Dù có trưởng thành, trở thành giám đốc hay trưởng phòng, trong mắt cha mẹ, ta mãi chỉ là những đứa trẻ. Đối với đấng sinh thành, con cái luôn cần được chăm sóc và quan tâm dù còn nhỏ hay đã lớn.
Ngược lại, con cái càng lớn lại càng có xu hướng rời xa vòng tay cha mẹ. Không ít bạn trẻ từng chia sẻ rằng, khi trưởng thành, họ có xu hướng ngại nói lời yêu thương với người sinh ra mình. Dưới đây là những lý do thường được đưa ra để lý giải cho việc khó thể hiện tình yêu với đấng sinh thành:
Cho rằng nói lời yêu thương là sến sẩm
Không giống người phương Tây, người Á Đông có xu hướng thể hiện tình cảm theo hướng nhẹ nhàng, từ tốn, kín đáo hơn. Đặc biệt là với người thân trong gia đình, việc thể hiện tình yêu trở nên khó thể hiện. Ta có thể thoải mái nói với chồng, vợ câu "anh yêu em" hay "em yêu anh", nhưng lại rất hiếm khi nói yêu thương bố mẹ.
Khi được hỏi đã bao lâu rồi chưa nói yêu thương bố mẹ, Thu Huyền (29 tuổi, Hà Nội) ngại ngùng đáp: "Tôi chưa nói yêu bố mẹ mình bao giờ". Cô cho biết mình thường dùng hành động thể hiện sự hiếu thảo hơn là nói bằng lời. Càng lớn, Huyền lại càng ngại trong việc thể hiện tình cảm với người khác một cách trực diện.
Kim Ngân (25 tuổi, TP HCM) cũng có câu trả lời tương tự Thu Huyền. Cả hai đều cho rằng việc nói yêu thương bố mẹ khiến họ thấy ngại ngùng, thiếu tự nhiên. Dù sống xa nhà hay may mắn được kề cận bố mẹ mỗi ngày, họ đều thấy việc nói yêu người thân trong gia đình không thật sự cần thiết.
"Nếu thật sự yêu thương bố mẹ, nên sống tốt và phấn đấu để không phụ lòng người sinh ra mình là được. Nói thẳng ra con yêu bố mẹ sến lắm", Kim Ngân chia sẻ.
Không riêng gì Kim Ngân và Thu Huyền, đa phần các bạn trẻ thừa nhận rằng họ có thể viết những dòng trạng thái trên mạng xã hội rằng họ yêu bố mẹ rất nhiều. Nhưng để nói trực tiếp với đấng sinh thành thì họ lại thấy ngại ngùng và khá khó khăn.
Ít khi chia sẻ, tâm sự với bố mẹ
Không ít người thừa nhận việc nói lời yêu thương với bố mẹ trở nên khó khăn hơn nhiều khi không thường xuyên tâm sự, trò chuyện. Mỹ Hương (27 tuổi, TP HCM) hiếm khi chia sẻ với bố mẹ cuộc sống cá nhân. Tuy ở cùng nhà nhưng Hương thừa nhận mình và bố mẹ có khoảng cách.
Mỗi khi gặp chuyện buồn hoặc vấn đề khó khăn, Hương thường tự mình giải quyết hoặc nhờ sự giúp đỡ của bạn bè. "Kể cho bố mẹ nghe cũng không giải quyết được vấn đề. Bố mẹ cũng chẳng hỏi chuyện tôi bao giờ", Hương cho biết.
Cô cũng chia sẻ thêm rằng vì hiếm khi trò chuyện nên cô cũng ngại nói lời yêu thương với họ hơn. Những dịp đặc biệt như ngày của cha, lễ Vu Lan báo hiếu, Hương có mua quà tặng bố mẹ, song, cô lại chưa bao giờ nói câu: "Con yêu bố mẹ" với người sinh ra mình.
Sự gần gũi, sẻ chia giữa các thành viên là chất xúc tác để đưa các thành viên trong gia đình đến gần nhau hơn. Theo trang WikiHow của Mỹ, chia sẻ những vấn đề mình gặp phải, hỏi xin bố mẹ kinh nghiệm sẽ giúp tăng sự gần gũi. Mặt khác, bố mẹ cũng cảm thấy hữu ích khi có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm sống với các con.
Có rất nhiều cách để thể hiện sự hiếu kính, tình yêu thương đối với đấng sinh thành. Ngoài thể hiện bằng hành động, đôi khi một câu nói "con yêu bố mẹ" cũng đủ khiến bố mẹ vui lòng.
Khi về già, bố mẹ thường có cảm giác mình là người thừa trong cuộc sống con. Cách tốt nhất để bố mẹ không thấy cô đơn chính là bầu bạn, chia sẻ những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống và nói yêu thương bố mẹ mỗi ngày.
Tích cực nói lời yêu thương với đấng sinh thành, thể hiện tình yêu với bố mẹ ngay từ hôm nay để họ không cảm thấy cô đơn dù con cái có ở xa hay gần. Bày tỏ tâm sự của bạn tại đây.
Bảo Trân