Ngày nay, phần lớn du khách không còn xa lạ với cảnh các gia đình cùng lên máy bay và tận hưởng kỳ nghỉ. Nhưng với hoàng gia Anh, đây là điều buộc họ phải cân nhắc kỹ trước khi quyết định.
Truyền thống hoàng gia Anh từng ghi rõ thái tử Charles và hoàng tử William không nên đi chung. Lý do là: nếu máy bay rơi, nền quân chủ của nước này sẽ mất cùng lúc hai người thừa kế ngai vàng. Do vậy, người dân hầu như không bao giờ trông thấy cha con thái tử Anh lên cùng máy bay. Điều này cũng áp dụng với tổng thống và phó tổng thống Mỹ.
Đây không phải là điều luật bắt buộc dù luôn được khuyến khích không nên áp dụng. Khi hoàng tử William lập gia đình và có con, người thừa kế thứ hai của nước Anh vẫn quyết định bay cùng cậu cả George. Trong nhiều chuyến thăm Australia, Canada, Đức, Ba Lan... công tước và nữ công tước xứ Cambridge đã đưa các con đi cùng. Nếu như theo truyền thống, hoàng tử George và cha sẽ không nên ngồi cùng một máy bay, vì họ đều có thể là những vị vua trong tương lai.
Truyền thống này có từ những ngày đầu tiên của ngành du lịch hàng không. Khi đó, máy bay vẫn chưa được coi là phương tiện công cộng an toàn. Với sự phát triển mạnh mẽ của ngành hàng không, nữ hoàng Anh đã dần nới lỏng quy tắc này. Để con trai ngồi chung máy bay với mình trong các chuyến thăm châu Âu, hoàng tử William đã phải xin phép nữ hoàng Elizabeth đệ nhị. Tuy nhiên, việc này sẽ chấm dứt khi hoàng tử George tròn 12 tuổi.
Nữ hoàng Anh dùng chuyên cơ riêng khi di chuyển. Nhưng cháu trai, cháu dâu của bà là vợ chồng hoàng tử William - Kate vẫn thường đi trên các chuyến bay thương mại như Ryannair hay British Airways.
Ngoài ra, các thành viên hoàng gia cũng phải tuân thủ một quy định khác khi đi du lịch hoặc thăm các nước. Trong hành lý, họ phải mang theo một bộ đồ màu đen để phòng trường hợp cần tham gia một đám tang tại nơi mình công du.
Anh Minh (Theo Mirror, Express)