Trong sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin và xã hội số, các công ty bảo hiểm cũng không thể đứng ngoài cuộc. Dưới đây, ông Aleksandra Romot, chuyên viên tư vấn kinh doanh của Comarch (nhà tích hợp hệ thống và phần mềm đa quốc gia có trụ sở tại Kraków, Ba Lan, chuyên cung cấp các dịch vụ trong các lĩnh vực như viễn thông, tài chính và ngân hàng, khu vực dịch vụ và hành chính công) đã chia sẻ về tầm quan trọng của việc nâng cấp hệ thống công tin với các công ty bảo hiểm.
Ông Aleksandra Romot cho rằng trong nhiều năm, các công ty bảo hiểm đã làm đúng công việc của họ - xử lý các giao dịch tài chính - thu tiền tiền phí bảo hiểm và chi trả tiền yêu cầu bồi thường. Họ chỉ liên hệ với khách hàng khi cần viện dẫn các chính sách hoặc xử lý thiệt hại. Tuy nhiên, như nhiều ngành nghề khác, ngành bảo hiểm cũng đòi hỏi thích nghi với sự phát triển của công nghệ thông tin.

Hệ thống công nghệ thông tin tiên tiến giúp ngành bảo hiểm tăng năng suất hoạt động, nhân viên làm việc hiệu quả hơn. Ảnh: Comarch
Theo ông, có hai động lực cơ bản để các công ty bảo hiểm thích ứng và thay đổi: "Chịu đựng hay thu lợi". Các hệ thống kế thừa cũ kỹ thường bao gồm nhiều quy trình thủ công không chính xác và gây ra những khó khăn lớn nhất. Nhiều công ty bảo hiểm quan niệm, cứ để mọi thứ như cũ sẽ đơn giản và rẻ hơn, nhưng điều đó không đúng. Để tồn tại, các công ty bảo hiểm phải thực hiện các bước hiện đại hóa nhanh chóng. Các công ty bảo hiểm không nên mắc kẹt trong suy nghĩ chỉ chấp nhận thay đổi khi biết mình đã bị lún sâu vào khó khăn. Công ty Tái bảo hiểm Malaysia từng khuyến cáo: "Các công ty bảo hiểm trong ASEAN nên nâng cấp các hệ thống cũ và cải thiện khả năng tiếp cận dữ liệu để duy trì khả năng cạnh tranh lâu dài trong kỷ nguyên số hóa".
Hiện đại hóa một hệ thống gặp thách thức rất lớn nhưng cũng mang lại những lợi ích rất lớn. Một báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường McKinsey năm 2019 đã xác định ba lợi ích chính của việc hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin: tăng tổng doanh phí bảo hiểm gộp, tăng năng suất hoạt động và tiết kiệm chi phí. Các hệ thống số hóa cho phép các công ty bảo hiểm cải tiến quy trình đổi mới sản phẩm, giúp rút ngắn thời gian đưa ra thị trường những thay đổi chính sách cũng như sản phẩm mới. Tương tự, các khả năng tích hợp được kích hoạt bằng kỹ thuật số có thể tạo điều kiện thuận lợi hơn cho trải nghiệm người dùng và tăng cường hỗ trợ cho các quy trình bán hàng của nhà phân phối. Các quy trình được cải thiện và nhanh hơn sẽ giúp nâng cao trải nghiệm của khách hàng và cải thiện khả năng duy trì hợp đồng. Hệ thống hiện đại có thể giảm đáng kể chi phí. McKinsey chỉ ra chi phí công nghệ thông tin cho mỗi hợp đồng của các công ty bảo hiểm có hệ thống được hiện đại hóa có thể thấp hơn 41% so với những công ty có hệ thống cũ.
Nâng cấp hệ thống cũ thường có nghĩa là lựa chọn giữa việc xây dựng lại, tái cơ cấu hoặc thay thế. Ông Aleksandra Romot cho rằng hai giải pháp đầu chỉ đòi hỏi chi phí và rủi ro trung bình. Trong khi đó, thay thế mang lại kết quả tốt nhất, nhưng chi phí cũng cao hơn và rủi ro cao hơn, dù đó là quyết định thay thế hoàn toàn hệ thống hay dần dần xây dựng lại và nâng cấp, chẳng hạn như mô đun hóa hoặc dịch vụ siêu nhỏ, tùy thuộc vào quy mô kinh doanh và hiệu quả của các nhóm công nghệ thông tin của công ty bảo hiểm.

