Lưu Trọng Ninh cùng đồng nghiệp nghiên cứu kịch bản khi làm phim "13 nữ tử tù". |
- Gần đây, báo chí đưa tin bộ phim “Chiếu dời đô” do anh đạo diễn có kinh phí lên tới 60 tỷ đồng, vượt qua bộ phim đang đứng đầu danh sách những phim tốn kém nhất hiện nay là “Trần Thủ Độ” với 51 tỷ đồng. Thực hư chuyện này thế nào?
- Tất cả thông tin bị làm nhiễu hết cả. Công việc chúng tôi chuẩn bị trong thầm lặng cả năm nay rồi. Vừa qua một số báo công bố chúng tôi làm Chiếu dời đô 60 tỷ đồng là không đúng lúc và không chính xác, làm rối rắm mọi việc, có khi hỏng chuyện lớn. Cần bao nhiêu kinh phí và hiện huy động được bao nhiêu chỉ người trong cuộc mới biết. Bộ phim hoàn toàn huy động vốn bên ngoài và kinh phí đến nay chưa đầy đủ.
- Tại sao các anh chuẩn bị âm thầm như thế, trong khi những bộ phim lịch sử khác cũng hướng tới 1000 năm Thăng Long - Hà Nội được tuyên bố rộng rãi trên truyền thông?
- Chiếu dời đô có tiền lệ rất rắc rối. Trước đây chính tôi được chọn làm đạo diễn bộ phim này của Hãng phim truyện Việt Nam nhưng do nhiều yếu tố, sự việc trở thành không hay. Sự không may ấy một phần là do sự loạn xạ của thông tin. Chúng ta nên tập thói quen: làm rồi hãy nói. Chưa đâu ra đâu cả mà tuyên bố rầm rộ làm gì?
- Vừa qua, bộ phim "Trần Thủ Độ" gặp rắc rối do nữ diễn viên chính ngừng vai. Các anh rút kinh nghiệm gì trong việc tuyển diễn viên cho “Chiếu dời đô” từ sự kiện này?
- Tôi cho đó là một sự cố không may thôi, không có gì để làm kinh nghiệm cho phim khác. Nếu cứ tránh như thế thì làm sao làm phim được. Phim huy động hàng trăm người tham gia, trong đó việc chọn diễn viên chính không đơn giản. Có thể có hàng chục ứng viên mà chưa ra được một người. Tuy nhiên, để thực hiện Chiếu dời đô, có những chuyện còn lớn hơn nhiều việc chọn diễn viên chính.
- Những khó khăn anh gặp khi thực hiện bộ phim này?
- Khó khăn nhất là khi thực hiện là trách nhiệm của những người làm phim rất nặng. Nếu làm phim bằng ngân sách nhà nước thì trách nhiệm đạo diễn sẽ nhẹ hơn, hết nhiệm vụ là xong. Chấp nhận làm phim là chúng tôi chấp nhận bước vào một cuộc chiến. Để đáp ứng được người xem và các nhà đầu tư không phải đơn giản, còn phải đáp ứng cả ý nghĩa truyền thống, sứ mệnh mà nó mang theo nữa. Công việc chúng tôi trong mấy tháng vừa qua là đi tìm chứng cứ lịch sử để tiến gần đến nó, rồi sau đó mới cất cánh nghệ thuật. Chúng tôi đang nghiên cứu rất kỹ, mang lịch sử, sách vở ra đối chiếu, để chuẩn bị từng cái dép, cái guốc, cái nón cho phù hợp. Tuy nhiên tôi khẳng định, bộ phim sẽ hoàn thành trước dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Nếu để sau Đại lễ, nó đâu còn ý nghĩa gì nữa?
Lưu Trọng Ninh theo đuổi "Chiếu dời đô" đã ba năm nay. |
- Vậy anh có lo lắng gì về việc phim Việt Nam, nhất là phim lịch sử, thường gặp khó khăn khi thu hút khán giả tới rạp?
- Tôi cho rằng, phim lịch sử hay hiện đại đều cần có chung một điểm là phim hay. Chúng tôi làm phim này không phải để chứng minh lịch sử, không giảng dạy lịch sử, không nói Lý Công Uẩn là ai, vì sao ông ấy dời đô. Đó là việc của các nhà sử học và nhà giáo dục. Tôi chỉ mang đến cho người xem một người cảm hứng. Tất nhiên, làm phim ở Việt Nam khó khăn hơn nước ngoài rất nhiều vì người dân chưa có thói quen xem phim lịch sử. Với kinh phí lớn như thế, lượng khán giả phải lên tới hàng triệu người mới bù lại được. Chính vì thế chúng tôi chịu gánh nặng rất lớn.
- Anh xây dựng hình tượng Lý Công Uẩn theo góc độ nào?
- Kẻ anh hùng nào cũng có những nỗi lòng, tâm sự riêng, số phận riêng. Khi đã là nhân vật thì buộc phải có nhiều mặt của con người. Chiếu dời đô chỉ là một câu chuyện lịch sử nhưng có rất nhiều điều để nói xung quanh, vì nó đồng nghĩa với việc đẻ ra một thể chế chính trị mới gắn liền với hình ảnh một người đã đưa Đại Việt vững mạnh và xây dựng đất nước phồn thịnh.
