Hiệu ứng FOMO
Sau một thời gian dài "nghe ngóng", cuối quý 2, anh Phạm An (37 tuổi, Hà Nội) quyết định xuống tiền mua một căn hộ tại dự án ở Gia Lâm. Đổ dòng tiền nhàn rỗi vào bất động sản, nhất là khi dịch Covid-19 lần thứ 4 diễn biến khó lường, nhà đầu tư này vẫn tin vào tiềm năng thu lời trong dài hạn. Theo anh, với các yếu tố về vị trí, hạ tầng, xu hướng sống ven đô hay đề án quy hoạch sông Hồng..., giá nhà tại đây chắc chắn sẽ tăng sau vài năm nữa.
Trong khi đó, Lan Anh (30 tuổi, quê Thái Bình) vừa mua căn hộ studio tại môt dự án phía Tây Hà Nội, trong bối cảnh giá nhà vẫn tăng. Là freelancer, độc thân, ngoài số tiền tích cóp chị vẫn vay thêm ngân hàng khoảng 30% giá trị căn hộ. "Nhiều người khuyên tôi đợi dịch lắng xuống hẵng mua, nhưng tôi sợ bỏ lỡ cơ hội được hưởng các chính sách ưu đãi hiện có của của chủ đầu tư. Tôi cũng không nghĩ tới đây giá nhà sẽ giảm nữa", chị nói thêm về việc xuống tiền.
"Thị trường hiện nay là của người mua, trong nguy có cơ", ông Trần Khánh Quang, Chủ tịch SREC "Cafe Bất Động Sản" nhận định trong một hội thảo trực tuyến hôm 28/8.
Chuyên gia này nhận định, đây là thời điểm tốt cho người muốn mua bất động sản khi có thể lựa chọn các sản phẩm yêu thích, đã ngắm sẵn với giá tốt. Cũng theo ông Quang, dòng tiền chảy vào bất động sản tăng trưởng liên tục từ 2016. Năm 2020, thị trường có dấu hiệu đi xuống, tuy nhiên vì dòng tiền tích luỹ lớn nên bất động sản vẫn tiếp tục phát triển. Đặc biệt đầu năm 2021, giá chung cư tăng mạnh, lan tới các tỉnh là minh chứng cho dòng tiền mạnh mẽ đổ vào bất động sản.
Theo chuyên gia, hiện dịch Covid-19 diễn biến khó lường, nhưng thị trường bất động sản vẫn không chứng kiến sự giảm giá mạnh hay hiện tượng bán tháo. Điều này cho thấy các nhà đầu tư chuyên nghiệp đã có sự chuẩn bị sẵn về rủi ro và chờ tín hiệu tốt từ thị trường.
Một số chuyên gia lý giải, nhiều người vẫn ưa đầu tư bất động sản trong dịch một phần bởi tâm lý FOMO (sợ bỏ lỡ cơ hội). Trong bối cảnh giãn cách, kinh doanh, sản xuất ngưng trệ, lãi suất tiết kiệm thấp, nguồn cung bất động sản khan hiếm, nhiều người sợ không mua vào lúc này sẽ bỏ lỡ cơ hội sở hữu nhà ở giá tốt, vị trí tốt. Tâm lý thích giữ tiền trong tài sản cũng khiến họ an tâm. Nhiều dữ liệu thống kê đã chứng minh trong dài hạn 5-10 năm tỷ suất lợi nhuận của nhà đất luôn cao hơn rất nhiều so với các kênh đầu tư khác.
Kênh trú ẩn an toàn
Bất chấp giao dịch giảm và dịch bệnh, giá bất động sản vẫn âm thầm tăng. Báo cáo 6 tháng đầu năm của Savills Việt Nam chỉ ra, giá bán sơ cấp tại thị trường bất động sản Hà Nội
tiếp tục tăng quý thứ 10 liên tiếp, với giá bán trên một m2 tăng 7% theo quý và 11% theo năm. TP HCM cũng trên đà tăng tương tự, với gần 40% dự án tăng lên trong quý, lên đến 15%. Thị trường vẫn chứng kiến nhiều dấu hiệu tích cực và triển vọng, đặc biệt là trong trung và dài hạn.
Khi dịch bệnh ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực kinh tế, giá nhà vẫn ở mức ổn định, cho thấy sức hút của kênh đầu tư bất động sản vẫn chưa hạ nhiệt. Theo một khảo sát do VnExpress thực hiện từ ngày 22/7, bất động sản dẫn đầu các kênh đầu tư được ưu tiên, chiếm 32% trong tổng số hơn 70.000 số phiếu, xếp trên vàng, tiết kiệm (7-10%).
Ông Thanh Chúc, một nhà đầu tư tại miền Bắc cho biết, tỷ suất sinh lời cao, ít biến động nhanh theo phiên hoặc theo ngày như chứng khoán, giá vàng... tạo nên sức hấp dẫn khó cưỡng cho bất động sản. Khi thị trường chứng khoán nhiều thời điểm rơi vào hoảng loạn, lãi suất tiết kiệm thấp kỷ lục, các dòng vốn lớn có xu hướng chuyển hướng từ chứng khoán, tiền gửi ngân hàng... vào bất động sản nhiều hơn, bởi tâm lý thích giữ tiền an toàn trong tài sản.
Bên cạnh đó, nhiều ngành kinh tế, sản xuất kinh doanh gặp khó, bị thu hẹp hoạt động do Covid-19 cũng dần chuyển vốn vào thị trường bất động sản để tìm kiếm cơ hội tốt hơn. "Dề hiểu tại sao một số mã cổ phiếu địa ốc vẫn thu hút được dòng tiền. Nhà đầu tư họ có niềm tin vào khả năng phục hồi nhanh chóng của thị trường bất động sản sau dịch", vị này nói.
Phong Vân