Việc đặt túi ngực để có một bầu ngực căng tròn là xu hướng thẩm mỹ đã và đang được nhiều chị em lựa chọn. Tuy nhiên, không ít người vẫn băn khoăn liệu khám tầm soát ung thư vú sau khi đặt túi ngực có cần thiết.
Mặc dù chưa có bằng chứng khoa học về việc đặt túi ngực làm tăng nguy cơ ung thư vú, thế nhưng dù đặt hay không, phái đẹp cũng nên tầm soát định kỳ để phát hiện bệnh sớm.
Ngày nay có rất nhiều phương pháp y khoa hiện đại để phục vụ cho việc tầm soát Ung thư vú như siêu âm, chụp nhũ ảnh (chụp X quang tuyến vú), chụp cắt lớp vi tính (CT) hay chụp cộng hưởng từ (MRI)...
Trong các phương pháp thực hiện tầm soát ung thư vú, siêu âm vú khá chủ quan và không thể phát hiện được những tổn thương vi vôi hóa. Ngay cả phương pháp chụp nhũ ảnh (X quang vú) khó có thể phát hiện những tổn thương ung thư như xáo trộn mô tuyến vú, vi vôi hóa, những u vú nhỏ ở các sẹo tuyến vú quanh túi ngực được đặt. Hơn nữa, những xảo ảnh do đặt túi ngực cũng gây nhầm lẫn khi chẩn đoán ung thư vú.
Phương pháp chụp cộng hưởng từ - MRI tuyến vú là một trong những phương pháp tối ưu, ưu tiên trong các trường hợp bơm silicone vú, đặt túi ngực để giúp tầm soát kỹ hơn các tổn thương vệ tinh hoặc tái phát.
Khi nào cần chụp MRI tuyến vú?
Chụp MRI là phương pháp ưu tiên thường được sử dụng để tầm soát ung thư vú ở phụ nữ có nguy cơ cao, như có lịch sử gia đình bị ung thư vú hoặc ung thư buồng trứng, có tiền sử xạ trị vào ngực, sử dụng nội tiết tố, béo phì hay tiêu thụ nhiều đồ uống có cồn...
Bác sĩ cũng sẽ chỉ định phương pháp này trong các trường hợp như nghi ngờ bị rò rỉ hay vỡ túi ngực, xác định mức độ lan rộng của ung thư với bệnh nhân đã được chuẩn đoán mắc ung thư vú, người có mô tuyến vú dày đặc, và chụp nhũ ảnh trước đó không phát hiện ung thư vú. Các đối tượng khác như tiền sử của người bệnh đã có những thay đổi tiền ung thư vú, ví dụ tăng sản không điển hình (atypical hyperplasia) hoặc ung thư biểu mô tiểu thùy tại chỗ (lobular carcinoma in situ).
Ưu điểm của chụp MRI tuyến vú
Chụp MRI tuyến vú có ưu điểm là thu lại hình ảnh có độ phân giải rất cao, dùng máy tính kết hợp lại để tạo ra hình ảnh chi tiết của tuyến vú. Nhờ đó, với chị em đã "trùng tu", phương pháp này được sử dụng để đánh giá sự toàn vẹn của túi ngực, nhận diện và đánh giá sự lan rộng của các biến chứng do quá trình đặt túi, các tổn thương nghi ngờ hoặc ác tính đã biết.
Chụp MRI cũng khắc phục nhược điểm của phương pháp chụp chụp nhũ ảnh (X quang tuyến vú) đối với chị em đã đặt túi ngực. Việc đọc nhũ ảnh có thể khó khăn hơn vì các cấy ghép bằng silicon hoặc dung dịch nước muối đều không cho tia X đi qua. Bởi vậy, chụp MRI được sử dụng bổ sung cho phương pháp chụp X quang để phát hiện ung thư vú, đặc biệt ở những phụ nữ có mô vú dày đặc.
Những dòng máy MRI hiện đại sẽ đưa lại hình ảnh sắc nét và độ chính xác cao hơn, giúp bác sĩ thu nhận thông tin lâm sàng đối với các bệnh lý như u tuyến vú, u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung hay khối u buồng trứng. Từ đây, kết quả chụp chính là căn cứ để điều trị đúng hướng, ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm.
Tại Việt Nam, hệ thống cộng hưởng từ 1.5T Ingenia Ambition là một trong những hệ thống tiên tiến nhất trong dòng sản phẩm cộng hưởng từ kỹ thuật số của tập đoàn Philips. Kỹ thuật khuếch tán xóa nền toàn thân (DWIBS) trang bị trên hệ thống giúp phát hiện sớm các tổn thương bất thường toàn thân, cụ thể là bệnh lý ung thư và di căn.
Ứng dụng này cũng giúp chụp cộng hưởng từ toàn thân nhanh hơn và nâng cao chất lượng chẩn đoán. Tại Việt Nam, hệ thống này được nhập về và chính thức vận hành tại bệnh viện Sản Nhi TWG Long An tháng 10 vừa qua, phục vụ việc tầm soát căn bệnh nguy hiểm này cho chị em các tỉnh thành miền Tây Nam Bộ.
Bác sỹ Trương Hiếu Nghĩa - Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Sản Nhi TWG Long An cho biết: "Chụp MRI tuyến vú là kỹ thuật an toàn và không gây nhiễm bức xạ. Trước khi thực hiện, bệnh nhân cần cho bác sĩ biết về tình trạng bản thân như chu kỳ kinh nguyệt, dị ứng, có đang mang thai hay cho con bú, có cấy ghép không để đảm bảo tối đa kết quả".
Chụp MRI tuyến vú dùng để hỗ trợ các phương tiện chuẩn đoán hình ảnh khác và không thay thế cho chụp nhũ ảnh. Vì thế, phương pháp phòng ngừa tốt nhất là tầm soát định kỳ và thực hiện theo chỉ định của bác sĩ tại những cơ sở y tế uy tín.
(Nguồn: BS. Trương Hiếu Nghĩa - Trưởng khoa Chẩn Đoán Hình Ảnh BV Sản Nhi TWG Long An)