Iran nổi lên như một trong những bên có tiếng nói gay gắt nhất chống lại chiến dịch tấn công trên bộ của Israel ở Dải Gaza, cáo buộc Tel Aviv "phạm tội ác chiến tranh" khi khiến gần 15.000 người ở vùng đất này thiệt mạng. Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei ngày 19/11 thậm chí kêu gọi các quốc gia Hồi giáo cắt quan hệ và ngừng giao thương với Israel.
Xung đột Gaza đã châm ngòi cuộc tranh luận về lý do giới lãnh đạo Iran luôn thể hiện thái độ thù địch với Israel, quốc gia mà họ tuyên bố là "không đội trời chung". Một số chuyên gia, quan chức Mỹ đưa ra giả thuyết rằng Iran muốn phá vỡ nỗ lực bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Arab Saudi, nên đã hỗ trợ Hamas tiến hành cuộc đột kích để làm dấy lên làn sóng phẫn nộ trong thế giới Arab.
Tuy nhiên, Reuel Marc Gerecht, nhà nghiên cứu tại Quỹ Bảo vệ Nền dân chủ tại Washington, và Ray Takeyh, nhà nghiên cứu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở New York, cho rằng quan điểm này đã không tính đến quan điểm chống Do Thái được giới lãnh đạo Iran thể hiện trong hàng chục năm qua.
Các giáo sĩ Iran luôn coi Israel là "quốc gia bất hợp pháp", được thành lập dựa trên nỗ lực chiếm đoạt các vùng đất linh thiêng của người Hồi giáo. Họ gọi Israel là "nhà nước định cư - thực dân", cũng như tin rằng người Do Thái đã thao túng chính sách của Mỹ ở Trung Đông. Do đó, trong quan điểm của Tehran, người Hồi giáo có nghĩa vụ chống lại Israel và người Do Thái toàn cầu.
Lãnh tụ tối cao Ruhollah Khomeini chính là người đã đặt ra hệ tư tưởng này cho người Hồi giáo Iran. Trong cuốn sách Chính quyền Hồi giáo, ông viết rằng "ngay từ đầu, phong trào đấu tranh lịch sử của Hồi giáo đã phải đấu tranh với người Do Thái, vì chính họ là những người đầu tiên tuyên truyền chống Hồi giáo". Ông mô tả dân Do Thái là những người bóp méo kinh Koran, những kẻ đầu cơ tài chính và là đặc vụ của phương Tây.
Quan điểm bài Do Thái của ông Khomeini đã được cựu tổng thống Akbar Hashemi Rafsanjani và lãnh tụ tối cao hiện tại Ali Khamenei tiếp nối. Ông Rafsanjani đã xuất bản cuốn sách Israel và Jerusalem yêu dấu, tuyên bố chống nhà nước Do Thái là nghĩa vụ thiêng liêng của "mỗi người Hồi giáo và bất cứ ai tin vào Thượng đế".
Theo Gerecht và Takeyh, Iran đã tạo ra cỗ máy tuyên truyền thù địch với Israel trong suốt 4 thập kỷ qua. Các hãng thông tấn quốc gia Iran thường xuyên đăng tải cuốn sách có tên Mật thư của các trưởng lão Zion (theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái) và các bài báo bài Do Thái khác. Đài truyền hình Iran cũng chiếu nhiều phim tài liệu bài Do Thái.
Giới lãnh đạo Iran, gồm cả ông Khamenei, thường xuyên gặp những người phương Tây bác bỏ cuộc thảm sát người Do Thái (Holocaust) tại các hội nghị được nước này hậu thuẫn ở Tehran. Cuộc thi vẽ tranh biếm họa Holocaust do ông Khamenei phát động năm 2006 đã trao giải cho các tác phẩm bài Do Thái.
Lập trường của Iran về tiến trình hòa bình Trung Đông luôn cực đoan hơn hầu hết nước Arab tại khu vực. Tehran đã hậu thuẫn và trang bị vũ khí cho các nhóm vũ trang như Hamas ở Gaza, Islamic Jihad ở Bờ Tây và Hezbollah ở Lebanon.
Ông Khamenei, người thường xuyên nói về Israel như "khối u cần cắt bỏ" của thế giới Hồi giáo, nhấn mạnh rằng Tel Aviv "đã phải chịu thất bại không thể khắc phục cả về quân sự và tình báo", đề cập tới cuộc tấn công của Hamas ngày 7/10.
Shireen Hunter, thành viên danh dự tại Trung tâm Kiến thức về Hồi giáo và Kito giáo tại Đại học Georgetown ở Mỹ, nói rằng trong thế giới quan của Iran, Israel được xem là tiền đồn thuộc địa của phương Tây và chủ nghĩa phục quốc Do Thái là phiên bản của chủ nghĩa đế quốc.
Trước Cách mạng Hồi giáo, Iran từng có quan hệ khá gần gũi với Israel. Đây là quốc gia có đa số dân theo Hồi giáo thứ hai công nhận Israel vào năm 1950, sau Thổ Nhĩ Kỳ. Trong giai đoạn này, Tehran và Tel Aviv trở nên thân thiết dựa trên hợp tác chặt chẽ về các vấn đề quân sự, công nghệ, nông nghiệp và dầu khí. Iran khi đó coi Israel là cánh cửa để nhận được sự ủng hộ và tài trợ lớn của Mỹ.
