo hai nguồn tin. IRGC ủng hộ phương án đáp trả trực tiếp vào lãnh thổ Israel bằng đòn tập kích quyết liệt hơn so với vụ tấn công hồi tháng 4.
Iran hồi tháng 4 phóng hàng trăm tên lửa và máy bay không người lái (UAV) vào lãnh thổ Israel, sau khi Tel Aviv tập kích lãnh sự quán nước này ở Damacus, Syria. Đòn tấn công đó được cho là rất kiềm chế, được thông báo trước để Israel và đồng minh có thể đánh chặn phần lớn, số quả đạn còn lại cũng rơi xuống một căn cứ trên sa mạc và không gây thương vong.
Iran từng kỳ vọng đòn tấn công trực diện như vậy sẽ tạo ra hiệu ứng răn đe với Israel mà không gây chiến tranh tổng lực có thể nhấn chìm toàn bộ khu vực Trung Đông. Nhưng những vụ ám sát liên tiếp nhắm vào chỉ huy số hai của Hezbollah ở Lebanon hay thủ lĩnh Hamas cho thấy kỳ vọng này đã không trở thành sự thật.
Trong dấu hiệu đáng lo ngại về nguy cơ xung đột bùng phát, truyền hình nhà nước Iran tuần trước phát sóng những cuộc phỏng vấn với người dân, trong đó nhiều người kêu gọi tấn công Israel và thậm chí đề xuất tấn công trực diện vào thủ đô Tel Aviv hoặc "biến Haifa thành đống đổ nát".
Sau nhiều thập kỷ chỉ đe dọa phá hủy Israel, Iran dường như đã sẵn sàng hơn với ý tưởng tấn công trực diện vào đối thủ nhằm ngăn Tel Aviv thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực, theo Mostafa Najafi, chuyên gia ở Tehran. Chuyên gia này thêm rằng Tehran thậm chí đã sẵn sàng cho "cuộc chiến tranh toàn diện trong khu vực".
"Đòn tấn công hồi tháng 4 đã được điều chỉnh để không gây thương vong, song cuộc tấn công sắp tới có thể quyết đoán và đau đớn hơn", Najafi nói.
Tuy nhiên, không phải tất cả giới cầm quyền Iran đều muốn kịch bản này xảy ra. Tranh cãi nội bộ giữa Tổng thống Pezeshkian, người mới nhậm chức hồi cuối tháng 7, với IRGC, lực lượng vũ trang đầy quyền lực của Iran, chứng minh cho điều này.
Trong những ngày qua, một số người đã kêu gọi phản ứng thận trọng đối với vụ ám sát Haniyeh. Họ lo ngại một cuộc chiến tranh toàn diện sẽ chỉ mang lại lợi ích cho đối thủ và có thể là "cái bẫy" mà Thủ tướng Israel Benjamin Netanyhu đang dẫn dụ Tehran sa vào.
Những người này cho rằng Israel muốn ngăn chính phủ mới của Tổng thống Pezeshkian cải thiện quan hệ giữa Iran với các cường quốc trong khu vực và phương Tây. Họ thúc giục Iran nên làm mọi cách để ngăn xung đột lan rộng ở khu vực.
Hossein Marashi, cựu phó tổng thống Iran, cho rằng Tehran phải làm việc cùng các nước ở Trung Đông, châu Âu và Mỹ để tìm cách tránh sa vào xung đột không hồi kết với Israel. Marashi thêm rằng Iran có thể đáp trả bằng biện pháp quân sự, song cần tính toán quy mô và mức độ để "không sa vào bẫy do Israel đặt ra và không khiến chiến tranh lan rộng, bởi đó là điều ông Netanyahu muốn".
Hamidreza Dehghani, cựu đại sứ Iran tại Qatar, nhận định Thủ tướng Israel Netanyahu muốn kéo dài cuộc chiến ở Gaza, làm suy yếu chính phủ mới của Iran. Ông cảnh báo nếu Iran phản ứng "thiếu thận trọng", những gì xảy ra tiếp theo sẽ chỉ giúp ông Netanyahu đạt được mục tiêu.
