Từ giữa đến cuối năm là thời điểm phát sinh nhiều nhu cầu sửa chữa, cải tạo nhà. Dưới đây là một số kinh nghiệm mà các gia chủ nên lưu tâm, để giúp tối ưu hiệu quả:
Phân biệt cải tạo và xây mới
Phương án cải tạo chỉ phù hợp với căn nhà có phần kết cấu vẫn vững chãi, hệ thống kỹ thuật âm tường dễ dàng cải tạo, nâng cấp mà không quá tốn kém chi phí. Ngoài ra, giải pháp này cũng thường được ưu tiên đối với các nhà phố trong khu vực nội thành, khó xin giấy phép xây mới.
Bạn nên tiến hành khảo sát và đánh giá thực trạng, phân tích kỹ ưu - nhược điểm giữa cải tạo và xây mới để quyết định nên chọn cách nào.
Cân nhắc thời điểm
Cải tạo quá gấp gáp sẽ dễ gặp tình trạng "đội giá" vật liệu và chi phí nhân công. Để có thời gian chuẩn bị chu đáo, gia chủ nên có kế hoạch từ trước ngày khởi công ít nhất 1-2 tháng.
Chuẩn bị và lên kế hoạch
Bạn nên định hình và gạch rõ các danh mục cần cải tạo, càng chi tiết, cụ thể càng tốt. Thứ tự ưu tiên sẽ dựa vào hiện trạng, nhu cầu và điều kiện tài chính của gia đình. Tuy nhiên, theo tôi, tốt nhất là nên cố gắng cải tạo các hạng mục liên quan đến phần xây dựng, hầm, để đỡ phải sửa chữa nhỏ lẻ sau này. Các phần nổi và nội thất rời có thể phân ra các giai đoạn đầu tư tiếp theo.
Trường hợp buộc phải cơi nới, thay đổi quy mô và kết cấu chịu lực của ngôi nhà, bạn nên chủ động xin giấy phép xây dựng sửa chữa, cải tạo.
Chi phí
Để tính được chi phí cụ thể, bạn cần có thiết kế tổng thể bao gồm cả triển khai chi tiết cần thiết, bản vẽ phối cảnh 3D. Bản vẽ chuẩn thì việc bóc tách thi công mới dễ dàng, chính xác và ít sai sót hay phát sinh.
Chi phí xây mới (phần thô) thường từ 3-5 triệu đồng một m2. Tuy nhiên, chi phí cải tạo thì thường không cố định, vì còn tùy vào mức độ cải tạo, khu vực xây dựng, diện tích, vật liệu, nội thất... và yêu cầu cụ thể của chủ nhà.
Các hạng mục chi phí cải tạo thường bao gồm: phí thuê nhà thầu, thiết kế, mua vật tư, thiết bị - nội thất, dự phòng. Trường hợp nhà trong ngõ nhỏ, sâu thì cần tính toán thêm về giải pháp và chi phí vận chuyển nguyên vật liệu, rác thải ra vào.
Lưu ý khi thi công
Một công trình cải tạo tốt là phải vừa đảm bảo đúng kỹ thuật, an toàn cho các công trình lân cận, chi phí thấp nhất nhưng mang lại diện mạo, công năng đáp ứng đầy đủ yêu cầu của chủ nhà.
Ngoài việc thay đổi về "lượng" như tăng diện tích, không gian, thì rất nên quan tâm đến các yếu tố "chất": thẩm mỹ, công năng, ánh sáng, thông gió... để tạo sự cân bằng trong không gian sống.
Trong trường hợp thuê nhà thầu, gia chủ cần chú ý kiểm tra lại tất cả các hạng mục từ kiến trúc, nội thất, hệ thống điện, đường ống nước, sàn... trước khi nghiệm thu. Bên cạnh đó, bạn nên chuẩn bị sẵn sàng các phương án dự phòng nếu xảy ra rủi ro, sự cố, chậm tiến độ... vì đây là việc khó tránh khỏi.
KTS Nguyễn Trường Thành
Công ty tư vấn kiến trúc và nội thất NTTart