Thạc sĩ Nguyễn Phước Bảo Khôi, giáo viên tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI, cho biết trong quá trình làm bài văn nghị luận xã hội, nhiều thí sinh thường gặp phải lỗi diễn đạt và dẫn chứng. Theo đó, thầy đưa ra một số lời khuyên sau để học sinh làm bài hiệu quả hơn:
Diễn đạt
Theo thầy Khôi, những lý lẽ trong bài văn cần được diễn đạt rõ ràng, mạch lạc, trong sáng và có chủ kiến. Điều này sẽ giúp bài văn của các em được đánh giá cao hơn.
Thứ hai, học sinh nên tránh kể lể dông dài, không bày tỏ được quan niệm hay đề xuất giải pháp nào cụ thể, khả thi.
Thứ ba, các em không nên sử dụng một số từ thuộc phong cách khẩu ngữ (văn nói) như hết sức, bức xúc. Ông nhận định, đây là hai từ nhiều học sinh đưa vào bài văn nghị luận nhưng thường chỉ dùng trong văn nói. Trong văn viết, nếu muốn sử dụng các từ này, các em phải chuyển sang những từ đồng nghĩa tương ứng. Ví dụ, hết sức chuyển sang dùng từ rất, vô cùng; bức xúc chuyển sang dùng các từ tương ứng như cấp thiết, gây nhức nhối, căng thẳng.
Thứ tư, học sinh không nên sử dụng những từ có ý nghĩa phán đoán trong văn nghị luận xã hội: dường như, có lẽ, phải chăng... Những từ này có thể sử dụng thoải mái khi viết một bài văn nghị luận văn học, tuy nhiên, trong nghị luận xã hội, chúng có thể khiến lý lẽ của người viết kém sắc bén hơn.
Cuối cùng, thí sinh nên chọn đại từ nhân xưng phù hợp. Thầy Khôi lưu ý học sinh nên sử dụng linh hoạt các đại từ nhân xưng như ta, chúng ta, mỗi người, mỗi cá nhân, con người, mọi người, thay vì tôi hay em để phù hợp với mọi hoàn cảnh.
Dẫn chứng
Đây là bằng chứng xác thực nhất để chứng minh luận điểm người viết nêu ra. Theo thầy Khôi, để đưa dẫn chứng vào bài văn nghị luận xã hội chính xác, thuyết phục và gây ấn tượng tốt với người chấm điểm, học sinh cần ghi nhớ một số lưu ý sau:
Trước tiên, người viết cần có dẫn chứng ở phần Thân bài (giải quyết vấn đề). Tuy nhiên, không phải luận điểm nào cũng cần dẫn chứng. Theo đó, dẫn chứng cần cụ thể, chính xác, tức phải đề cập đến ai phát ngôn ý kiến đó, trích dẫn từ nguồn nào, lai lịch nhân vật được đưa ra làm dẫn chứng...
Bên cạnh đó, khi đem một câu chuyện làm dẫn chứng, các em nên tránh việc kể lại dẫn chứng dông dài. Học sinh có thể áp dụng thứ tự sau: nêu ngắn gọn dẫn chứng - phân tích - liên hệ gắn kết với đề bài.
Ngoài ra, học sinh cần tránh sử dụng dẫn chứng trong tác phẩm văn học. Thay vào đó, các em có thể sử dụng vốn thành ngữ, tục ngữ - ca dao hoặc các câu danh ngôn nổi tiếng.
Thầy Khôi cũng chỉ ra một số mẹo giúp các em ghi nhớ dẫn chứng danh ngôn cho bài văn nghị luận xã hội như sưu tầm và sắp xếp dẫn chứng, danh ngôn theo từng chủ đề hay có thể áp dụng cho nhiều đề bài.
Ví dụ như câu nói Hãy cùng gia đình vui tươi trong miền đất cuộc sống đẹp đẽ này! (Albert Einstein) và Với chúng ta, gia đình nghĩa là vòng tay ôm lấy nhau và luôn ở bên nhau (Barbara Bush) có cùng chủ đề gia đình.
Trong khi đó, câu Tương lai phụ thuộc vào điều chúng ta làm trong hiện tại của Mahatma Gandhi có thể áp dụng có chủ đề thời gian, ý chí - nghị lực, quyết tâm, thái độ sống...
Thầy Khôi cho biết, ngoài nội dung nghị luận xã hội, học sinh và phụ huynh có thể tham khảo thêm các chuyên đề khác trong quá trình ôn thi vào 10 tại chương trình HM10 Tổng ôn của Hệ thống Giáo dục HOCMAI.
Chương trình HM10 Tổng ôn là nhóm khóa học giúp học sinh tổng ôn kiến thức ba môn Toán, Ngữ Văn, Anh. Đơn vị đã phân tích hệ thống đề thi những năm gần đây của tất cả các tỉnh thành trong cả nước để xây dựng chương trình, giúp đào sâu kiến thức, ôn luyện bám sát theo từng chuyên đề trọng tâm. Ông khẳng định: "Dưới sự hướng dẫn các thầy cô có trên 10 năm kinh nghiệm luyện thi, học sinh sẽ được củng cố kiến thức và trang bị kỹ năng để tự tin chinh phục cho các kỳ thi quan trọng".
(Nguồn và ảnh: HOCMAI)