Mohammad Sadr, cựu thứ trưởng ngoại giao và hiện là thành viên Hội đồng Khẩn cấp Iran, đồng tình với quan điểm này. Ông cho rằng để tránh sa vào "cái bẫy của Israel", Iran không nên "hành động vội vàng".
Ghassan Charbel, tổng biên tập Asharq Al-Awsat, báo bằng tiếng Arab hàng đầu có trụ sở ở London, Anh, nhận định Thủ tướng Netanyahu luôn lo sợ về kịch bản chiến tranh kết thúc.
"Khi các cuộc xung đột lắng xuống, ông ấy sẽ phải đối mặt với các ủy ban điều tra và một số câu hỏi về trách nhiệm giải trình hay các cáo buộc tham nhũng. Đối với ông ấy, kéo dài cuộc chiến là vấn đề sống còn", Charbel viết.
Ủy ban Israel điều tra cáo buộc tham nhũng trong thương vụ mua tàu ngầm của nước này hồi tháng 6 đã gửi thư cảnh báo cho 5 cá nhân liên quan, trong đó có Thủ tướng Netanyahu, cho phép họ nộp thêm bằng chứng và lời khai.
Ủy ban, được thành lập dưới thời cựu thủ tướng Naftali Bennett năm 2022, đã dành hơn 2 năm để điều tra những hành vi sai trái liên quan thương vụ trị giá khoảng 2 tỷ USD mua tàu ngầm từ công ty Đức Thyssenkrupp trong loạt thỏa thuận dưới thời chính phủ tiền nhiệm.
Ủy ban cho biết trong nhiệm kỳ thủ tướng 2009-2016, ông Netanayhu đưa ra các quyết định "quan trọng với an ninh" mà không thực hiện theo đúng quy trình, bỏ qua tham vấn chính phủ để đạt được thỏa thuận với Đức về loạt vấn đề chính trị, an ninh và kinh tế. Họ cũng cho biết ông thúc đẩy mua tàu ngầm dựa trên "những giả định vô căn cứ".
Ông Netanyahu phủ nhận cáo buộc, nói rằng lý do duy nhất để thúc đẩy thương vụ là để bảo vệ Israel chống lại mối đe dọa hạt nhân Iran và đảm bảo khả năng phản công cho nước này.
Hồi đầu năm, một ủy ban điều tra nhà nước cũng cáo buộc ở Netanyahu là một trong những quan chức phải chịu trách nhiệm cho thảm họa giẫm đạp Meron năm 2021 khiến 45 người thiệt mạng và khoảng 150 người bị thương khi hành hương đến lăng mộ giáo sĩ Shimon Bar Yochai.
Ủy ban không đề xuất biện pháp trừng phạt với ông Netanyahu, song cho rằng Thủ tướng phải là người chịu trách nhiệm vì biết rõ khu lăng mộ là nơi nguy hiểm đối với người hành hương.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant tháng trước kêu gọi thành lập ủy ban quốc gia điều tra quân đội, chính phủ, trong đó có Thủ tướng Netanyahu, về những sai lầm của Israel khi bị Hamas tập kích. Giới quan sát cho rằng kéo dài cuộc chiến sẽ là cách giúp ông tạm thời tránh những rắc rối này.
Một số nhà quan sát nhận định Thủ tướng Israel đã đợi tới khi Hamas bị suy yếu ở Gaza trước khi chuyển sang thách thức các mối đe dọa từ Beirut và Tehran. Ông Netanyahu thừa nhận các vụ hạ sát chỉ huy, thủ lĩnh cấp cao sẽ khiến đối phương không còn lựa chọn nào khác ngoài trả đũa.
Thủ tướng Netanyahu ngày 1/8 cho hay nước này đang trong tình trạng cảnh giác cao độ, sẵn sàng cho mọi kịch bản cả phòng thủ và tấn công. "Hành động hung hăng chống lại chúng tôi đều sẽ phải trả cái giá rất đắt. Ai tấn công chúng tôi, chúng tôi sẽ tấn công đáp trả", ông tuyên bố. Các nhà phân tích cho rằng thông điệp này chứng tỏ Israel đang chờ đợi đòn tấn công từ Iran cùng các đồng minh.
