Dưới đây là chia sẻ của thầy Quang Nguyen:
Một giáo sư ngôn ngữ học ở trường đại học tại Mỹ từng chia sẻ, ông học tiếng Tây Ba Nha được 2 năm, có thể thuyết trình hội thảo bằng ngôn ngữ này, nhưng nghe thì... ngại.
Riêng với mình, nghe là kỹ năng khó nhất trong 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Để không "đánh mất" khả năng nghe, bạn phải luyện tập hàng ngày. Phương pháp luyện nghe hiệu quả nhất với mình chính là nghe đài.
Thứ nhất, khác với xem TV hay video, bạn có thể nghe đài mọi lúc mọi nơi. Điều này giúp bạn duy trì việc luyện tập về lâu dài do nó không "ăn" vào thời gian làm việc của bạn. Bạn có thể luyện nghe trong lúc lái xe, nấu cơm, rửa bát, lau nhà, tâp thể dục...
Thứ hai, khác với việc nghe "podcasts" hay các dạng nghe "audio" khác, bạn không cần phải "download" bài nghe. Chỉ cần một chiếc điện thoại nối mạng, bạn có thể nghe "ngay và luôn" mọi lúc, mọi nơi.
Thứ ba, nội dung nghe radio luôn mới. Điều này vừa tránh nhàm chán, vừa giúp người nghe cập nhật thêm thông tin và kiến thức mới trong cuộc sống.
Ngoài ra, khi nghe đài, bạn có thể luyện nghe qua đọc tin, thuyết trình, hội thoại (phỏng vấn), âm nhạc, hài kịch (comedy show)..., làm quen được với các hình thức nghe khác nhau.
Hơn nữa, bạn cũng được tiếp cận với các "accent" khác nhau, tạo nên những ngữ điệu đa dạng. Mình từng sống ở Michigan, nên thích nghe "Michigan radio". Mọi người có thể nghĩ kênh này chỉ có tiếng Anh-Mỹ nhưng không phải. Đài tiếp sóng cả BBC nên mình nghe Anh-Anh cũng rất nhiều. Ngoài ra, có những chương trình phỏng vấn người nhập cư chẳng hạn nên mình nghe đủ các "accent" trên thế giới.
Vậy, ai phù hợp luyện tiếng Anh qua nghe đài?
Thứ nhất là tiếng Anh của bạn phải đủ tốt, nghe phải hiểu được 60-70% trở lên, để tránh bị nhàm chán. Thứ hai, bạn có hứng thú với thời sự. Hội tụ đủ hai yếu tố đó, bạn có thể luyện nghe qua cách này.
Với mình, đó là cách luyện nghe hiệu quả nhất cho những người nghe khá.
Quang Nguyen