Giữa những năm 1970, Iran không còn được xem là lực lượng đại diện cho lợi ích của Mỹ ở Trung Đông. Với doanh thu từ dầu mỏ tăng, lãnh đạo Iran khi đó là vua Mohammad Reza Pahlavi đã áp dụng chính sách độc lập và chủ động hơn về các vấn đề khu vực và tăng cường quan hệ với những nước Arab.
Năm 1975, vua Pahlavi ký thỏa thuận với Iraq, trong đó Baghdad nhất trí giải quyết tranh chấp tuyến đường thủy Shatt al-Arab theo hướng có lợi cho Iran để đối lấy việc Tehran ngừng hỗ trợ người Kurd chống chính phủ Iraq.
Israel, khi đó ủng hộ người Kurd ở Iraq, cảm thấy bị phản bội vì hành động này, mất niềm tin vào vua Pahlavi và không còn xem Iran như đồng minh. Israel xem cách tiếp cận mang tính hòa giải hơn của Iran đối với các phần tử cực đoan Arab có thể làm thay đổi cán cân quyền lực chống Israel. Tel Aviv luôn muốn giữa duy trì căng thẳng giữa Iran và các nước Arab để hai bên tự kiềm chế lẫn nhau, tránh chĩa mũi dùi vào Israel.
Ngoài ra, vào giữa những năm 1970, vua Pahlavi còn muốn sở hữu năng lực hạt nhân dân sự để có thể chấm dứt sự độc quyền vũ khí hạt nhân của Israel ở Trung Đông. Với nền kinh tế sôi động và năng lực quân sự lớn, Iran lúc đó nổi lên như đối tác thương mại và an ninh quan trọng của Mỹ ở Vịnh Ba Tư, đồng thời là đối thủ tiềm năng của Israel.
Tuy nhiên, nhiều người xem nỗi bất bình của Mỹ đối với vua Pahlavi về việc ủng hộ tăng giá dầu sau chiến tranh Arab - Israel năm 1973 là do Tel Aviv giật dây.
Giá trị của Iran đối với Israel và Mỹ giảm sau Cách mạng Hồi giáo năm 1979. Tuy nhiên, Tel Aviv đã thuyết phục chính quyền tổng thống Mỹ Ronald Reagan khi đó bí mật bán vũ khí cho Iran trong chiến tranh Iran - Iraq vào những năm 1980, coi Baghdad là mối nguy hiểm lớn hơn.
Đến năm 1987, khi cả Iraq và Iran đều suy yếu sau cuộc chiến, Israel đã thay đổi chiến lược, tìm cách xây dựng thỏa thuận hòa bình với Ai Cập, đồng thời duy trì sự cô lập với Iran.
Israel phản đối bất kỳ phản ứng tích cực nào của phương Tây đối với các dấu hiệu ôn hòa của Iran trong các nhiệm kỳ tổng thống Hashemi Rafsanjani, Mohammad Khatami và sau đó là Hassan Rouhani. Quốc gia Do Thái thúc đẩy chiến lược "ngăn chặn kép" Iran và Iraq của Mỹ trong những năm 1990, đồng thời vận động hành lang để Mỹ tăng cường trừng phạt Iran.
Khi Mỹ chuẩn bị triển khai chiến dịch tấn công Iraq năm 2003 với cáo buộc Baghdad sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt, một số lãnh đạo Israel đã tìm cách thuyết phục Nhà Trắng có hành động quân sự tương tự với Iran, cáo buộc Tehran cũng đang tìm cách phát triển vũ khí hạt nhân.
Tel Aviv cũng tham gia cuộc đua giành ảnh hưởng với Iran ở các nước thuộc Liên Xô cũ, đặc biệt là Azerbaijan, và thiết lập liên minh với Baku chống Tehran. Trong khi đó, Iran mở rộng ảnh hưởng ở các quốc gia gần Israel, đặc biệt là Syria.
Israel những năm gần đây thúc đẩy bình thường hóa quan hệ với loạt nước Trung Đông, châu Phi như Bahrain, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Morocco, Sudan và sắp tới đây có thể là Arab Saudi. Điều này có thể khiến Iran cảm thấy cán cân ngoại giao ở Trung Đông đang không nghiêng về phía họ, theo giới quan sát.
Tiến sĩ Ali Bilgic, chuyên gia về quan hệ quốc tế và an ninh tại Đại học Loughborough, Anh, nhận định Iran có thể tận dụng cuộc tấn công của Hamas vào Israel để giành lại "hào quang", qua đó khẳng định vị thế đất nước như "lãnh đạo của thế giới Hồi giáo".
Khi mối quan hệ giữa Israel và Iran liên tục căng thẳng, chuyên gia Shireen Hunter nhận định "một kết quả tích cực để giải quyết tình trạng thù địch giữa hai bên khó có thể sớm xảy ra".
Thanh Tâm (Theo WSJ, Stimson)