Có thể vừa học vừa làm, tiếp cận kiến thức thực tế, lại tiết kiệm đáng kể thời gian, chi phí cho người học khiến hình thức học đại học trực tuyến phát triển mạnh ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, tùy vào điều kiện giáo dục ở mỗi nơi mà sinh viên có thẻ lựa chọn cho mình hình thức cũng như các khóa học trực tuyến phù hợp.
Ưu điểm của đại học trực tuyến
Học trực tuyến không ràng buộc thời gian lên lớp, do đó, sinh viên có thể sắp xếp thời gian công việc của mình mà vẫn có thể duy trì 1-2 tiếng mỗi ngày để trau dồi kiến thức và thực hành kinh nghiệm. Ưu điểm của việc học trực tuyến là tiết kiệm thời gian, chi phí và tận dụng được tối đa thời gian biểu còn trống.
Với thời gian học linh hoạt, học viên có thể vừa tham gia các lớp học trực tuyến vừa làm việc. Cuốn "Encyclopedia of Information Communication Technologies and Adult Education Intergration" của Victor C.X .Wang cho biết, một nghiên cứu tại 30 trường đại học tại Mỹ từ năm 1999 chỉ ra rằng việc học online giúp tiết kiệm tổng chi phí tới 40% so với các lớp học truyền thống.
Theo cách giáo dục truyền thống, phần lớn học sinh biết lý thuyết trước và sau đó mới áp dụng ra thực tế. Điều này thường không xảy ra với những người theo học trực tuyến bởi hình thức vừa học vừa làm giúp họ được ứng dụng ngay.
Do đó, sinh viên có thể dễ dàng ghi nhớ kiến thức mới và phục vụ luôn cho công việc. Hơn nữa, bạn không phải tự thuyết phục bản thân mình tin vào sự đúng đắn của những thứ được học mà có cơ hội kiểm chứng ngay lập tức.
Hạn chế của hình thức học đại học trực tuyến
Lựa chọn học đại học trực tuyến, mối quan hệ của sinh viên sẽ không được rộng mở như khi học tại các trường đại học truyền thống. Việc không đến trường lớp mà chỉ học qua Internet khiến sinh viên biết ít bạn bè hơn, không có thầy cô giáo tương tác trực tiếp.
Một bất lợi khác của các khóa học trực tuyến là người học không bị ràng buộc bởi lịch học, giáo viên giảng dạy và những nội quy khiến. Điều đó khiến sinh viên dễ trì hoãn hoặc bỏ dở việc học nếu thiếu tính tự giác và kỷ luật cá nhân.
Để khắc phục hạn chế này, các trường đại học trực tuyến xây dựng những công cụ hỗ trợ. Coursera và Udemy - hai "ông lớn" chuyên cung cấp các khóa học giáo dục trực tuyến hợp tác với nhiều trường đại học trên thế giới cho biết, thay vì chỉ tương tác với học viên qua những video bài giảng, ĐH Antioch - Los Angeles còn tổ chức những buổi gặp gỡ, giao lưu cho sinh viên ở khoảng 1.400 thành phố.
Ngoài ra, học viên có thể quyết định câu hỏi gửi đến người dạy là riêng tư hay công khai để chia sẻ với những người khác và tạo nhóm tranh luận. Phía giảng viên có thể tổ chức chương trình tương tác qua video với học viên.
Tại FUNiX - Đại học trực tuyến đầu tiên của Việt Nam, một đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin được thành lập và trở thành mentor (người hướng dẫn), hỗ trợ sinh viên như những người thầy, người bạn nghề. Các mentor này cũng là kênh kết nối tới cơ hội việc làm trong tương lai cho sinh viên.
Bên cạnh đó, đội ngũ trợ giảng Hannah cũng liên kết các nhóm sinh viên có cùng trình độ chương trình học, giúp các em có trải nghiệm học đại học thú vị. Các Hannah cũng là người nhắc nhở và theo sát sinh viên để đảm bảo việc học tập và thi cử không bị trì hoãn, gián đoạn.
Việc lựa chọn hình thức giáo dục truyền thống hay trực tuyến phụ thuộc vào nhu cầu, thói quen, điều kiện kinh tế của mỗi người. Mỗi hình thức giáo dục có những đặc điểm riêng, vì thế, quyết định chọn hình thức giáo dục trực tuyến của cách mạng công nghiệp 4.0 nằm ở lựa chọn trải nghiệm của mỗi người.
Hiền Mai