Viettel Money cung cấp đa dạng tiện ích
Triển khai từ đầu tháng 12, Viettel Money là hệ sinh thái thương mại và tài chính số dành riêng cho khách hàng viễn thông của Tập đoàn Viettel. Dịch vụ cung cấp hơn 300 tiện ích được cá nhân hóa, đáp ứng đầy đủ mọi nhu cầu của người dùng từ nạp, rút, chuyển tiền, thanh toán các hóa đơn cho đến đầu tư, bảo hiểm, giải trí, chăm sóc sức khỏe...
Đây được xem là hệ sinh thái thương mại, tài chính số hoàn thiện với nhiều cải tiến mang đến lợi ích cho người dùng. Dịch vụ của Viettel không bắt buộc người dùng liên kết với tài khoản ngân hàng và cũng không cần internet để thực hiện các giao dịch. Trên smartphone hoặc điện thoại "cục gạch", chỉ cần bấm *998# là có thể thực hiện nhiều tiện ích.
Sau một tháng triển khai, Viettel Money bước đầu nhận được phản hồi tích cực từ người dùng.
Ghi nhận tại một điểm giao dịch trên địa bàn huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận, chỉ trong những ngày đầu tháng 12, đã có hơn 100 lượt đăng ký định danh dịch vụ. Anh Nam, đại diện cửa hàng cho biết phần lớn người đến đăng ký là nông dân, nội trợ, người lớn tuổi hay người dùng điện thoại không có kết nối internet, chủ yếu muốn dùng dịch vụ để chuyển, nạp, rút tiền mà không cần đến ngân hàng.
Đặc thù là huyện miền núi, có mật độ dân cư thưa, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, điểm chấp nhận giao dịch Viettel như của anh Nam trước đây chủ yếu chỉ có người đến để nạp tiền điện thoại hay tư vấn các gói cước viễn thông. Do là vùng sâu, vùng xa, nên khả năng làm quen với internet của người dân tại đây không cao, rất khó tiếp cận với ngân hàng số và ví điện tử.
Theo anh Nam, từ khi Viettel Money ra mắt, anh cùng nhân viên đã tích cực giới thiệu dịch vụ cho người đến giao dịch. Trước cửa hàng cũng được đặt những tấm banner lớn thông tin về loạt tiện ích của dịch vụ để thu hút sự quan tâm.
Đại diện điểm giao dịch cho biết: "Cả huyện rất rộng, chủ yếu là đồi núi, nhưng chỉ có một chi nhánh ngân hàng Agribank ở trung tâm khiến bà con rất vất vả khi di chuyển. Nếu được phổ cập rộng rãi hơn, tôi tin Viettel Money thật sự có thể mang đến cuộc sống tiện lợi hơn cho bà con bởi trên địa bàn có rất nhiều điểm hỗ trợ giao dịch như cửa hàng của chúng tôi".
Nhân viên văn phòng, giới trẻ cũng đối tượng đón nhận dịch vụ nhanh nhất. Đa phần người dùng đều nhận định Viettel Money đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng, đặc biệt trong thanh toán các hóa đơn, hay khoản tiền nhỏ.
Trần Ngọc Bảo Trân, nhân viên tổ chức sự kiện tại quận Phú Nhuận cho biết đã dùng Viettel Money gần một tháng nay, chủ yếu để thanh toán hóa đơn điện, nước và trả góp. "Tôi thường xuyên đi công tác hay tổ chức các sự kiện ở vùng sâu, vùng xa, không có đường truyền mạng. Xài mobile money, tôi không cần internet vẫn chuyển được tiền và trả các khoản phí phát sinh nên rất thích. Tôi nghĩ trong tương lai ứng dụng sẽ còn hút thêm nhiều người dùng vì sự tiện lợi".
Nữ nhân viên 26 tuổi cũng cho rằng dịch vụ rất hợp với những người đi làm xa, có cha mẹ già ở quê như. Theo cô, cha mẹ ở quê đã lớn tuổi nên không hiểu về các dịch vụ tài chính hay công nghệ. Họ cũng không thể tự lái xe đi xa đến chi nhánh ngân hàng ở xa để rút tiền. Mỗi lần gửi tiền về quê, cô đều chuyển vào tài khoản người quen và nhờ rút hộ. "Dùng Viettel Money, cha mẹ tôi có thể rút tại cửa hàng Viettel gần nhà, không cần đi xa nữa nên họ rất thích", Trân chia sẻ.
