Dưới đây là chia sẻ của ông Trần Khắc Đại về hình thức APA và những lưu ý với doanh nghiệp:
Một số quốc gia thực hiện Luật chống chuyển giá, đồng thời muốn giữ chân và thu hút doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nên vừa kiểm tra doanh nghiệp chuyển giá, vừa đẩy nhanh thực hiện ký kết văn bản thỏa thuận nộp thuế với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Hình thức này gọi là APA (Advance Pricing Agreements)
APA tại Việt Nam được Bộ tài chính hướng dẫn tại Thông tư 201 ngày 20/12/2013 và hiện nay là thông tư 45 ngày 3/8/2021 hướng dẫn việc áp dụng cơ chế Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) trong quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Đây là những quy định về thuế trong cơ chế xác định giá tính thuế theo thỏa thuận giữa Cơ quan thuế và doanh nghiệp có giao dịch liên kết tại Việt Nam.

Ông Trần Khắc Đại- Phó giám đốc Công ty Kiểm toán AS. Ảnh: AS
Tính từ năm 2013 đến nay mặc dù Việt Nam đã có cơ chế APA nhưng thực tiễn chưa có doanh nghiệp nào thực sự ký kết APA với Bộ Tài chính. Trong 8 năm qua, nhiều doanh nghiệp quan tâm APA. Các nhà đầu tư luôn tìm nơi an tâm để sản xuất kinh doanh và hạn chế tối đa về xung đột pháp lý.
Thông tư 201 đã bộc lộ một số rào cản cho người nộp thuế và cơ quan thuế. Cụ thể, bộ hồ sơ đàm phán còn phức tạp, thời gian xem xét quá dài: doanh nghiệp liên hệ cơ quan thuế địa phương ban đầu, thẩm tra phê duyệt là Tổng cục thuế, trình ký thỏa thuận APA là Bộ Tài chính.
Các quy định về nội dung thẩm định APA còn nhiều rào cản khung pháp lý chung về thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết đang được cơ quan thuế hoàn thiện dần như: dữ liệu so sánh tương đồng của cơ quan thuế; nguyên tắc lựa chọn đối tượng so sánh giá; phương pháp tính toán xác định giá.
Tuy nhiên, Thông tư 45 ra ngày 3/8/2021 đã khắc phục phần nào những hạn chế này. Thứ nhất, thông tư 45 ra đời khi đã có Nghị định 132 ngày 5/11/2020 quy định chi tiết về Quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết làm hài hòa, ổn định về nội dung. Như vậy, có thể xem rào cản và khung pháp lý về thuế được hoàn thiện.
Thứ hai, quy trình trao đổi, đàm phán giải quyết hồ sơ APA đã cải thiện, Tổng cục Thuế là cơ quan ký kết APA với doanh nghiệp (trước đây là Bộ tài chính).
Thứ ba, thời hiệu ký kết APA trước đây là 5 năm, hiện tại là 3 năm. Ở đây có 2 quan điểm, 5 năm tạo sự ổn định lâu dài cho doanh nghiệp, quan điểm 3 năm phù hợp với sự biến đổi nhanh chóng của thị trường Việt Nam và thế giới trong thời đại kỹ thuật số.
Ngoài ra, công tác tuyên truyền về APA đến doanh nghiệp cần được quan tâm. Khi APA được doanh nghiệp và cơ quan thuế ký kết thì cả hai bên đều được thuận lợi. Theo đó, doanh nghiệp an tâm sản xuất, giảm thời gian và chi phí lập hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết phải làm hàng năm. Cơ quan thuế tiết kiệm chi phí thuế, giảm sự bất đồng, tăng sự đồng thuận giữa cơ quan thuế và doanh nghiệp.

Công ty kiểm toán AS có 22 năm hoạt động trong lĩnh vực kiểm toán, tư vấn thuế. Ảnh: AS
Với các doanh nghiệp có vốn đầu tư người ngoài (FDI), hiện tại thông tư 45 chưa quy định thực hiện hồi tố APA. Một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc đã cho phép áp dụng hồi tố trong đề nghị APA, nghĩa là cơ quan thuế cho phép áp dụng các điều khoản thỏa thuận APA của năm hiện tại vào các năm trước khi ký kết APA.
Thời hiệu áp dụng APA là sẽ phụ thuộc vào tiến độ thẩm định hồ sơ, còn trước đây thực hiện APA là từ ngày doanh nghiệp nộp hồ sơ APA chính thức.
Doanh nghiệp muốn tìm hiểu thêm có thể liên hệ Công ty TNHH Kiểm toán AS để được tư vấn và hỗ trợ.
Tuệ Minh