Phần mềm công nghệ thông tin hiện đại giúp khách hàng của các công ty bảo hiểm có thể tự thực hiện nhiều giao dịch trực tuyến. Ảnh: Comarch
Chuyên gia của Comarch cũng đặt ra câu hỏi: Làm thế nào để xử lý chính xác vấn đề thay đổi? Thực hiện "một vụ nổ lớn" hay tiếp cận theo từng giai đoạn? Phát triển nội bộ hay mua phần mềm của các đơn vị cung cấp, hay kết hợp? Theo ông, khi thực hiện thay đổi, các công ty bảo hiểm phải tính đến trạng thái và tính ổn định của các hệ thống kế thừa, tính khả dụng của các giải pháp tiêu chuẩn trưởng thành cho thị trường, hiệu quả của khả năng công nghệ thông tin nội bộ, số lượng tài nguyên sẵn có hoặc các mục tiêu của mô hình kinh doanh.
"Nếu thay thế và mua hệ thống từ nhà cung cấp công nghệ thông tin bên ngoài, các công ty bảo hiểm nên nhớ rằng các hệ thống tiêu chuẩn thường được sắp xếp hợp lý hơn nhiều và bao gồm các chức năng được tạo sẵn để lập mô hình sản phẩm, định giá, bảo lãnh phát hành, khách hàng tự phục vụ hoặc xử lý khiếu nại. Kết quả là phần mềm tiêu chuẩn có thể cải thiện hiệu quả trên toàn bộ tổ chức. Đó là khi phần 'thu lợi' xuất hiện", ông Aleksandra Romot nhấn mạnh.
Thị trường đã chứng kiến nhiều ví dụ. Đơn cử, năm 2019, 9 trong số 12 công ty bảo hiểm P&C (tài sản và tai nạn) hàng đầu của Mỹ đã sử dụng phần mềm tiêu chuẩn cho yêu cầu bồi thường và quản lý chính sách. Phần mềm tiêu chuẩn cũng phổ biến tương tự ở khu vực CEE, Bắc Âu và Vương quốc Anh. Ở Đức, phần mềm tiêu chuẩn đã có chỗ đứng trong bảo hiểm nhân thọ, theo McKinsey.
Ông Aleksandra Romot đánh giá chuyển đổi từ các hệ thống cũ sang các giải pháp đa kênh hiện đại là một quá trình phức tạp, đòi hỏi cả thời gian và nguồn lực, nhưng nó đáng giá. Các chính sách bảo hiểm sẽ ngày càng được tích hợp nhiều hơn vào các sản phẩm hoặc dịch vụ mà khách hàng mua. "Hệ sinh thái kỹ thuật số và quan hệ đối tác đang ngày càng phát triển. Hợp tác trong thế giới hiện đại chỉ khả thi nếu bạn có thể trao đổi thông tin dễ dàng và nhanh chóng", chuyên gia nhấn mạnh.
Các công ty bảo hiểm hiện đại cần các cổng tự phục vụ trực tuyến dành cho khách hàng và các công cụ kỹ thuật số dành cho các nhà phân phối, giúp họ có thể hoạt động trong mọi tình huống. Cách tiếp cận đa kênh cũng cho phép các công ty bảo hiểm cung cấp cho người dùng khả năng lấy thông tin bất cứ lúc nào và khả năng giao dịch qua nhiều phương tiện. Theo báo cáo Cổng thông tin đại lý bảo hiểm do tổ chức The Forrester Wave phát hành quý 3/2020, sức mạnh của một hệ thống bao gồm các ứng dụng mô-đun kết nối nhân viên, đối tác và khách hàng trong thời gian thực. Điều này dẫn đến luồng thông tin được đồng bộ hóa và quy trình làm việc hợp lý, mang lại lợi thế lớn trong thị trường bảo hiểm đầy cạnh tranh.
"Bây giờ là lúc các công ty tập trung vào hiện đại hóa để tồn tại. Dù có báo cáo chi phí tăng thì đây vẫn là thời điểm thích hợp để thực hiện các thay đổi và tập trung vào việc xem xét các mô hình và công cụ kinh doanh. Các công ty bảo hiểm, dù lớn hay nhỏ, trong hành trình hiện đại hóa đều phải đối mặt với vấn đề của các hệ thống cũ. Chỉ nâng cấp có thể không đủ để hỗ trợ đổi mới, vì vậy không nên chần chừ khi đưa ra quyết định", ông Aleksandra Romot kết luận.
Hoàng Anh