Theo các nhà phân tích thân cận với chuỗi cung ứng, đây là nhà sản xuất smartphone thống trị tại Mỹ, có giá trị hàng nghìn tỷ USD vốn hóa. Đối với nhiều nhà sản xuất linh kiện công nghệ, công ty này cũng là khách hàng quan trọng nhất của họ từ trước đến nay. Nhưng đừng hỏi họ đó là công ty nào.
Ở châu Á, công ty này đôi khi được nhắc đến một cách né tránh trong các báo cáo với đa dạng tên gọi từ "công ty trái cây", "Fuji" tại Nhật Bản, cho đến "công ty trị giá ba nghìn tỷ USD", "khách hàng Bắc Mỹ danh giá"...
Trong hồ sơ chứng khoán hồi tháng 1, O-Film Group, doanh nghiệp chuyên sản xuất module camera cho smartphone của Trung Quốc, cho biết đã lỗ 426 triệu USD trong quý IV/2021. Một trong những nguyên nhân là "do tác động của một khách hàng bên ngoài biên giới". Nhưng khi được hỏi là khách hàng nào, đại diện O-Film Group không trả lời.
Công ty đó được dự đoán là Apple. Theo một số nguồn tin tiết lộ với WSJ, trong chuỗi cung ứng, hãng sản xuất iPhone có một sức mạnh được đánh giá là đáng sợ, khi có thể trao cho hoặc lấy đi của bất cứ đối tác nào các hợp đồng trị giá hàng trăm triệu USD.
Việc giữ kín tên Apple trong các báo cáo công khai của đối tác có vẻ đã là một quy tắc bất thành văn. Theo các chuyên gia, việc tiết lộ danh tính, thông tin về bất kỳ công ty nào trong chuỗi cung ứng có thể gây xúc phạm ai đó hoặc vô tình tiết lộ thông tin cạnh tranh. Bên cạnh bí mật thương mại thông thường, nó có thể tác động đến cả sự tồn tại của mối quan hệ đối tác.
Nhắc đến Apple cũng có thể khiến một công ty nào đó gặp rắc rối. GT Advanced Technologies, hãng chuyên cung cấp tấm bảo vệ màn hình bằng saphire cho smartphone, năm 2014 vô tình đề cập tên Apple và đã bị kiện ra toà với lý do cung cấp thông tin chi tiết về thỏa thuận bảo mật với khách hàng. Sau vụ kiện, GT Advanced Technologies phải trả 50 triệu USD cho mỗi lần vi phạm bí mật, nhưng tổng số tiền không được tiết lộ. Công ty này cũng bị Apple chấm dứt hợp tác.
Tháng 6/2020, trong cuộc họp của nhà sản xuất chip Broadcom, một nhà phân tích đặt câu hỏi về sự tăng trưởng của công ty trong nửa cuối 2020 có liên quan đối tác nào khác hay không. Đáp lại, CEO Broadcom Hock E. Tan nói họ đang thiết kế chip cho "những chiếc điện thoại hàng đầu" của một nhà sản xuất "lớn nhất Bắc Mỹ".
Foxconn, đối tác lắp ráp iPhone của Apple, cũng thường hạn chế nhắc đến công ty này. Trong báo cáo thường niên dày 860 trang công bố đầu năm, Foxconn chỉ một lần nói tới đối tác bằng chữ "A". Tuy nhiên, chữ này xuất hiện đầu tiên trong danh sách khách hàng lớn của Foxconn vì danh sách xếp theo thứ tự bảng chữ cái.
TSMC, đảm nhiệm việc đúc chip cho Apple, cũng nhắc đến hãng hai lần trong báo cáo tài chính mới nhất, nhưng không phải với tư cách khách hàng, mà là nhà phát hành trái phiếu do TSMC nắm giữ. "Một trong những yếu tố quan trọng xây dựng lòng tin của khách hàng là thông qua việc bảo vệ thông tin bí mật của họ", đại diện TSMC cho biết.
Ngay cả Samsung cũng không trực tiếp nhắc đến tên Apple. Là nhà cung cấp màn hình, chip nhớ và một số bộ phận khác cho iPhone, nhân viên hãng điện tử Hàn Quốc đôi khi gọi Apple với biệt danh LO, viết tắt của "Đối thủ đáng yêu". Tuy nhiên, các đối tác sản xuất vẫn gọi Samsung là "Samsung", theo một số nguồn tin tiết lộ với WSJ.
Apple chưa đưa ra bình luận.
Apple không phải là công ty duy nhất trong số các thương hiệu toàn cầu tỏ ra kín tiếng về các mối quan hệ với nhà cung cấp của mình. Theo một số nguồn tin từ chuỗi cung ứng, có khoảng 200 công ty lớn trong lĩnh vực công nghệ làm như vậy. Chẳng hạn, O-Film từng nói họ đã không còn là đối tác với một khách hàng "H" của Trung Quốc năm 2021 vì hãng này gặp nhiều khó khăn. Không khó để nhận ra công ty này là Huawei - hãng thiết bị viễn thông bị Mỹ cấm vận từ 2019.
Bảo Lâm (theo WSJ)