Đề tài do nhóm các nhà khoa học TP HCM, chủ nhiệm là tiến sĩ Trần Trí Luân, thực hiện. Luyện kim bột là phương pháp tạo ra vật liệu mới từ bột kim loại, hợp kim phi kim loại... Nguyên liệu gồm nhiều cấu tử với những tỷ lệ khác nhau, có tính chất hóa lý khác nhau. Hỗn hợp của chúng khi ép vào khuôn, cấu tử này có thể bù trừ nhược điểm cho cấu tử kia thành chi tiết, thiết bị máy với các thông số kỹ thuật cao.
Đề tài đã nghiên cứu, chế tạo mẫu bạc trượt từ bột sắt, đồng và thử nghiệm thành công ở Nhà máy phụ tùng số 2. So với sản phẩm của Liên Xô cũ, nó có độ mòn đều hơn và không xảy ra bong tróc. Nếu được đầu tư để chế tạo hoàn thiện, có thể đưa ra sản xuất đại trà.
Ông Dán cho biết, luyện kim bột không qua công đoạn nấu chảy như phương pháp truyền thống nên hạn chế đáng kể điện năng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Phương pháp trên nếu được ứng dụng sản xuất hàng loạt, trung bình 1.000 tấn sản phẩm từ bột sắt có thể tiết kiệm 2.200 tấn thép, giải phóng được 234 lao động và hơn 40 máy công cụ.
Đầu thế kỷ 19, Mỹ đã đưa vào xây dựng hơn 200 nhà máy. Công nghệ này cũng xuất hiện ở Việt Nam gần 50 năm trước nhưng mới dừng ở mức nghiên cứu, thử nghiệm mô hình nhỏ.
Về triển vọng của luyện kim bột, tiến sĩ Trần Trí Luân, Chủ nhiệm đề tài khẳng định, phương pháp này có thể tạo ra nhiều vật liệu như: các kim loại dưới dạng tấm, dây, có độ nóng chảy cao, dùng trong công nghiệp điện, điện tử; hợp kim cương dùng trong cắt gọt, chuốt kim loại, khoan đất đá. Hoặc tạo ra vật liệu xốp với độ xốp, kích thước lỗ chuẩn, có kết cấu lớp như: các loại màng lọc, bạc ngậm dầu, bọt xốp... Đây là những vật liệu mới, tiên tiến mà phương pháp luyện kim truyền thống không thể đáp ứng được.
T.N.