Nhiều bạn trẻ tại các thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội cũng bày tỏ sự quan tâm và bắt đầu tìm hiểu dịch vụ tài chính số của Viettel. Theo họ, có ba yếu tố ở Viettel Money thu hút người dùng. Đầu tiên là cho phép sử dụng các dịch vụ kể cả khi không có internet. Tiếp đến, dịch vụ của Viettel cung cấp rất nhiều tiện ích phù hợp với người dùng trẻ như mua vé xem phim, vé máy bay, tàu xe, thanh toán hóa đơn ăn uống... Cuối cùng, số lượng các điểm chấp nhận giao dịch đang ngày càng được mở rộng giúp trải nghiệm của khách hàng đa dạng hơn.
Viettel Money mở rộng đến nhiều đối tác, khách hàng
Để hiện thực mục tiêu phổ cập Viettel Money đến người dân, Viettel đang không ngừng mở rộng những tiện ích, liên kết với nhiều đối tác nhằm giúp người dùng có thêm nhiều trải nghiệm.
Đơn cử như mới đây, Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) đã liên kết với Viettel Money, cung cấp dịch vụ thanh toán hóa đơn điện cho khách hàng. Theo EVNCPC, việc cung cấp dịch vụ trên ứng dụng Viettel Money sẽ góp phần thay đổi thói quen thanh toán của người dùng, nhất là ở các địa phương vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Đơn vị này đặt mục tiêu đến 2025, trên 95% khách hàng sẽ quen và áp dụng thanh toán không tiền mặt, trong đó có Viettel Money.
Kinh doanh một cửa hàng thời trang tại Phường Linh Tây (TP Thủ Đức, TP HCM) hơn ba năm, chị Hồ Minh Thư gần đây mới bắt đầu áp dụng thanh toán không tiền mặt qua Viettel Money và các kênh khác. Với chị, việc xuất hiện các dịch vụ tài chính số giúp đơn vị kinh doanh giảm nhiều thời gian, công sức kiểm đếm tiền mặt, không còn cảm thấy vật vã với "núi" tiền lẻ lên đến chục triệu đồng mỗi ngày.
Theo chị Thư, điều khó nhất là thay đổi thói quen dùng tiền của khách hàng. Để giải bài toán này, khách đến cửa hàng sẽ được chị giới thiệu thanh toán không tiền mặt qua các ứng dụng, trong đó có Viettel Money. Cửa hàng của chị Thư cũng áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi như tặng kèm phụ kiện, giảm giá 5% khi thanh toán qua Viettel Money.
"Với việc các nền tảng tài chính số ngày càng phát triển, tôi đang có ý định đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử. Tôi nghĩ chừng hai năm nữa cửa hàng có thể chuyển sang thanh toán online 100%", chị Thư khẳng định.
Không chỉ các đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ như của chị Thư, hàng loạt chuỗi cửa hàng lớn, doanh nghiệp có tiếng tại Việt Nam cũng bắt đầu chấp nhận thanh toán qua Viettel Money như CGV, Lotte Cinema, PvOil, Aha... Tới đây, các thương hiệu như Pharmacity, Phúc Long, The Face Shop, FPT Shop, Guardian... cũng sẽ đưa Viettel Money vào danh mục chấp nhận thanh toán, với gần 85.000 cửa hàng trên toàn quốc.
Tính bảo mật cao trên Viettel Money
Bên cạnh những nhận định tích cực và hệ tiện ích ngày càng mở rộng cho khách hàng, vẫn còn đó những nỗi lo từ phía người dùng.
Trước khi sử dụng dịch vụ của Viettel, chị Trân từng bày tỏ sự lo lắng vì thao tác chuyển tiền quá đơn giản, dễ dàng bị kẻ xấu lợi dụng. "Chỉ bằng cú pháp USSD là đã có thể chuyển tiền. Tôi từng băn khoăn nếu lỡ cha mẹ ở quê bị kẻ gian cầm điện thoại và chuyển hết tiền trong tài khoản đi thì phải làm sao", nữ nhân viên đắn đo.