- Song song với bộ phim nhựa “Chiếu dời đô” do anh đạo diễn cũng có thêm một bộ phim truyền hình về Lý Thái Tổ. Anh nghĩ thế nào nếu hình tượng Lý Công Uẩn ở hai bộ phim này khác nhau khiến khán giả hoang mang?
- Kịch bản phim truyền hình về Lý Thái Tổ còn chưa viết xong, sao nói là sẽ có được? Làm phim hiện đại thì nhanh, nhưng làm phim lịch sử, riêng việc chuẩn bị quần áo, bối cảnh đã mất cả năm trời. Mọi người đều có quyền làm phim, anh cứ làm đi, đừng nói. Nếu hai bộ phim chiếu gần sát nhau cũng không sao cả. Đấy là chuyện bình thường. Việc hai nhân vật Lý Công Uẩn khác nhau, đấy mới là vẻ đẹp của nghệ thuật. Nếu giống nhau, nó chỉ là lịch sử. Mỗi đạo diễn sẽ nhìn ở góc độ khác nhau, mô tả theo một cách khác nhau, nhìn nhân vật ở từng góc độ, thời điểm khác nhau. Ví dụ như Tần Thủy Hoàng, Trương Nghệ Mưu làm khác hẳn Trần Khải Ca cả về số phận nhân vật, hình thức, sự kiện liên quan. Nghệ thuật có quyền cất cánh, có quyền tưởng tượng.
- Những bộ phim của anh trước đây thường hướng vào giới trẻ, trong khi Lý Công Uẩn là một nhân vật lịch sử, sự chuyển đổi phong cách này gây trở ngại gì cho anh?
- Tôi cho rằng điện ảnh luôn dành cho tuổi trẻ. Lý Công Uẩn cũng trẻ vì khi lên làm vua, ông mới hơn ba mươi tuổi. Chúng ta cứ nghĩ ông cách mình hơn 1000 năm nên cho là già, nhưng không phải. Tôi cũng cho rằng, tuổi trẻ không phải ý nghĩa ở tuổi thực của nó. Sức trẻ, sự táo bạo, chiến thắng mình - đó mới là tuổi trẻ. Vậy nên, có những người 80 tuổi vẫn trẻ, trong khi nhiều người 20 đã thấy mình già.
Bản thân tôi thỉnh thoảng thấy người ta chào bác thì thấy mình già, còn tôi không bao giờ nghĩ mình là ai cả. Người mà nghĩ mình già, thì bất kể tuổi tác, đã già rồi. Tôi sống rất hồn nhiên và không bận tâm mình bao nhiêu tuổi.
"Người đẹp tôi chán từ lâu rồi". |
- Dồn sức cho “Chiếu dời đô”, vậy phim “Mãi mãi tuổi 20” - dựa trên nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc - của anh sẽ thế nào?
- Chiếu dời đô có trước Mãi mãi tuổi 20. Tôi theo đuổi nó gần 3 năm nay, từ 2007 đến giờ, vì thế tôi phải dành hết tâm huyết cho nó. Mãi mãi tuổi 20 là một kịch bản tôi rất thích nhưng thứ nhất là không có ngân sách, thứ hai là làm lúc nào cũng được, còn đại lễ 1000 năm mới có một lần.
- Việc theo đuổi “Chiếu dời đô” trong suốt ba năm của Lưu Trọng Ninh có gì giống với công cuộc chinh phục một người đẹp?
- Không, công việc là công việc chứ. Các người đẹp tôi chán từ lâu rồi.
- Chán các người đẹp, tại sao anh lại tuyên bố “Tôi toàn bị phụ nữ lấy”?
- Tôi không nói như vậy. Tôi chỉ nói: Tôi thấy hạnh phúc nhất khi tôi yêu người ta chứ không phải tôi được người ta yêu, nhưng ý kiến của tôi bị hiểu sai. Vốn được phụ nữ chiều chuộng nên tôi không có được tình yêu thực sự do mình tìm kiếm. Đó là nỗi bất hạnh của tôi. Tôi thích tìm cái tôi cần chứ không phải cái có sẵn.
Người ta đồn tất cả phụ nữ chạy theo tôi. Nhưng đó chỉ là lời đồn thôi chứ tôi thấy tôi cũng bi kịch, ngồi co ro một mình một góc chứ có gì đâu.
- Được chiều chuộng nhưng bản thân anh, quá bận rộn với những dự án phim, chăm sóc lại gia đình mình như thế nào?
- Có hai loại đàn ông. Đàn ông chăm chút gia đình và đàn ông lo lắng cho gia đình. Chăm chút gia đình là quét nhà, cùng nhau rửa bát, cùng nhau nấu cơm, còn lo cho gia đình là bôn ba để xây đắp nền tảng hạnh phúc. Đàn ông chăm chút thì vợ thích nhưng ở nhà mãi vợ chán lại bảo: Sao người ta bay đi kiếm tiền mà anh cứ ngồi xó bếp? Thỏa mãn phụ nữ thật không dễ.
Ngọc Trần thực hiện
Ảnh: Văn Tiệp