Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý Indonesia (BMKG) cho biết một trận động đất 5,6 độ xảy ra lúc 13h21 ngày 21/11 với tâm chấn trên đất liền ở độ sâu 10 km tại tỉnh Tây Java, cách thủ đô Jakarta khoảng 100 km về phía nam. Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ nhận định đây là trận động đất có "tâm chấn nông", thường gây thiệt hại nặng hơn so với "tâm chấn sâu".
BMKG ban đầu không ghi nhận thiệt hại sau trận động đất, nhưng con số thương vong sau đó tăng lên nhanh chóng, với số liệu gần nhất được Ridwan Kamil, tỉnh trưởng Tây Java, cung cấp là 268 người chết, hơn 1.000 người bị thương, gần 14.000 người mất nhà cửa.
Theo giới chuyên gia, cường độ trận động đất không phải quá mạnh, nhưng nó xảy ra ở khu vực có mật độ dân số đông và dễ xảy ra lở đất. Thị trấn Cianjur, nơi gần tâm chấn nhất, có dân số khoảng 175.000 người, còn huyện Cianjur bao quanh là nơi sinh sống của hơn 2,5 triệu người.
Thị trấn này là khu vực nổi tiếng mộ đạo ở Tây Java, nơi người dân chủ yếu sinh sống trong các căn nhà một hoặc hai tầng được dựng trên các sườn đồi. Những căn nhà này chủ yếu được làm bằng gỗ, bùn và xi măng, có chất lượng xây dựng kém và rất dễ bị đổ sập khi xảy ra động đất.
Tỉnh trưởng Kamil cho hay hơn 2.300 ngôi nhà tại tỉnh Tây Java đã bị hư hỏng nặng hoặc sập hoàn toàn trong động đất.
Nhiều nạn nhân thiệt mạng là các học sinh vừa tan trường và đang học thêm giáo lý tại một số trường Hồi giáo ở thị trấn Cianjur. Những ngôi trường này chủ yếu xây bằng gạch, lợp ngói từ lâu, không có khả năng chống chịu động đất.
"Lớp học đổ sập và chân cháu bị vùi dưới đống đổ nát. Mọi thứ diễn ra quá nhanh", học sinh Aprizal Mulyadi, 14 tuổi, kể lại.
"Hầu hết nạn nhân là trẻ em bởi chúng vẫn ở trường học giáo lý khi trận động đất xảy ra", Henri Alfiandi, giám đốc Cơ quan Tìm kiếm và Cứu hộ Quốc gia Indonesia (Basarnas), nói.
Nhiều người dân khác trong thị trấn gặp nạn trong chính ngôi nhà của họ, khi tường và mái nhà bằng gỗ sụp xuống. Giới chức Indonesia tin rằng thương vong sẽ tiếp tục tăng khi họ tìm kiếm những người mắc kẹt trong các đống đổ nát.
Lực lượng cứu hộ đang tập trung vào hơn 10 địa điểm tại thị trấn, nơi được cho là còn có người bị mắc kẹt. "Chúng tôi đang chạy đua với thời gian để giải cứu các nạn nhân", Endra Atmawidjaja, người phát ngôn Bộ Nhà ở và việc làm Công cộng Indonesia, nói, cho biết.
Nỗ lực cứu nạn sau động đất gặp rất nhiều khó khăn, do các trận lở đất đã vùi lấp các tuyến đường quanh huyện Cianjur. Giới chức đã điều 7 máy xúc và 10 xe tải lớn từ thành phố Bandung và Bogor gần đó tới Cianjur để dọn dẹp cây cối, đất đá chặn đường để tìm cách tiếp cận thị trấn.
"Thách thức ở đây là khu vực bị ảnh hưởng trải rộng, trong khi các tuyến đường đi vào những ngôi làng đã bị hỏng", Alfiandi cho hay.
Một yếu tố khác khiến thương vong tăng cao là các bệnh viện, phòng khám địa phương bị quá tải, không thể cứu chữa cho lượng bệnh nhân đổ về cùng một lúc quá lớn. Các bệnh viện cũng hư hỏng và bị mất điện do động đất, khiến tình hình càng thêm tồi tệ.
Bãi đỗ xe bệnh viện ở Cianjur chật kín nạn nhân, một số được chữa trị trong các lều tạm, số khác được truyền tĩnh mạch trên lối đi. Nhân viên y tế phải khâu vết thương cho các nạn nhân dưới ánh đèn pin.
Bên ngoài tòa nhà bệnh viện Cianjur, hàng trăm người vẫn đang chờ đến lượt được chữa trị. "Tôi đang làm việc trong văn phòng thì nhiều thứ rơi, đổ do động đất mạnh. Chân tôi bị một vật nặng rơi vào", Sarmandi, một người bị thương đang chờ bên ngoài bệnh viện, nói. "Tôi rất mong họ sớm kiểm tra cho tôi".
Hasan, công nhân xây dựng, là một trong số người sống sót được đưa đến bệnh viện. "Tôi bất tỉnh. Động đất rất mạnh", Hasan kể lại. "Tôi thấy mọi người chạy ra khỏi tòa nhà. Tôi không kịp chạy và bị tường đổ trúng người".
Điện và sóng điện thoại tại các khu vực chịu tác động bắt đầu dần ổn định từ sáng 22/11. Xe tải chở theo thực phẩm, lều, chăn cùng nhiều vật tư khác từ Jakarta đã đến các điểm lánh nạn. Hàng nghìn người vẫn chọn ngủ ngoài trời do sợ dư chấn. BMKG ghi nhận ít nhất 62 dư chấn từ 1,8 đến 4 độ sau trận động đất.
Thủ đô Jakarta, cách Cianjur khoảng 3 giờ lái xe, không ghi nhận thương vong hay thiệt hại lớn.
Indonesia, với dân số hơn 270 triệu người, thường xuyên hứng chịu động đất, núi lửa phun trào và sóng thần do nằm trên "Vành đai lửa", một vòng cung hoạt động địa chấn dữ dội, nơi các mảng kiến tạo va chạm kéo dài từ Nhật Bản qua Đông Nam Á và lưu vực Thái Bình Dương.
Hồi tháng 2, một trận động đất mạnh 6,2 độ đã làm ít nhất 25 người thiệt mạng, hơn 460 người bị thương ở Tây Sumatra. Tháng 1/2021, trận động đất mạnh 6,2 độ làm hơn 100 người thiệt mạng và gần 6.500 người bị thương ở tỉnh Tây Sulawesi.
Như Tâm (Theo BBC, AFP, Reuters)