Cũng vì lo lắng hoặc không hiểu rõ về vấn đề an toàn thông tin, bảo mật. nhiều người dân, nhất là ở nông thôn có tâm lý ngại sử dụng dịch vụ tài chính số. Tâm lý tiêu dùng tiền mặt đã ăn sâu vào máu của người dân ở vùng nông thôn đặt ra bài toán cho các nhà phát triển Mobile Money cần phải tuyên truyền nhằm thay đổi thói quen này.
Tại tọa đàm trực tuyến "Phát triển hệ sinh thái thanh toán không tiền mặt" sáng 27/12, các diễn giả cho rằng để hướng đến nền kinh tế không tiền mặt ngoài hành lang pháp lý thì hạ tầng công nghệ và truyền thông là những trụ cột cần được quan tâm đặc biệt.
Trước lo lắng của người dùng về vấn đề bảo mật, an toàn thông tin, ông Trương Quang Việt, Phó tổng giám đốc, Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel cho rằng dịch vụ hiện tại đảm bảo đầy đủ khả năng bảo mật cho người dùng. Hiện tại, Viettel Money có hệ thống bảo mật hai lớp gồm mã PIN và OTP được gửi về chính chủ mỗi lần giao dịch. Nhà mạng cũng sử dụng thuật toán chống mã hóa thông tin 3DES với cơ chế chống dò mật khẩu, tự động khóa tài khoản nếu nhập sai mật khẩu 5 lần. Dịch vụ của Viettel còn có chuẩn bảo mật PCI DSS được đưa ra bởi Hội đồng Tiêu chuẩn bảo mật (PCI Security Standards Council).
Bên cạnh đó, trước lo lắng của người dùng trước rủi ro bị tấn công, đánh cắp dữ liệu, ông Việt cũng cho rằng, dù tội phạm mạng ngày càng tinh vi nhưng không phải không phòng tránh được. Bên cạnh sự nâng cấp về bảo mật và công nghệ từ đơn vị cung cấp dịch vụ, người dân cần tỉnh táo hơn khi nhận những tin nhắn chứa đường link lạ hoặc yêu cầu cung cấp OTP.
Thời gian tới, Viettel Money cũng tăng cường các chiến dịch tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân nhất là ở những vùng sâu, vùng xa về cách sử dụng dịch vụ an toàn.
Ông Việt cũng khẳng định trong tương lai sẽ có thêm hàng trăm nghìn điểm chấp nhận giao dịch trên cả nước, nhất là ở nông thôn. Với mạng lưới tiện ích ngày càng đa dạng hơn, Viettel Money vẫn đủ khả năng để trở thành phương thức thanh toán được đông đảo người dân lựa chọn trong tương lai.
Cũng theo lãnh đạo của Viettel, dịch vụ tài chính số của đơn vị đến nay đã thu hút gần 15 triệu lượt người dùng. Tuy nhiên, đây vẫn là con số nhỏ so với tiềm năng thực tế. Đơn vị này đang sở hữu hơn 70 triệu thuê bao di động, chiếm hơn 54% thị phần viễn thông tại Việt Nam. Sóng viễn thông của Viettel cũng được phủ khắp 63 tỉnh thành. Nếu khai thác đúng cách, Viettel Money hoàn toàn đủ khả năng thu hút hơn phân nửa trong số 70 triệu người dùng, nhất là ở các địa phương vùng sâu, vùng xa, góp phần hiện thực hóa mục tiêu "ở đâu có sóng di động, ở đó có tài chính số".
Thuận lợi của Viettel trong hành trình này là có sẵn mạng lưới hàng trăm nghìn điểm giao dịch trên toàn quốc, phục vụ tốt cho các hoạt động nạp, rút tiền mà không cần đến chi nhánh ngân hàng. Bên cạnh đó, uy tín từ thương hiệu là điều khiến người dùng dễ dàng chấp nhận và làm quen với Viettel Money.
Hoài Phương