Trước khi lắp CB, cần thống kê toàn bộ công suất tiêu thụ điện của thiết bị để biết được cường độ dòng điện tối đa là bao nhiêu. Khi tính toán phải chú ý đến cả trường hợp phụ tải tăng dòng ở trạng thái khởi động, ví dụ như ở máy điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh, mô tơ bơm nước… Chọn loại CB phù hợp, tức là số ampe không quá cao so với kết quả đã tính toán.
CB phải được bắt vít chắc chắn vào bảng điện và có nắp đậy. Đầu line in ở phía trên, đầu load ở phía dưới. Khi đấu dây thì nguồn AC được gắn vào các cọc line in, đầu ra cho phụ tải gắn vào các cọc load. Không nên gắn ngược lại vì dễ tạo ra nguy hiểm khi sửa chữa. Dây nóng phải đấu vào cọc L, dây nguội vào cọc N.
Xét về thực tế thì CB loại thông thường sẽ tự động cắt điện chỉ khi nào bị đoản mạnh hoặc quá tải. Trường hợp thiết bị điện bị rò rỉ thì CB không tự ngắt điện được vì không ở trong tình trạng mạch kín. Nếu có khả năng tài chính thì bạn hãy gắn CB có kèm theo chức năng chống điện giật, mức độ an toàn sẽ được tăng lên rất cao.
Với những hộ gia đình có mạng lưới điện 3 pha để phục vụ sản xuất, khi cần lắp CB loại 4 cực thì không được cấp dây nóng thứ hai vào cọc N để phân bổ cho một nhánh phụ tải nào khác. Đây là trường hợp người sử dụng muốn tiết kiệm chi phí nên đã đấu trực tiếp dây nguội, còn dây nóng thì cho chạy qua CB.
Thực ra thì ban đầu cũng có vài loại CB được nhà sản xuất lắp lưỡng kim nhiệt ở cả 2 nhánh L và N. Nhưng về sau, để hạ giá thành sản phẩm nên hầu hết chỉ gặp loại có lưỡng kim nhiệt bảo vệ nằm ở nhánh L, còn nhánh N thì chỉ có thanh đồng di động để tiếp xúc với cọc cố định khi CB được bật lên. Nếu sơ ý lắp dây nóng thứ hai vào cọc N để điều khiển song song 2 thiết bị nào đó thì vô cùng tai hại. Khi xảy ra sự cố chập điện ở nhánh N thì rất dễ gây nên tình trạng hỏa hoạn do cháy dây dẫn điện, bởi lúc đó CB đã hoàn toàn mất tác dụng bảo vệ.
(Theo Sài Gòn Giải Phóng)