Hệ tiêu hóa dễ bị tổn thương
Hệ tiêu hóa bao gồm các cơ quan từ khoang miệng đến dạ dày, đại tràng, trực tràng và hậu môn, có chức năng tiếp nhận, nghiền nát và chuyển hóa thực phẩm thành dinh dưỡng nuôi toàn cơ thể.
Có vai trò quan trọng với sức khỏe con người nhưng hệ tiêu hóa cũng là một bộ phận rất nhạy cảm. Bệnh về đường tiêu hóa đứng top đầu trong các bệnh nội khoa tại Việt Nam. Cứ 10 người thì có một người mắc bệnh về tiêu hóa, từ nhẹ như táo bón, rối loạn tiêu hóa, trào ngược dạ dày, ợ hơi, trướng bụng đến nặng hơn như viêm loét dạ dày, hội chứng ruột kích thích, viêm ruột, ung thư..., theo Hội nghị khoa học Thiết lập mạng lưới Microbiome toàn cầu do Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tiêu hóa, Gan mật Việt Nam tổ chức tại Hà Nội tháng 9/2019.
Có nhiều nguyên nhân gây nên sự tổn thương cho hệ tiêu hóa. Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm, Nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, không chỉ thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh mà rất nhiều thói quen xấu hàng ngày đều có thể ảnh hưởng đến tiêu hóa. Đó có thể là ăn uống thất thường, ăn thiếu chất dinh dưỡng, thiếu chất xơ, thiếu lợi khuẩn, sử dụng kháng sinh, hút thuốc, uống rượu, lười vận động, làm việc căng thẳng...
Hệ tiêu hóa khỏe mạnh sẽ làm tốt nhất nhiệm vụ tiếp nhận thực phẩm và chuyển hóa thành dinh dưỡng tối đa để đi nuôi các bộ phận khác trong cơ thể. Từ đó, giúp cơ thể khỏe mạnh hơn, nâng cao đề kháng, hỗ trợ phòng chống các tác nhân gây bệnh.
Chăm sóc hệ tiêu hóa đúng cách
Theo các bác sĩ chuyên ngành tiêu hóa, hệ tiêu hóa tuy đóng vai trò quan trọng với toàn cơ thể nhưng cách chăm sóc không quá phức tạp. Để hệ tiêu hóa khỏe mạnh cần duy trì lối sống lành mạnh. Ví dụ, tập thể dục, vận động có thể cải thiện hoạt động của ruột giúp giảm tình trạng táo bón, tăng mức tiêu thụ năng lượng giúp giảm tích lũy chất béo trong cơ thể, giải phóng endorphin trong quá trình tập luyện.
Nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc góp phần giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn. Khi ngủ là lúc các mô ở hệ tiêu hóa phát triển, tự sửa chữa và xây dựng lại những mô - tế bào bị hỏng.
Quan trọng nữa là chú trọng chế độ dinh dưỡng như ăn uống thực phẩm lành mạnh, đầy đủ dinh dưỡng, sử dụng những sản phẩm tốt cho tiêu hóa, ví dụ rau củ quả chứa nhiều chất xơ, sữa chua chứa nhiều men vi sinh. Khi vào đường tiêu hóa, men vi sinh trong sữa chua sẽ cải thiện cân bằng của hệ vi sinh đường ruột và mang lại lợi ích cho sức khỏe người dùng. Lactobacillus Bulgaricus là chủng men vi sinh điển hình trong sữa chua.
Bác sĩ Nguyễn Thị Lâm cho biết "Lactobacillus Bulgaricus giúp đường lactose trong sữa lên men, tạo thành acid lactic làm cho sữa đông tụ. Bulgaricus được thử nghiệm lâm sàng, chứng minh tốt cho hệ tiêu hóa và miễn dịch".
Vì vậy, sử dụng sữa chua mỗi ngày với hàm lượng men vi sinh cao giúp đường ruột khỏe mạnh, dưỡng chất sẽ được hấp thu hiệu quả để đi nuôi các bộ phận khác trong cơ thể.
Không chỉ nổi bật với khả năng cung cấp một lượng lớn men vi sinh, sữa chua còn được biết đến là nguồn bổ sung các vitamin và khoáng chất như đạm, canxi, magie, kali, mangan, phốt pho, selen, kẽm, các vitamin A, B12, D, K.
Chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, duy trì khẩu phần hai hộp sữa chua mỗi ngày không chỉ giúp lợi khuẩn phát triển, gia tăng hiệu quả hỗ trợ đường ruột, hạn chế những tác nhân xấu gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa mà còn tốt cho sức khỏe toàn cơ thể.
Kim Anh