Mọi người thường đưa ra những lý do mang tính khách quan để "biện hộ" cho mình, kiểu như: Tôi quá bận rộn trong công việc và không có thời gian để tìm hiểu người khác, hoặc môi trường làm việc của tôi quá nhỏ, ít cơ hội gặp gỡ và tìm hiểu... Những lý do này đều có lý, tuy nhiên, theo nghiên cứu, vấn đề chính dẫn đến việc bạn mãi vẫn chưa tìm được một đối tượng phù hợp: Quá tự ti về bản thân.
Nếu bạn không tin rằng mình đáng được yêu, thì dù có người ấy có xuất hiện, bạn cũng sẽ không nhận ra. Đối với những người quá tự ti về bản thân, tình yêu khiến họ hạnh phúc nhưng đồng thời cũng khiến họ sợ hãi, lo lắng. Nỗi lo lắng ấy bao gồm việc sợ hãi rằng bản thân không được như ý của người kia, dẫn đến trong tiềm thức thường xuất hiện những câu nói như: "Thực ra anh ấy/cô ấy cũng không thích mình lắm".
Tại sao có những người mất tự tin vào bản thân đến vậy?
Trong một nghiên cứu, các nhà tâm lý học người Mỹ Robert W. Firestone và Lisa Firestone đã phát hiện ra rằng hành vi đánh giá thấp bản thân quá mức của một người bắt nguồn từ quá trình tương tác giữa người đó với người chăm sóc chính trong thời gian đầu đời. Nếu chúng ta lớn lên trong sự chỉ trích, phủ nhận, thờ ơ và thậm chí lạm dụng, chúng ta khó có thể đối xử với bản thân một cách lành mạnh. Nếu chúng ta lớn lên trong sự yêu thương, được đánh giá đúng năng lực, chúng ta sẽ học được cách yêu thương chính mình.
Vậy làm sao để giảm bớt sự tự ti trong tình yêu, nhằm tự tin đón nhận một mối quan hệ? Bạn cần phải thực hiện các bước sau:
Xác định "niềm tin phi lý trí"
Nhà tâm lý học người Mỹ Albert Ellis từng đưa ra "lý luận ABC" rất nổi tiếng. A đề cập đến các sự kiện, B đề cập đến niềm tin và C đề cập đến kết quả. Điều mà lý luận này muốn diễn đạt là cùng một sự kiện sẽ tạo ra những kết quả hoàn toàn khác nhau, với những niềm tin khác nhau.
Ví dụ giả sử có một chàng trai có ấn tượng tốt về bạn rủ bạn đi chơi. Khi đó, nếu trong tiềm thức bạn xuất hiện suy nghĩ "anh ấy chỉ rủ cho vui thôi, anh ấy không thực sự thích tôi", cái kết có thể là bạn sẽ từ chối lời mời của đối phương.
Bạn không có bằng chứng nào cho ý kiến đó, nó chỉ là thành kiến chủ quan của bản thân bạn, nên được gọi là "niềm tin phi lý trí". Sự xuất hiện của "niềm tin phi lý trí" có thể xuất phát từ sự sợ hãi và thiếu tự tin của bạn. Niềm tin phi lý trí ban đầu có vai trò là bảo vệ bạn không bị tổn thương, nhưng trên thực tế, nó vô tình cắt đứt nhiều cơ hội của tình yêu.
Do đó, trong trường hợp trong đầu bạn xuất hiện "niềm tin phi lý trí", hãy tạm bác bỏ chúng hoặc chất vấn chúng. Đừng vội kết luận trừ khi bạn có đầy đủ bằng chứng cho kết luận đó.
Sẵn sàng tâm lý "kết bạn"
Trước khi bắt đầu một mối quan hệ, đừng bao giờ chuẩn bị tâm lý "tìm hiểu đối tác tiềm năng" mà hãy xác định "làm bạn" với nhau trước. Khi chúng ta sử dụng tâm lý kết bạn để làm quen với người khác, trạng thái tinh thần bạn sẽ thoải mái hơn rất nhiều. Xung quanh việc kết bạn, đừng quên rằng ngoài việc có thể hiểu nhau với một tâm hồn cởi mở, chúng ta còn có thể thể hiện cá tính của chính mình một cách chân thành hơn.
Nếu chúng ta gặp gỡ nửa kia với tư cách một đối tác tiềm năng, ngay cả khi chúng ta cố gắng chân thật đến mấy, cảm giác lo lắng trong lòng có thể thúc đẩy cả hai phía hành xử phóng đại hơn so với bình thường.
Thùy Linh (Theo UDN)