Loạt tuyến đường tại khu vực bến Ninh Kiều - địa danh du lịch nổi tiếng của Cần Thơ như Hai Bà Trưng, Lê Thánh Tôn, Phan Đình Phùng, Ngô Quyền, Thủ Khoa Huân, Lý Thường Kiệt... biến thành sông khi triều cường vượt báo động 3 từ 11-20 cm vào các ngày 17-20/10. Nước từ sông Hậu theo sông Cần Thơ tràn ào ạt qua đoạn bờ kè khoảng một km tại công viên bến Ninh Kiều, cặp đường Hai Bà Trưng vào bên trong, gây ngập ở nhiều khu vực. Một số đoạn nước dâng cao gần một mét khiến cuộc sống, sinh hoạt, kinh doanh của người dân đảo lộn...
Người dân thắc mắc khu vực này nằm trong vùng lõi trung tâm Cần Thơ, được bảo vệ bởi hệ thống công trình nghìn tỷ như: bờ kè sông Cần Thơ, cống, âu thuyền, trạm bơm ngăn triều (thuộc Dự án phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị, tổng đầu tư gần 9.200 tỷ đồng) vừa hoàn thành hồi tháng 7, nhưng vẫn bị ngập sâu. Chưa kể tại bến Ninh Kiều có hai trạm bơm với kinh phí đầu tư 30 tỷ đồng với 7 tổ máy, tổng công suất 3,5 m3 mỗi giây cũng không giúp khu vực thoát khỏi triều cường.
Ông Nguyễn Văn Tho, Phó giám đốc Ban quản lý dự án ODA TP Cần Thơ, cho biết bến Ninh Kiều ngập do nước từ hệ thống cống (được đầu tư từ rất lâu, nhiều năm chưa được cải tạo, không có nắp) trào lên mặt đường và do mực nước trên sông Hậu cao, tràn qua lề đường Hai Bà Trưng vào các đường bên trong. Đoạn nước tràn qua ở bến Ninh Kiều do chưa được đầu tư kè cao đồng bộ, một số vị trí mặt đường thấp hơn mực nước khi triều cường vượt báo động 3.
Phó chủ tịch UBND quận Ninh Kiều Nguyễn Ngọc Ánh cho biết đoạn kè khoảng một km cặp công viên bến Ninh Kiều (từ nhà khách số 2 đến cầu đi bộ) được xây dựng nhiều năm trước, không nằm trong dự án phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị. Hiện đoạn kè này bị lún, khi triều cường lớn nước tràn vào rất mạnh. Hai trạm bơm gần khu vực hoạt động hết công suất cũng không thể ngăn được ngập nước.
"Vì thế, UBND quận Ninh Kiều đã xin chủ trương với UBND TP Cần Thơ để cải tạo đoạn kè này, theo đó sẽ nâng chiều cao lên khoảng 0,8-1 m", ông Ánh nói. Lãnh đạo quận cũng lo lắng khi chỉ nâng khu vực kè cặp sông Cần Thơ lên cao sẽ khiến phần công viên bên trong lọt thỏm phía dưới, khuất tầm nhìn của người dân, ảnh hưởng mỹ quan đô thị, địa danh nổi tiếng.
Sắp tới Cần Thơ còn xây dựng dự án chống ngập 2.800 ha tại quận Bình Thủy và Ninh Kiều với vốn đầu tư khoảng 4.500 tỷ đồng. Dự án sẽ triển khai năm 2026 với ba tuyến kè tổng chiều dài hơn 8,2 km cùng 12 cống kiểm soát nước, 6 cống ngăn triều... Khi hoàn thành, công trình giúp vùng lõi tại trung tâm TP Cần Thơ với tổng diện tích 5.500 ha thoát khỏi trình trạng ngập lụt.
An Bình