Sau đó, ông Netanyahu thông báo về vụ hạ sát Mohammed al-Deif, chỉ huy cấp cao nhất trong Lữ đoàn al-Qassam, cánh vũ trang của Hamas. "Ông ấy có lẽ muốn giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến sẽ là đối đầu với Iran và đồng minh của họ, thay vì người Palestine ở Gaza và Bờ Tây", Charbel cho hay.
Mỹ, đồng minh thân cận nhất của Israel, cũng bày tỏ nỗi bất bình với chính sách của Thủ tướng Netanyahu, đặc biệt là khi các vụ ám sát diễn ra chỉ vài ngày sau khi lãnh đạo hai nước gặp nhau ở Nhà Trắng, thảo luận về việc đi đến thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza.
"Tôi nghĩ chính quyền Biden đang thất vọng vì những gì họ coi là các hành động đơn phương từ Israel không tính đến đầy đủ lợi ích của Mỹ", David Schenker, cựu quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách Trung Đông dưới thời chính quyền Donald Trump, nhận xét.
Ejaz Haider, nhà phân tích tại Viện Chính sách Phát triển Bền vững ở Pakistan, cho hay ngay từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Dải Gaza, ông Netanyahu đã cho thấy không có ý định tìm kiếm hòa bình.
"Ông ấy liên tục nói về hai mục tiêu của cuộc chiến, gồm xóa sổ Hamas và đưa những người bị bắt làm con tin trở về nhà. Song thực tế cho thấy điều ông ấy theo đuổi là tiêu diệt Hamas và kéo dài cuộc chiến", Haider nhận định.
Một số người cho rằng ông Netanyahu đã kết luận sau chuyến thăm Mỹ rằng Washington sẽ không thể từ bỏ việc bảo vệ Tel Aviv bất chấp những lời chỉ trích của Tổng thống Joe Biden và Phó tổng thống Kamala Harris.
Trong bài phát biểu trước quốc hội Mỹ, ông Netanyahu cũng nói rõ rằng Iran đang ở đỉnh cao của "Trục Kháng chiến", liên minh không chính thức do Iran dẫn dắt nhằm đối đầu Mỹ và Israel trong khu vực. Ông tuyên bố cần phải "vô hiệu hóa" năng lực đó của Iran.
Noa Landau, nhà phân tích tại Haaretz, nhật báo hàng đầu Israel, cho rằng chuyến thăm của ông Netanyahu đến Mỹ chỉ là động thái dọn đường để tiếp tục cuộc chiến ở Trung Đông.
"Ngay cả khi phát biểu trước quốc hội Mỹ, Thủ tướng Netanyahu không bao giờ muốn thúc đẩy giải pháp ngoại giao để đưa con tin Israel về nhà và chấm dứt giao tranh, đau khổ. Những gì ông ấy muốn là lôi kéo sự ủng hộ của dư luận Mỹ để kéo dài cuộc chiến", Landau nhận định.
Sau đòn tấn công trực diện vào Israel hồi tháng 4, Iran một lần nữa đang đối mặt với "bẫy cam kết". Nếu không đáp trả, Tehran sẽ mất mặt. Nhưng nếu đáp trả quy mô lớn, nước này có thể bị đổ lỗi phát động cuộc chiến lớn và leo thang, theo các nhà phân tích.
Giới quan sát tin rằng ông Netanyahu đã chuẩn bị cho cuộc chiến tranh với Iran từ lâu nhằm làm suy yếu khả năng của Tehran.
"Dù chưa rõ Iran sẽ phản ứng như thế nào, ông Netanyahu dường như chấp nhận rủi ro và sẵn sàng tất tay", Ejaz Haider cảnh báo.
Thùy Lâm (Theo Atlantic, Asharq Al-Awsat, TOI)